Sáu năm qua, anh Nguyễn Tấn Đại ở xã Phú Lộc, huyện Tân Phú (Đồng Nai) gửi đơn đến các cơ quan tố tụng yêu cầu bồi thường vì bị bắt, truy tố oan nhưng không được giải quyết. VKSND tỉnh Đồng Nai, cơ quan truy tố oan anh Đại, không đồng ý bồi thường cho người bị oan vì cho rằng anh khai báo gian dối!
Truy tố hai lần không kết tội được
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, trưa một ngày đầu tháng 7-2005, Nguyễn Tấn Đại đi qua nhà hàng xóm thấy cháu NHA (tám tuổi) đang nằm trên võng trước nhà nên đã bế cháu đến rẫy nhãn gần đó để thực hiện hành vi đồi bại. Cháu bé không dám nói cho ai biết. Đến ngày 9 và 10-7-2005, mẹ cháu bé nhờ Đại qua nhà bắt bò cạp. Khi thấy Đại, cháu bé nói cho anh trai biết chuyện bị Đại làm bậy. Một tuần sau, mẹ cháu biết chuyện, cộng với việc cháu bé bị đau rát ở chỗ kín, gia đình tố giác sự việc đến công an. Đại bị bắt, truy tố về tội hiếp dâm trẻ em.
Cuối năm 2006, TAND tỉnh Đồng Nai phạt Đại chín năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Sau đó Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy bản án để điều tra, xét xử lại.
Sống chung với mẹ trong căn nhà đại đoàn kết, hằng ngày anh Đại đi làm thuê và yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai bồi thường vì bị oan. Ảnh: V.NGỌC
Sau khi điều tra lại, VKSND tỉnh Đồng Nai tiếp tục truy tố Đại về tội hiếp dâm trẻ em. Tháng 5-2008, tòa án tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm lần hai, tuyên bị cáo Đại không phạm tội. Bốn tháng sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bác kháng nghị của VKSND tỉnh Đồng Nai, kháng cáo của gia đình bị hại, y án sơ thẩm, tuyên Đại trắng án.
Trong bản án phúc thẩm lần hai, tòa chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn: Kết luận điều tra cũng như cáo trạng không xác định được ngày bị cáo phạm tội. Lời khai nhận tội của bị cáo mâu thuẫn với lời khai của gia đình bị hại về thời gian, địa điểm xảy ra sự việc; mâu thuẫn về cách thức thực hiện hành vi hiếp dâm; mâu thuẫn với kết luận giám định pháp y với thực tế “không bị gì” của cháu bé.
Chưa hết, trong bản cung nhận tội của bị cáo không có mặt người giám hộ hoặc người bào chữa (thời điểm bị bắt, Đại còn ở tuổi vị thành niên). Đặc biệt, thời điểm mà VKS cáo buộc Đại phạm tội, có chứng cứ xác định Đại và hai người bạn đi câu cá từ sáng đến chiều mới về nhà nên không thể có chuyện Đại thực hiện hành vi phạm tội với cháu bé.
Rồi không chịu bồi thường
Ngay sau khi tòa tuyên án, anh Đại yêu cầu các cơ quan tố tụng Đồng Nai bồi thường oan. Sau đó, TAND tỉnh Đồng Nai có công văn gửi VKSND tỉnh Đồng Nai xác định VKS phải bồi thường oan cho anh Đại. “Nếu VKSND tỉnh Đồng Nai và ông Đại không thỏa thuận được mức bồi thường thì ông Đại có quyền khởi kiện ra tòa án theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra” - văn bản nêu rõ.
Tuy nhiên, năm 2011, VKSND tỉnh Đồng Nai có công văn trả lời cho anh Đại là anh không được bồi thường “vì cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm” theo khoản 2 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước!
Về trường hợp của anh Đại, ngày 30-12-2014, ông Đặng Thành Hương, Phó Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, VKSND tỉnh Đồng Nai (Phòng 1A), nói: Viện trưởng đã chỉ đạo Phòng Thanh tra kiểm tra lại để giải quyết đơn khiếu nại của anh Đại. Riêng Phòng 1A vẫn bảo lưu quan điểm là anh Đại không thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại do anh này có hành vi khai báo gian dối”.
Mới đây, trong căn nhà đại đoàn kết mà cán bộ và nhân dân xã Phú Lộc đóng góp xây dựng cho gia đình, anh Đại nói: “Họ đã đẩy tôi vào tù tội oan nhưng sáu năm nay không chịu bồi thường nên tôi tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng”.
Diễn dịch luật sai để né bồi thường Theo luật sư Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, trường hợp của anh Đại, VKSND tỉnh Đồng Nai phải bồi thường. Không thể nói như ông trưởng phòng 1A, VKSND tỉnh Đồng Nai là anh Đại khai báo gian dối nên không được bồi thường. Hiểu và diễn dịch luật như thế để né tránh việc bồi thường cho người bị oan là không thể chấp nhận được. Ngay trong Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước mà VKSND tỉnh Đồng Nai viện dẫn đã nói rất rõ: Người khai báo gian dối “để nhận tội thay hoặc để che giấu tội phạm” mới không được bồi thường. Anh Đại khai báo gian dối (nếu có) để nhận tội thay cho ai? Che giấu tội phạm nào? Đó là chưa nói đến chuyện cơ quan chức năng cần làm rõ anh Đại có bị bức cung, nhục hình gì không trong việc anh phải nhận điều mình không làm. Ông Chấn cũng nhận tội và cơ quan tố tụng vẫn phải bồi thường đấy thôi. Làm sai và nhận trách nhiệm để sửa chữa, xem ra vẫn còn khoảng cách khá xa. |