Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua những ngày giảm điểm được xem là tồi tệ nhất trong thời gian gần đây. Thậm chí có phiên giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất hơn 100.000 tỉ đồng.
Hai ngày, 200.000 tỉ đồng bốc hơi
Sáng qua (24-4), chứng khoán tiếp nối đà lao dốc kinh hoàng của những ngày trước đó với hàng trăm cổ phiếu giảm giá và VN-Index bay mất gần 28 điểm chỉ sau nửa tiếng mở cửa giao dịch. Rất may sau đó thị trường có dấu hiệu phục hồi trở lại và kết thúc phiên giao dịch trong ngày, chỉ số VN-Index nhích lên 1.080,74 điểm.
Tuy hồi phục nhẹ lên mức trên nhưng việc liên tục giảm mạnh trong những ngày trước đó đã phá tan thành quả đạt được trong vòng hơn tháng qua. Đơn cử ngày 19-4, VN-Index giảm chỉ còn 1.094,63 điểm, giá trị vốn hóa mất hơn 100.000 tỉ đồng. Ngày 23-4, VN-Index chỉ còn 1.076,78 điểm, làm tiêu tan 100.000 tỉ đồng giá trị vốn hóa của thị trường này.
Bình luận về sự kiện trên, một số chuyên gia cho rằng việc các công ty chứng khoán cắt tỉ lệ cho vay ký quỹ (margin) ở một số cổ phiếu khiến những nhà đầu tư cầm cố chứng khoán lo lắng nên bán tháo, kéo thị trường giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư nước ngoài đột ngột bán tháo cũng tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Nhiều chuyên gia dự báo khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh về những mốc điểm sâu hơn trước khi có được nhịp hồi phục bền vững trở lại. Ảnh: PM
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Duy Tuân, nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán SSI Chi nhánh Hà Nội, phân tích: Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ra tạo tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư. Có thể thấy điều này qua việc một loạt cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, có sức ảnh hưởng thị trường được nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong thời gian qua như KBC, VJC, HPG, KDH. Tổng trị giá đợt bán tháo này lên đến hàng trăm tỉ đồng đã kéo theo đà bán tháo của các nhà đầu tư Việt Nam.
Ông Barry Weisblatt, Giám đốc phòng Nghiên cứu và phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, cho biết thêm: Các phiên giảm điểm gần đây chủ yếu liên quan đến cổ phiếu của các ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường như BID, CTG, VPB, MBB, HDB, VCB. Đồng thời các mã chứng khoán ngành năng lượng, dầu khí cũng góp phần vào đà giảm thị trường mà điển hình là GAS, PVD, PVT.
Tuy vậy, ông Barry Weisblatt nhấn mạnh: “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ yếu tố cơ bản hoặc thông tin vĩ mô nào liên quan đến đà bán mạnh này. Vì hầu hết mã giảm ảnh hưởng đến thị trường đều đã công bố kết quả kinh doanh năm tài chính 2017 lẫn quý I-2018 rất tốt”.
Đỏ sàn nhưng không sốc Chứng khoán đã tăng rất nhanh từ 900 điểm lên hơn 1.170 điểm, tức là đã tăng khoảng 200 điểm chỉ trong thời gian ngắn nên việc thị trường điều chỉnh hiện nay là bình thường, không có gì sốc. Trong thị trường, không thể nói cứ tăng điểm mãi hay cứ giảm điểm mãi. Việc một chỉ số lên hay xuống chỉ là một phần phản ánh thị trường trong một thời điểm. ÔngNGUYỄN DUY HƯNG, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI |
Không đáng ngại
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho rằng chứng khoán càng lên càng phải cẩn trọng nhưng nhìn về dài hạn thị trường vẫn đang rất tốt. Nền tảng cho điều này là các yếu tố vĩ mô cơ bản đã được Chính phủ xử lý khá tốt như giảm nợ xấu, quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào ổn định.
Dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, nhận định thị trường vẫn diễn biến theo chiều hướng tích cực và cơ hội luôn có với mọi nhà đầu tư. Bệ đỡ cho điều này là ở góc độ vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất và dịch vụ, yếu tố nền tảng cho phát triển bền vững thay vì đến từ các hoạt động mang tính đầu cơ tài sản.
Đặc biệt là sự cam kết của Chính phủ tập trung cải cách hệ thống tài chính tiền tệ. Trong đó có việc cải cách hệ thống ngân hàng, hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. “Trong giai đoạn vừa qua, có một định hướng nền tảng là Nhà nước không huy động nguồn lực để phân bổ nguồn lực mà định hướng nguồn lực qua các chính sách. Điều này có nghĩa là Nhà nước để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động và phân bổ nguồn lực dựa theo hiệu quả đầu tư của xã hội hóa. Với chính sách minh bạch, niềm tin được cải thiện nên các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền đầu tư, trong đó bao gồm chứng khoán” - ông Hưng phân tích.
Đi vào cụ thể hơn, các chuyên gia khuyến nghị trong tình hình hiện nay, nhà đầu tư ngắn hạn nếu đang có tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục thì nên tận dụng những nhịp hồi phục để đưa tỉ trọng về mức an toàn. Với nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và có triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Đại gia bị thổi bay cả ngàn tỉ đồng Chỉ riêng trong hai phiên giao dịch “đỏ lửa” của thị trường chứng khoán là ngày 19 và 23-4, tài sản của các tỉ phú Việt Nam bốc hơi hàng ngàn tỉ đồng. Ví dụ, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà lãnh đạo hãng bay giá rẻ VietJet (mã chứng khoán VJC), bốc hơi khá mạnh.
Bà Thảo hiện sở hữu gần 129 triệu cổ phiếu VJC. Ngày 19-4, cổ phiếu VJC mất 12.800 đồng/cổ phiếu, tương đương bà Thảo đã mất 1.651 tỉ đồng. Đến ngày 24-4, VJC phục hồi nhẹ nhưng số tiền lấy lại khá nhỏ, chỉ là 167 tỉ đồng. Còn với vị tỉ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, thì trong hai ngày 19 và 23-4 cổ phiếu HPG mất 5.200 đồng. Điều này đồng nghĩa đại gia Trần Đình Long phải chia tay khối tài sản 1.981 tỉ đồng. |