Luật sư sẽ hết bị làm khó?

Sáng 14-5, TAND Tối cao đã tập huấn về BLTTHS 2015 - bộ luật được đánh giá là sửa đổi căn bản, toàn diện so với BLTTHS hiện hành (bổ sung mới 176 điều, sửa đổi 317 điều, bãi bỏ 26 điều và chỉ giữ nguyên 17 điều). Đáng chú ý, theo TS Nguyễn Thị Thủy (Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học VKSND Tối cao, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo BLTTHS 2015), bộ luật này đã có nhiều quy định mới về chế định người bào chữa.

Quyền bào chữa của người bị bắt

Điểm mới đầu tiên, BLTTHS 2015 mở rộng diện người được bảo đảm quyền bào chữa tới cả người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp. Đây là sự thay đổi để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013: Người bị bắt cũng có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Trong khi đó, BLTTHS hiện hành chỉ quy định ba đối tượng được hưởng quyền bào chữa là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, TS Thủy cho biết có thể nảy sinh khó khăn trong thực tiễn khi thực hiện quy định mới nói trên “Tư cách người bị bắt chỉ tồn tại trong 24 giờ sau khi bắt. Sau đó họ sẽ chuyển sang là người bị tạm giữ hoặc được tại ngoại. Vấn đề ở chỗ người bị bắt có thể là những người  chưa thành niên nhưng nhiều trường hợp, cơ quan tố tụng chưa thể xác định ngay rằng các em có phải là người chưa thành niên hay không. Khi đó, nếu chúng ta không chỉ định người bào chữa trong giai đoạn bị bắt thì có vi phạm tố tụng hay không? Đó cũng là vấn đề cần có hướng dẫn trong thời gian tới” - bà Thủy nói.

Theo BLTTHS 2015, quyền bào chữa của bị cáo, luật sư sẽ được mở rộng hơn. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Người thân nghi can được nhờ luật sư

BLTTHS hiện hành không cho phép người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa. Trong quá trình đóng góp ý kiến xây dựng bộ luật mới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng nếu quy định hẹp như vậy thì luật sư vào trại tạm giam đều bị từ chối hết với lý do “người đang bị giam giữ không cần đến luật sư”.

Để khắc phục, BLTTHS 2015 đã mở theo hướng người thân thích của người bị buộc tội cũng được mời người bào chữa. Đồng thời, BLTTHS 2015 quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị tạm giữ, tạm giam khi tiếp nhận yêu cầu nhờ người bào chữa từ người bị buộc tội phải chuyển yêu cầu này hoặc thông báo cho người được họ nhờ bào chữa biết; có trách nhiệm tạo điều kiện cho người bào chữa liên hệ với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để thỏa thuận việc nhờ bào chữa…

Cũng theo TS Thủy, BLTTHS 2015 quy định rất chặt, đặc biệt là đối với CQĐT vì vấn đề vi phạm quyền của người bào chữa không xảy ra nhiều trong giai đoạn truy tố, xét xử. Theo đó, bộ luật mới quy định trường hợp người bị giam giữ từ chối người bào chữa thì luật sư và điều tra viên phải cùng vào cơ sở giam giữ để xác nhận. Đây là giải pháp khắc phục tình trạng luật sư phản ánh rằng gia đình người bị buộc tội mời luật sư nhưng nhiều CQĐT đưa ra văn bản người bị giam giữ từ chối luật sư.

“Phía CQĐT cho rằng giai đoạn truy tố và xét xử cũng phải có quy định tương tự nhưng chúng tôi thấy không cần thiết nên chỉ ràng buộc ở giai đoạn điều tra” - TS Thủy nói.

Đăng ký bào chữa ra sao?

Một quy định đáng chú ý khác, BLTTHS 2015 đã bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa và thay thế bằng thủ tục đăng ký bào chữa.

TS Thủy cho biết trong quá trình soạn thảo bộ luật mới, cả ba ngành tố tụng đều đề nghị Quốc hội giữ giấy chứng nhận người bào chữa. Lý do đưa ra là ngay cả các chức danh tư pháp như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán muốn trở thành người tiến hành tố tụng trong vụ án cũng đều phải có quyết định phân công của thủ trưởng CQĐT, viện trưởng VKS, chánh án TAND.

“Vấn đề này từng dành được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, tranh luận rất sôi nổi tại nghị trường, thậm chí phải lấy phiếu xin ý kiến Quốc hội” - bà Thủy cho biết. Thảo luận tại nghị trường, nhiều đại biểu cho rằng nếu tiếp tục giữ giấy chứng nhận người bào chữa thì không khác gì “giấy phép con”, trong khi luật sư đã được cấp chứng chỉ hành nghề bào chữa lại bị yêu cầu phải có “giấy phép con” là không thỏa đáng. Trong khi đó, ban soạn thảo BLTTHS 2015 vẫn bảo lưu quan điểm “bỏ giấy này sẽ khiến tố tụng của chúng ta rất lỏng lẻo”. Để dung hòa giữa các quan điểm, cuối cùng BLTTHS 2015 thay đổi theo hướng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được giấy tờ do người bào chữa cung cấp (thay vì ba ngày như quy định hiện hành), cơ quan tố tụng có thẩm quyền phải mở sổ đăng ký người bào chữa và cấp giấy thông báo bào chữa nếu có đủ các giấy tờ hợp lệ.

Tại buổi tập huấn, đại diện một số tòa đặt câu hỏi: Ai là người cấp giấy thông báo bào chữa bởi BLTTHS 2015 vẫn bỏ ngỏ, chưa quy định vấn đề này. TS Thủy cho biết bộ luật mới có quy định điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được thực hiện “những quyền và nhiệm vụ khác” mà thủ trưởng CQĐT, viện trưởng VKS, chánh án TAND phân công, trong đó có nhiệm vụ cấp giấy thông báo bào chữa.

Bổ sung nhiều quyền cho người bào chữa

BLTTHS 2015 đã bổ sung nhiều quyền quan trọng của người bào chữa:

- Quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt.

- Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc, người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can thay vì chỉ được hỏi khi cơ quan tố tụng đồng ý như hiện nay.

- Được cơ quan tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS 2015.

- Được thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá, trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá.

- Đề nghị cơ quan tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, đánh giá lại tài sản.

- Đề nghị cơ quan tố tụng thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...