Chị Lê Thị Ngọc Mai tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: D.Hằng
Đau xót cho cuộc đời chị Mai, yêu lầm phải người đàn ông có vợ rồi cuối cùng phải đối mặt với mức án bảy năm tù vì tội cướp tài sản. Phẫn nộ bởi hành vi “cạn tàu ráo máng” của người đàn ông từng một thời yêu đương với bị cáo mà nay nhẫn tâm quyết đưa chị vào tù cho bằng được.
Nhưng điều khiến người ta không thể an tâm lại nằm ở chỗ bản án ấy đặt ra câu hỏi nhức nhối: Pháp luật đang được vận dụng để bảo vệ cho cái gì, răn đe cái gì, giáo dục cái gì?
Nội dung vụ án thể hiện trong lúc xích mích, bị cáo Mai đã đánh người tình, kề sống dao vào cổ anh ta (con dao có sẵn nơi anh ta ở); anh ta bèn đưa dây chuyền và nhẫn vàng ra kèm lời hẹn: “Về đi, mai nói chuyện”. Anh ta không hề kêu cứu dù nơi anh ta ở có bảo vệ , tức không hề “lâm vào tình trạng không thể chống cự được”. Khi chị Mai đã vứt dao ra về, anh ta cũng không hề chạy theo quật ngã để lấy lại “tài sản bị cướp”, dù anh ta là đàn ông, dư sức để làm điều đó với một phụ nữ.
Logic sự việc khiến bất kỳ ai nếu có chứng kiến cũng sẽ không thèm nhảy vào can mà chỉ chép miệng: “Kệ họ, mai rồi họ sẽ tự làm lành với nhau ngay ấy mà!”.
Ấy thế nhưng câu chuyện lại đi theo hướng khác: Sau đó, chính anh này đã tố cáo ra công an, rồi chị Mai bị truy tố và bị tuyên phạt bảy năm tù về tội cướp tài sản!
Ai từng yêu có lẽ cũng hiểu được những giây phút điên giận đến uất người, có khi dẫn đến hành động dại dột, ví như quăng điện thoại, đập laptop của người yêu hay của chính mình cho bõ ghét. Nếu cứ căn ke đem ra xử tội cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản thì chẳng thể đủ nhà tù để chứa!
Vụ án này cũng vậy, nếu chỉ cắt khúc hành vi của chị Mai “kề sống dao vào cổ và anh kia đưa vàng cho chị” thì rất dễ quy chị tội cướp. Nhưng nếu đặt hành vi ấy trong bối cảnh sự việc, trong chuỗi sự kiện và diễn biến tâm lý của người phụ nữ bị xúc phạm, trong mối quan hệ tình cảm éo le giữa hai người, trong diễn tiến sự việc sau đó (hôm sau chị Mai cầm vàng đi tìm “bị hại” để nói chuyện)… thì có thể thấy đây chỉ là câu chuyện trục trặc trong quan hệ tình cảm nội bộ giữa hai người. Rõ ràng bản chất của sự việc này không phải là tội phạm.
Trên thực tế có những việc “thấy vậy mà không phải vậy”, những việc nhìn bề ngoài thì có vẻ đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng bản chất của nó lại hoàn toàn khác. Vì thế người ta mới cần đến quan tòa - những người am tường pháp luật, có kiến thức xã hội, với cái tâm trong sáng - để xét xử và ra phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, qua đó mới răn đe, giáo dục người khác tôn trọng pháp luật nhằm phòng ngừa tội phạm chung.
Trở lại với phiên tòa “cướp” vàng của người tình, dường như bản án bảy năm tù đã không đạt được những mục đích ấy. Người ta chỉ thấy người phụ nữ đáng thương đã bị kẻ từng yêu một thời đẩy đến bước đường cùng và có vẻ chính tòa án lại là nơi đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của chị.
Vụ án sẽ còn phải đi tiếp quá trình tố tụng ở phiên phúc thẩm. Nhiều người hy vọng ở phiên tòa tới, công lý sẽ được thực thi với một bản án không gây mất nhân tâm như thế nữa. Cuối cùng, mong những người ngồi xử án hãy nhớ nằm lòng câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” mỗi khi ra phán quyết. Cũng xin đừng quên, Bộ luật Hình sự nêu rõ “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội…” và tại khoản 4 Điều 8 bộ luật này cũng khẳng định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
THANH HOA