Án xử như vậy làm sao dân không kêu?

Như PLO đã đưa tin, vụ anh rể tìm mọi cách hiếp dâm em vợ ngay trước mặt mẹ vợ, gây thương tích 17% cho nạn nhân nhưng tòa sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo 2 năm tù khiến dư luận rất bất bình vì mức án quá nhẹ, không đủ sức răn đe. 

Trong thực tế, có không ít những bản án dù cho đến nay chưa có bất cứ một cơ quan có thẩm quyền nào kết luận là xử sai, xử oan nhưng vẫn khiến bạn đọc không thể tâm phục khẩu phục.

Giật nón chọc bạn, bị kết án tù

Vụ án bốn nam sinh ở Tiên Lãng, Hải Phòng vì đùa giỡn mà giật nón của bạn trên đường đi học về bị xử án tù khiến dư luận giật mình. Vì sao một vụ việc tưởng chừng chỉ là trò đùa trẻ con, tang vật thu được là một chiếc nón vải trị giá 60.000 đồng, một chiếc nón lá, người bị hại không đòi truy cứu nhưng các bị cáo, đang là học sinh, vẫn phải vào tù?

Ba trong số bốn bị cáo đều “phạm tội” và bị bắt khi chưa đủ tuổi thành niên. Tại phiên sơ thẩm, Tòa đã tuyên phạt bốn cậu bé này phải chịu mức án từ 18 đến 36 tháng tù giam. Đến khi xử phúc thẩm, chỉ có hai bị cáo được điều chỉnh, cho hưởng án treo.

  Ba bị cáo mặc áo học sinh ra tòa. Ảnh TTO

Theo lời khai của đôi bên, khi các bị cáo áp sát xe để giật nón trên đường, đôi bên còn cười đùa với nhau nên không ai, cả bị cáo lẫn bị hại, nghĩ đây là hành vi cướp giật. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, trên địa bàn huyện có nhiều vụ giật nón người đi đường, gây nguy hiểm nên các bị cáo bất đắc dĩ này bị khép vào tội “cướp giật tài sản”.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa và HĐXX đều cho rằng căn cứ vào tài liệu, hồ sơ vụ án đã đủ căn cứ truy tố các bị cáo tội cướp giật tài sản nên xét xử các bị cáo với tội danh “cướp giật tài sản” là thỏa đáng.

 Các em vẫn chỉ là những đứa trẻ. Ảnh : Đất Việt

Về hình thức, có thể nói đây giống như một vụ cướp giật. Tuy nhiên, cần xem xét sâu hơn về động cơ, mục đích của hành vi: giá trị tài sản rất thấp lại hông có giá trị sử dụng (nón con gái), giữa các em lại có hành vi trêu chọc lẫn nhau...

Điều 69 Bộ luật hình sự quy định: “Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”. Đây là nguyên tắc tạo nên tính nhân văn của hệ thống pháp luật. Thế nhưng với bản án trên, cánh cửa đến trường của các bị cáo tuổi học trò đã bị đóng sập, mục tiêu trên của BLHS bị “phá sản”.

Do bản án quá bất hợp lý nên TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án, hủy kết quả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Tiên Lãng xét xử sơ thẩm lại từ đầu.

Bản án 7 năm tù và sự tuyệt vọng của cô giáo yêu lầm

Theo hồ sơ, Lê Thị Ngọc Mai (34 tuổi) có quan hệ tình cảm với Trần Ngọc Ngữ (53 tuổi, đã có vợ con). Tối 8-10-2013, Mai đến xưởng sản xuất than nơi Ngữ làm việc, tại đây hai người xảy ra mâu thuẫn. Mai giơ tay tát Ngữ, làm đứt sợi dây chuyền của người này. Mai nhặt, cất vào túi. Sau đó, Mai lấy con dao (có sẵn nơi Ngữ làm) dí sống dao vào cổ Ngữ. Ngữ đưa thêm cho Mai một chiếc nhẫn và nói: “Về đi, mai nói chuyện”. Trong suốt quá trình đó Ngữ không hề hô hoán kêu cứu dù trong xưởng có bảo vệ.

Hôm sau, Ngữ tố giác Mai tội cướp. Mai bị bắt và bị tòa sơ thẩm kết án 7 năm tù. Dù vụ án còn rất nhiều tình tiết quan trọng cho thấy bản chất đây không phải là vụ cướp thuần túy. Theo lời khai, Mai không yêu cầu Ngữ giao vàng, Mai muốn trả lại vàng cho Ngữ nhưng không gặp, Ngữ hứa sẽ rút đơn kiện nếu Mai cam kết không tố cáo Ngữ tội vu khống (Ngữ đã nuốt lời) v.v…

 Bị cáo Lê Thị Ngọc Mai tại tòa

Tại tòa, Mai nói trong nước mắt: “Nếu anh còn chút tình cảm và lương tâm thì hãy nói một câu thật lòng mình đi để HĐXX còn biết rõ nội tình mà xử lý vụ án”, nhưng người đàn ông từng trải qua thời gian tình cảm mặn nồng với cô chỉ im lặng.

Vụ án này xảy ra trong một mối quan hệ đặc biệt. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu chỉ đánh giá giản đơn rằng kề dao vào cổ rồi lấy tài sản đi là phạm tội là rất phiến diện, máy móc. Trong trường hợp này, cần đặt hành vi của Mai trong chuỗi sự việc liên quan đến mối quan hệ tình cảm của họ.

Chính KSV giữ quyền công tố tại tòa cũng phải thốt lên rằng ông rất áy náy và cắn rứt vì bản chất hành vi của bị cáo Mai là không đáng,  nhưng đáng tiếc, về hình thức nó đã “đầy đủ” để kết tội. 

Trong pháp luật XHCN, việc áp dụng hình phạt có tác dụng răn đe người phạm tội, mục đích cao cả là để các bị cáo sống tốt hơn, trở thành công dân tốt. Thế nhưng với trường hợp của bị cáo Lê Thị Ngọc Mai, chị sẽ sống tốt hơn bằng cách nào khi lòng tin bị hủy hoại, sự nghiệp gần như chấm hết… Đến khi mãn hạn, án tích cùng những tổn thương ghê gớm mà nhà tù gây ra sẽ đè nặng lên đôi vai người phụ nữ 40 tuổi, trắng tay đến mức nào?

Những người theo dõi vụ án này rất mong phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ nhìn nhận vụ việc một cách thấu đáo để mở ra một cơ hội cho cô giáo Mai làm lại cuộc đời sau cuộc tình lầm lỡ ấy.

Hiếp em vợ ngay trước mặt bà nhạc nhưng án lại…nhẹ tênh

Sáng nay (9-9), TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa phúc thẩm xử vụ Nguyễn Trường Thọ (24 tuổi) hiếp dâm em vợ. Bị cáo đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù giam. Phía bị hại kháng cáo vì cho rằng bản án quá nhẹ. 

Hồ sơ vụ án thể hiện chi tiết những hành vi táng tận lương tâm của bị cáo, khiến ai đọc cũng phải phẫn nộ. Cụ thể, chiều tối ngày 27-10-2013, sau khi chở vợ từ nhà mẹ vợ về,  Thọ đã nảy sinh ý định quay lại nhà mẹ vợ để hiếp dâm em vợ. Khi đến nhà mẹ vợ, thấy em vợ (tên S.) đang ngồi xem ti vi ở phòng khách, Thọ giả vờ đến gần hỏi vợ mình đã về chưa. Do trước đây Thọ đã nhiều lần rình S. tắm, lẻn vào phòng ngủ của S. giở trò nên lần này thấy anh rể, S. sợ và trả lời không biết rồi bỏ chạy vào phòng của mẹ. Nhưng Thọ vẫn theo vào. Bà mẹ vợ hỏi Thọ đã chở vợ về chưa, sao còn xuống đây. Thọ không nói gì mà bỏ đi. Thấy vậy, S. ra khóa cổng rồi vào phòng khách tiếp tục xem ti vi.

Tuy nhiên, đi một đoạn, Thọ lại quay lại nhà mẹ vợ. Thấy cổng khóa, Thọ bỏ xe máy và dép bên ngoài rồi trèo qua hàng rào B40 để vào nhà.

Nhìn thấy S. đang ngồi xem ti vi trong phòng khách, Thọ xông vào ôm S. sờ mó loạn xạ. S. la lên: “Mẹ ơi cứu con, thằng Thọ nó xuống hiếp dâm con nè! Mẹ cứu con!”. Lúc này, mẹ của S. chạy ra thấy Thọ đang kẹp cổ lôi S. vào phòng ngủ gần đó. Bà cầm tay S. kéo lại và nói Thọ buông S. ra nhưng Thọ không buông. Bà chạy ra sân kêu la mọi người tới cứu giúp.

Thọ kéo S. xuống nhà bếp đè S. xuống, cởi hết quần áo của S. ra. S. cố chống cự và kêu la thì Thọ dùng miệng cắn vào ngực và người S. rồi dùng tay móc vào vùng kín của S.. Cùng lúc này, mẹ S. chạy vào thấy Thọ đang nằm đè lên người của S.. Bà liền lấy cây sắt đánh vào lưng Thọ. Thọ buông S. ra. Bà kéo S. dậy và đưa S. lên nhà mặc lại quần áo, còn Thọ mở cửa sau bếp và trèo rào bỏ chạy.

Theo kết luận giám định, nạn nhân tuy chưa bị tổn thương màng trinh nhưng bị khá nhiều vết thương, trong đó có những vết thương ở núm vú, vết xước giữa ngực; màng trinh có vết xước đỏ bầm rỉ máu…, tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 2%. Ngoài ra, nạn nhân còn bị hội chứng suy nhược thần kinh, tỷ lệ 15%. Tổng cộng thương tật là 17%.

Với những tình tiết như trên, không hiểu sao tòa án xử sơ thẩm chỉ tuyên phạt Thọ 2 năm tù, một mức án quá nhẹ so với tính chất nghiêm trọng của hành vi.

Các chuyên gia pháp luật đã phân tích trong vụ án này có hai tình tiết tăng nặng. Thứ nhất là bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, hành vi mang tính chất nguy hiểm, bị cản trợ nhiều lần nhưng trước mặt mẹ vợ vẫn cố ý dùng vũ lực hiếp dâm em vợ đến cùng. Dù bị cáo chưa thực hiện việc giao cấu nhưng đó là do khách quan...

 Tên anh rể táng tận lương tâm

Thứ hai, Thọ phạm tội mang tính chất côn đồ. Kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân bị đa chấn thương, màng trinh xước đỏ bầm rỉ máu, xây xước da, bầm tụ máu vùng ngực, vùng bụng, cánh tay, suy nhược thần kinh, tỷ lệ 15%, tổn thương vĩnh viễn 2%.

Mức án 2 năm tù mà TAND TP Nha Trang tuyên phạt là mức thấp nhất của khoản 1 Điều 111 BLHS. Thế nhưng, với tình tiết tăng nặng hiển nhiên như trên, liệu bản án ấy có khiến người ta thấy sự nghiêm minh của pháp luật? Đáng buồn là câu hỏi ấy vẫn tiếp tục được đặt ra sau khi kết thúc phiên xử phúc thẩm vào ngày 9-9 khi TAND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận kháng cáo của bị hại và chỉ tăng thêm 6 tháng tù cho bị cáo Thọ.

***

Đúng là luật pháp thì vô tình, nhưng người xử án thì không thể vô tâm. Khi xây dựng một nhà nước pháp quyền, trước hết chúng ta phải đảm bảo pháp luật được thực thi một cách chính xác nhất. Trong đó, các bản án phải đảm bảo nguyên tắc xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Muốn người dân tâm phục khẩu phục thì các bản án khi đưa ra không chỉ đúng khi áp câu chữ trong văn bản quy phạm pháp luật mà còn thỏa đáng với bản chất hành vi; vừa đảm bảo quyền lợi cho bên bị hại, vừa công bằng, thích đáng với chủ thể gây ra hành vi phạm tội, vừa có tính chất giáo dục chung, khiến cho công chúng tin vào công lý. 

Với những bản án nêu trên, liệu công lý có được thực thi?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm