VỤ 'CƯỚP' VÀNG CỦA NGƯỜI TÌNH:

Có ai bị cướp mà bình thản như vậy không?

Có ai bị cướp mà bình thản như vậy không? ảnh 1
Bị cáo Mai tại phiên xử sáng 19-9 vừa qua. Ảnh: Dương Hằng 

Trong khi chờ kết quả phiên tòa, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM về vụ án không đáng có này.

***

Dựa trên thông tin Pháp Luật TP.HCMchuyển tải, theo tôi, trong vụ án này các cơ quan tố tụng cần chứng minh hai điểm rất quan trọng để xác định tội danh của bị cáo. Thứ nhất là việc sử dụng vũ lực có làm cho nạn nhân sợ hãi đến mức giao tài sản hay không? Và thứ hai là việc sử dụng vũ lực của bị cáo có nhằm vào việc chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, cần phải xác định bằng được việc nạn nhân giao tài sản là sợ tiếp tục bị tấn công hay vì lý do gì. Trong vụ án này, thái độ nạn nhân khá bình thản trong khi đây là khách thể xâm hại rất quan trọng của tội cướp tài sản. Không như tội trộm, khách thể bị xâm hại chỉ là tài sản của nạn nhân. Đối với tội cướp thì cùng lúc xâm hại đến hai khách thể là tài sản và tính mạng nạn nhân. Vì vậy tội cướp rất nguy hiểm.

Trở lại vụ án, thái độ của nạn nhân khi bị tát hai tát vẫn bình thản. Vậy khi bị kè dao vào cổ thì có lo sợ đến mức buộc phải giao tài sản cho bị cáo hay không? Tuy nhiên, tôi chưa thấy được thông tin phản ánh trên các bài viết.

Cũng cần phải lưu ý là phải biết rõ tương quan giưã hai bên mới có thể xác định nạn nhân sợ hãi bị uy hiếp đến mức phải miễn cưỡng giao tài sản hay không. Một đưá bé 15 tuổi cầm nhánh cây liệu có uy hiếp được một thanh niên khoẻ mạnh để chiếm đoạt tài sản hay không?

Vấn đề thứ hai cần làm rõ là việc bị cáo có hành vi tát hai cái và dùng dao phải nhằm vào việc chiếm đoạt tài sản hay chỉ lấy giữ đó rồi mai tính (như nạn nhân từng nói với bị cáo)?  Trong vụ án này, mối quan hệ giữa bị cáo và nạn nhân thì không phải gặp một lần để chiếm đoạt mà chắc chắn họ còn gặp nhiều lần khác. Tôi lưu ý một tình tiết bị cáo khai là chỉ giữ chứ không chiếm đoạt nhưng đã bị bắt trước khi trả lại.

Mục đích của bị cáo còn được xác định qua mối quan hệ với nạn nhân chứ không đơn thuần dễ nhìn nhận. Ví dụ, hai bên có quan hệ vay mượn. Do người mượn nợ cứ lần lữa không trả nợ, trốn tránh, người cho vay bất ngờ gặp giữa đường. Chủ nợ giằng co với con nợ rồi có dùng dao buộc con nợ giao xe. Khi lấy được xe nếu chủ nợ mang xe đến công an trình bày sự việc nợ nần không được trả và giao xe cho công an thì khi đó không phải tội cướp. Nó khác với việc chiếm đoạt xe mang về nhà.

Khi làm rõ được hai yếu tố đã phân tích, cơ quan tố tụng mới xác định chính xác tội danh của bị cáo là cướp hay tội khác...

Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh toà Hình sự TAND TP.HCM

 

Có sợ gì đâu mà tê liệt ý chí

Theo nội dung vụ án, Lê Thị Ngọc Mai và Trần Ngọc Ngữ (53 tuổi) có quan hệ tình cảm với nhau. Tối 8-10-2013, Mai đến xưởng sản xuất than nơi ông Ngữ làm việc và xảy ra mâu thuẫn. Mai có hành vi tát và kề dao vào cổ ông Ngữ. Mai còn lấy của ông Ngữ một sợi dây chuyền vàng, một nhẫn vàng. Sáng hôm sau, ông Ngữ tố cáo Mai tội cướp tài sản.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu Mai thừa nhận hành vi phạm tội đúng như tố cáo của bị hại và cho rằng cầm tài sản này là để bù đắp những tổn thương về mặt tình cảm, còn việc kề dao vào cổ Ngữ là do Ngữ đã xúc phạm chị, chị chỉ muốn gây áp lực để yêu cầu Ngữ xin lỗi.

Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi, chính vị kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà sơ thẩm cũng phải thốt lên “tôi rất áy náy và cắn rứt khi đề nghị mức án đối với bị cáo”. Tuy nhiên, theo vị kiểm sát viên, hành vi của bị cáo đã cấu thành tội cướp nên phải xử lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, Mai không phạm tội cướp tài sản, bởi lẽ trong vụ án này bị hại không hề bị tê liệt ý trí.

Cụ thể, theo cáo trạng, khi Mai kề dao vào cổ Ngữ và yêu cầu tháo nhẫn ra, Ngữ nói cổ (cô ấy) cầm đi, mai nói chuyện…”. Điều này chứng tỏ, bị hại mặc nhiên thừa nhận việc bị cáo cầm giữ tài sản của mình và còn có hẹn nhau nói chuyện tiếp.

Xử sơ thẩm, bị cáo Mai bị tuyên phạt 7 năm tù cho tội cướp tài sản. Sáng 19-9, phiên xử phúc thẩm đã bị hoãn để bị cáo mời luật sư và hôm nay 24-9, phiên phúc thẩm đã được mở lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm