Bầu Kiên tự bào chữa: Tôi buồn nhất vì tội danh lừa đảo

Trong bốn tội danh tôi bị truy tố, đây là tội danh tôi thấy buồn nhất, bức xúc nhất. Tôi, một doanh nhân có tên tuổi, có uy tín, có tiền của mà lại đi lừa đảo bạn bè thân của mình. Những người không biết được thực chất của vụ án, không biết được bản chất sự việc, sẽ nghĩ ra sao, sẽ đánh giá thế nào về con người tôi.

Tôi khẳng định trước HĐXX, đây là một nghĩa cử tôi giúp bạn bè, giúp anh Long (ông Trần Đình Long- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát), ngoài ra không còn lý do nào khác.

Tôi đã nêu việc này trong tất cả các hồ sơ, nhưng cơ quan điều tra đã không đưa những điều này vào nội dung để đánh giá chứng cứ. Hoàn toàn không. Trong kết luận điều tra không, trong cáo trạng không, trong bản luận tội của vị đại diện VKSND TP. Hà Nội không. Tôi cho rằng đây là việc làm vô cùng thiếu trách nhiệm đối với công dân.

Ngay tại tòa, khi HĐXX hỏi, anh Long đã thừa nhận ba nội dung tôi thỏa thuận với anh Long là chính xác.

Tôi xin được tranh luận với đại diện VKS về 6 hành vi mà cơ quan cảnh sát điều tra, VKS truy tố tôi và bản luận tội hôm trước của đại diện VKS mà theo tôi hiểu, đó là các hành vi buộc tội tôi gian dối.

-Thứ nhất, thỏa thuận của tôi với anh Long là thỏa thuận của hai chủ tịch tập đoàn. Hai người có đầy đủ năng lực hành vi để có thể thỏa thuận. Dù thỏa thuận của chúng tôi bằng lời nói nhưng đây là thỏa thuận được pháp luật công nhận tại điều 74 Luật Thương mại: Lời nói là một hợp đồng cung ứng dịch vụ mà các bên phải có nghĩa vụ phải thực hiện.

Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ từ chối nghĩa vụ thực hiện của tôi cũng như của công ty trong các thỏa thuận với anh Long. Tôi tin rằng anh Long cũng không từ chối các thỏa thuận này.

Tôi cũng mong rằng, sau khi tôi trình bày, đề nghị HĐXX cho phép anh Long nói. Hôm trước, anh Long đã nhiều lần đề nghị nhưng HĐXX chưa cho anh Long nói.

Trong thỏa thuận không có bất kỳ ẩn dụ nào để có thể hiểu rằng tôi che giấu điều gì đối với Tập đoàn Hòa Phát.

-Thứ hai, quan điểm của đại diện VKS, cũng như cáo trạng nêu, là việc ký các biên bản cuộc họp HĐQT, nghị quyết HĐQT, quyết định HĐQT là khống. Tôi đồng tình với các vị luật sư đã trình bày. Tôi chỉ khẳng định đây là biên bản thật 100%, không có bất kỳ chữ ký khống nào. Tôi là người tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật khi tiến hành cuộc họp với vị trí là Chủ tịch HĐQT. Tôi đã thực hiện đúng quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của một ông chủ tịch khi điều hành cuộc họp được thực hiện bằng văn bản. Việc này được pháp luật thừa nhận, chỉ có cơ quan điều tra và VKS không thừa nhận.

- Thứ ba là hành vi tôi ký nháy trên bản hợp đồng. Quá trình điều tra, tôi đã khẳng định, chữ ký nháy của tôi tại trang cuối là đúng nhưng tại các trang khác đã thiếu chữ ký nháy của tôi. Tôi là người rất cẩn trọng trong kinh doanh, cẩn thận với chữ ký của mình. Tôi không làm gì mà không cẩn thận. Tôi đã nói rất rõ là tôi đã xem các trang khác, đã có ý kiến về các trang khác và các trang này đã được điều chỉnh một số chữ để phù hợp với các ý kiến của tôi. Tôi vẫn thừa nhận hợp đồng này anh Thanh ký (Trần Ngọc Thanh, Giám đốc ACBI), tôi có trách nhiệm phải thực hiện vì bất kỳ lý do nào.

(mất tín hiệu)

Xin lưu ý ở đây, một câu chữ thôi. Điều tôi xin góp ý là, trước đây pháp chế Tập đoàn Hòa Phát nói là “không thế chấp”. Tôi ghi là không đúng, phải làm rõ và họ đã điều chỉnh lại, trở thành “không thực hiện bảo đảm”. Câu này hoàn toàn đúng pháp luật vì thỏa thuận giữa công ty ACBI Hà Nội với Công ty Chứng khoán ACBS là thế chấp tài sản để bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu.  Chữ “thực hiện” và chữ “để” hoàn toàn khác nhau. “Để” là có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Vì vào thời điểm phải thanh toán trái phiếu, ACBI hoàn toàn có thể sử dụng nguồn tiền của mình để chi trả, mà không cần phải bán cổ phiếu đi để trả nợ. Còn “thực hiện” là đã làm, đang làm, chứ không phải là “sẽ làm”. Các cán bộ Ban Pháp chế Tập đoàn Hòa Phát đã điều chỉnh câu này sau khi có ý kiến của tôi.

Tôi cho rằng nội dung này không trái pháp luật đến từng chữ một.

- Thứ tư, vấn đề nảy sinh là các anh có trách nhiệm tại Tập đoàn Hòa Phát có biết về xác nhận phong tỏa hay không? Tôi không muốn tranh luận và cũng không muốn làm rõ thêm về việc anh Long, anh Dương có biết không? Tôi cho rằng nói “biết” hay không biết là quyền của các anh. Tôi chỉ nói thế này, tôi đã rất kiên nhẫn chịu đựng rất nhiều sức ép để làm sao không đẩy bạn  bè của tôi ở Tập đoàn Hòa Phát vào vòng lao lý. Nếu như tôi không kiên nhẫn chịu đựng, nếu tôi có sơ suất chỉ bằng một lời nói nhỏ, rất nhỏ hay một chữ ký nào đó, vào một cái đơn nào đó, thì rất có thể anh Dương đã bị khởi tố bắt giam.
Ngày tôi được các cán bộ điều tra cho tôi biết, anh Dương đã ký xác nhận, tôi đã nói ngay có thể anh Dương ký xác nhận có thể trên việc tin tưởng lẫn nhau chứ không phải có ý đồ làm trái hay gian lận gì cả.

Hôm nay, các luật sư nói rằng Tập đoàn Hòa Phát hay các công ty của Tập đoàn Hòa Phát đã đăng ký chuyển nhượng và thực tế đã chuyển nhượng vào ngày 21-5, khi còn chưa trả tiền thì tôi cũng không khiếu nại gì Tập đoàn Hòa Phát hay các công ty của Tập đoàn.

Tôi khẳng định tôi không khiếu nại gì, dù họ có sai sót.

-Thứ năm, tại công ty đầu tư ACBI Hà Nội, tôi là đại diện cho phần vốn góp của Tập đoàn Tài chính Á châu. Anh Thanh là đại diện cho Ngân hàng Á châu. Hai chúng tôi là thành viên HĐQT công ty này cùng với anh Sơn. Theo quy định của pháp luật, căn cứ vào điều lệ của công ty Thiên Nam, phiếu của chúng tôi ở HĐQT là ngang nhau. Để đại diện VKS không thể đưa ra yếu tố để tranh luận với các luật sư, tôi xin nói rõ. Tôi với tư cách là đại diện 70% cổ phần ở đây, nếu muốn thay đổi quyết định của anh Thanh và anh Sơn, tôi phải tiến hành hai bước: Bước 1, tôi phải triệu tập đại hội cổ đông và yêu cầu sửa đổi điều lệ, nâng số thành viên của HĐQT lên quá ba người. Tập đoàn  Tài chính AFG phải cử thêm người tham gia HĐQT để nâng số đại diện của mình tại HĐQT ACBI lên để có thể số phiếu cần thiết chiếm đa số. Tránh trường hợp nói rằng tôi là người quyết định toàn bộ hoạt động của công ty. Việc luận tội của đại diện VKS là không chính xác, về trách nhiệm của tôi.

-Thứ sáu, về việc nhận tiền và sử dụng tiền: Anh Thanh đã nói rất chính xác, khi anh Thanh ký chi tiền, anh Thanh phải nhìn thấy chỉ đạo của tôi bằng văn bản. Chỉ đạo đó là  trên một tờ phê duyệt kế hoạch tài chính… Lời khai của anh Thanh và của tôi là chính xác, vì đó là hoạt động thường xuyên ở công ty. Chữ ký của tôi có người làm chứng là chị Hoa. Tôi đã khai nhiều lần nhưng cơ quan điều tra không lấy lời khai của chị Hoa. Khi tôi ký chữ ký này, chỉ đạo chị Yến việc này thì không chỉ có mặt chị Yến mà có mặt cả chị Hoa.

Bản kế hoạch này tôi ký trước khi Hòa Phát chuyển tiền. Thời gian Hòa Phát chuyển tiền, toàn bộ thời gian này tôi đang ở nước ngoài. Nếu cần xác minh thì có thể copy ngày vào, ngày ra xuất nhập cảnh của tôi trên hộ chiếu hoặc lịch trình di chuyển của tôi trên các vé máy máy. Tôi cũng khẳng định tôi không trả lời bất kỳ cuộc điện thoại nào, của bất kỳ ai vì tôi có thói quen không trả lời điện thoại khi tôi đi cùng gia đình.

-Thứ bảy, khi biết (số cổ phiếu chưa được giải chấp) thì hành xử của tôi là gì? Tôi làm ngơ, tôi cố tình chiếm đoạt, lừa đảo hay tôi đã hành động tích cực? Thưa HĐXX, tôi đã nhiều lần yêu cầu ACB họp với tôi để làm rõ tài sản thế chấp, họp cả ở HN và TP. HCM.

Ngày hôm qua, ông chủ tọa có thẩm vấn chị Lâm về biên bản làm việc, tôi không tranh luận, có ý kiến gì về biên bản làm việc này. Tôi chỉ xin HĐXX xem những gì ghi ở sổ tay chị Lâm. Đây là chứng cứ tôi yêu cầu cơ quan điều tra xác minh, cơ quan điều tra đã xác minh nhưng không đưa vào bút lục vụ án. Đây là tài liệu tôi đã yêu cầu các luật sư tìm bằng được để nộp cho tòa, để tòa biết tôi đã hành xử thế nào khi tôi phát hiện ra có sai sót trong việc thực hiện hợp đồng.

Chị Lâm có thể khai với cơ quan điều tra là không nhớ rõ, nhưng chị Lâm đã ghi rất chính xác nội dung cuộc họp trong sổ tay. Chị Lâm ghi rất rõ Thép Hòa Phát đã thế chấp 300 tỷ làm tròn số cổ phiếu của công ty. Công ty đề nghị thay thế tài sản thế chấp vì Công ty bán cổ phần này...

Ông Huỳnh Quang Tuấn dù là bị can nhưng có thể làm chứng cho tôi, vì ông Tuấn có tham dự cuộc họp này.

Tôi có ý thức chiếm đoạt không? Nếu có ý đó thì vì sao khi về nước tôi phải ứng 53 tỷ còn lại trên tài khoản, trả cho anh Dương khi tôi phát hiện ra sai sót. Tôi dặn Yến tuyệt đối không được sử dụng số tiền này. Điều đó cho thấy tôi không hề có ý lừa đảo. Việc này cũng không ghi trong cáo trạng… 

Tôi không chiếm đoạt 264 tỷ này. Tôi làm thủ tục tạm ứng của công ty tuân thủ đúng quy định nội bộ cũng như quy định của pháp luật. Tạm ứng vì hoạt động kinh doanh chứ không phải vì chi tiêu riêng. Để làm tăng tình tiết phạm tội, trong cáo trạng còn ghi tôi rút tiền. Tôi không bao giờ chi tiêu gì bằng tiền mặt tại hơn 100 công ty tôi quản lý. Mọi khoản chi phải được sử dụng trên hệ thống tài khoản, không cá nhân nào có thể rút tiền mặt chi tiêu.

Tôi không có động cơ chiếm đoạt, nếu không tôi đã không ứng tiền từ tài khoản của em gái tôi để trả cho Hòa Phát. Người kinh doanh như tôi, không bao giờ chiếm đoạt tiền rồi lại dùng số tiền lớn hơn rất nhiều để chuyển cho đối tác. Đây là chứng cứ cần được đánh giá đầy đủ về động cơ chiếm đoạt.

Quan hệ của tôi với anh Long cũng như ban lãnh đạo Hòa Phát không phải một sớm một chiều. Đó là quan hệ đã nhiều năm, từ khi Hòa Phát mới thành lập cho đến khi hùng mạnh như ngày hôm nay. Tôi không thể có ý đồ chiếm đoạt tiền của Hòa Phát. Đây chỉ có thể nhìn nhận là sai sót của anh Hà, sai sót nhỏ của anh Thanh và chị Yến vì đã không cho tôi biết về văn bản đã ký xác nhận của Hòa Phát.

Trước khi bị khởi tố, tôi nói rõ chúng tôi ký kết hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận với nhau, có sai sót nhưng không có sự khiếu kiện. Đến giờ tôi vẫn không tin là Hòa Phát kiện tôi. Tôi khẩn thiết đề nghị cho anh Long nêu ý kiến. Hòa Phát có kiện tôi không? Tố cáo tôi không? Hay Hòa Phát chỉ có đề nghị hỗ trợ họ? 

Tôi chỉ xin gặp anh Long trong vài phút để chúng tôi có cách giải quyết nhưng cơ quan điều tra gây khó khăn.

Tôi đề nghị Hòa Phát nhận cổ phiếu của em gái tôi, đợi khi ACB giải tỏa số cổ phiếu của ACBI thì Hòa Phát nhận. Nếu Hòa Phát không đồng ý phương án này thì phong tỏa cổ phiếu của em gái tôi lại, sau khi chúng tôi bán được cổ phiếu sẽ trả tiền cho Hòa Phát.

Tôi đã từng yêu cầu thay đổi điều tra viên vì điều tra viên này đã không làm đúng chức năng, vì đó mà bản chất vụ việc đã bị nhìn nhận khác, các hành vi đã bị đánh giá khác, ảnh hưởng đến danh dự của tôi và hai nhân viên của tôi. Đây là sự cố ý của cơ quan điều tra.

VKS đã không nêu đến văn bản của MTV Thép Hòa Phát có nội dung công ty này không tố cáo, khởi kiện tôi hay yêu cầu tôi đền bù thiệt hại. Công ty này xác nhận sai sót là do nhân viên bên Hòa Phát gây ra. Không hiểu lý do gì không được đưa vào bản luận tội. Tôi đề nghị chủ tọa cho phép anh Long nói ý kiến về việc này.

TN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm