Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, vấn đề của xăng dầu hiện nay là không theo thị trường nào cả. “Mới đây, giá thế giới đang giảm mà giá trong nước lại tăng, tại sao vậy. Đối với thị trường xăng dầu, Nhà nước đang muốn gì, có phải để đảm bảo an toàn năng lượng không, nếu không phải thì ngành đó phải về thị trường hoàn toàn chứ!” - ông Sơn nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Về nguyên tắc, người dân bức xúc chủ yếu là do cơ quan quản lý chưa minh bạch. Chứ nếu giá thế giới tăng thực sự thì trong nước tăng theo, người dân cũng chấp nhận thôi. Nhưng do cách điều hành không rõ nên người dân mới bức xúc. Vì vậy, tôi cho rằng kiểm toán nên kiểm toán giá mua của doanh nghiệp (DN), các chi phí lưu thông và chi phí khác. Nên có một lần kiểm toán và công khai chi phí đó ra một lần. Việc minh bạch như vậy thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”.
Như vậy, vấn đề cốt lõi vẫn là minh bạch. Có lẽ người dân sẽ không “bắt” Nhà nước phải ôm trợ giá cho xăng dầu hay điện. Thế nhưng điều mà người dân muốn biết đó chính là thực sự giá xăng dầu, giá điện là bao nhiêu và có thực sự các DN đang lỗ không. Cơ chế điều hành có thực sự theo thị trường không hay chỉ là thị trường nửa vời.
Hiện nay, giá điện cũng chỉ mới được cơ quan quản lý nhà nước công bố DN còn lỗ rất chung chung chứ không chỉ ra cụ thể lỗ do đâu. Hay với xăng dầu cũng vậy, cơ quan quản lý cũng chỉ đưa ra công thức giá cơ sở và dựa trên công thức đó, DN lỗ. Còn thực tế, DN có nhập lô hàng với mức giá đó không thì không ai công bố.
Có lẽ trách nhiệm lớn nhất mà người dân còn kỳ vọng ở cơ quan quản lý đối với việc quản các mặt hàng thiết yếu đó chính là minh bạch.
MAI PHƯƠNG