Luật sư bị hại nói Huyền Như phạm tội tham ô

Ngày 9-2, TAND TP.HCM bắt đầu tranh luận  vụ Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh TP.HCM) bị truy tố lừa đảo chiếm đoạt trên 1.085 tỉ đồng của năm công ty.

Sau phần luận tội của VKS và bào chữa của các luật sư (LS) hai bị cáo, các LS của những đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày quan điểm.

Toàn ảnh phiên xử

Quan điểm của các luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Hưng Yên, Công ty SBBS, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông, Công ty Cổ phần Thương mại An Lộc là yêu cầu ngân hàng Vietinbank phải chịu trách nhiệm về số tiền 1.085 tỉ đồng bị chiếm đoạt.

Các LS lập luận Huyền Như không chiếm đoạt tiền của 5 công ty. LS Công ty SBBS cho rằng, công ty không phải là nguyên đơn dân sự của vụ án mà chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo LS, cáo trạng  cố ý quy lỗi cho công ty SBBS khi cho rằng SBBS mở tài khoản tại Vietinbank – Chi nhánh HCM là do “dẫn dụ” ký hợp đồng, mở tài khoản của Như để Như dễ dàng chiếm đoạt tiền của SBBS khi SBBS chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của Như.

Thực tế, các hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do SBBS ký với Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè chỉ là điều kiện để SBBS mở tài khoản của mình tại Vietinbank – Chi nhánh HCM chứ  không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc SBBS bị Huyền Như chiếm đoạt tiền trong tài khoản đó.

Tiền của SBBS chuyển vào tài khoản của mình mở tại Vietinbank – Chi nhánh HCM vẫn chưa bị mất. Chỉ đến khi Huyền Như lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng các thủ đoạn gian dối trong nghiệp vụ ngân hàng để rút số tiền 210 tỉ đồng từ tài khoản của SBBS tại Vietinbank – Chi nhánh HCM thì số tiền đó mới bị mất...

LS nhấn mạnh các thủ đoạn gian dối được Huyền Như áp dụng là: Giả chữ ký của Chủ tài khoản, làm giả con dấu của SBBS để  đóng vào lệnh chuyển tiền, lừa các giao dịch viên và  chính Huyền Như ký tên với tư cách Kiểm soát viên để chuyển tiền đi theo các địa chỉ của Huyền Như… Chính những sơ hở trong cơ chế quản lý nghiệp vụ nội bộ ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh HCM mới là nguyên nhân trực tiếp, tất yếu dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền. Vì Huyền Như chiếm đoạt trong tình trạng tiền đang được Vietinbank - Chi nhánh TP HCM  giữ và phải thực hiện các dịch vụ thanh toán theo yêu cầu của Chủ tài khoản SBBS. 

Và như thế, SBBS không phải là người bị lừa trong thủ đoạn gian dối này. Nạn nhân của các thủ đoạn gian dối này chính là Vietinbank  - Chi nhánh TP HCM. Họ mới chính là đơn vị bị hại (Nguyên đơn dân sự) – trong hành vi của Huyền Như chiếm đoạt 210 tỉ đồng của SBBS, chứ không phải là công ty SBBS. Và như vậy, SBBS không phải là “Nguyên đơn dân sự” trong vụ án này.

“Cứ cho rằng, dẫu Công ty SBBS có ký các Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn và chuyển tiền của mình vào tài khoản được mở hợp pháp tại Vietinbank - Chi nhánh TP HCM thì,  nếu Huyền Như không dùng các thủ đoạn gian dối tiếp theo để chiếm đoạt – như đã phân tích ở trên – thì  SBBS đã không bị mất tiền.” LS phân tích.

Theo LS, hậu quả của việc chiếm đoạt tiền của SBBS trong tài khoản mở tại Vietinbank - Chi nhánh HCM có nguyên nhân trực tiếp từ việc Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối để qua mặt, lừa dối Vietinbank - Chi nhánh HCM.

Đây là mối quan hệ NHÂN – QUẢ  tất yếu giữa hành vi gian dối và hậu quả chiếm đoạt tiền, là căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm dân sự  của Vietinbank đối với số tiền bị chiếm đoạt.

Còn LS công ty Bảo hiểm Toàn Cầu nói Công ty không nhận bất kỳ khoản chênh lệch nào. Theo LS công ty không bị Huyền Như dẫn dụ - đây là thuật ngữ khá mơ hồ không có trong ngôn ngữ quy phạm pháp lý.

Hay LS Công ty An Lộc nêu quan điểm việc mở tài khoản là thật, tiền chuyển vào là thật....

Và quan điểm của LS năm công ty là Huyền Như phạm tội tham ô tài sản...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm