Nên mời thêm chuyên gia khi giám sát án oan

Có thể nói đây là sự đột phá, mở màn cho chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015 về tình hình oan, sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng.

Không phải ngẫu nhiên mà đoàn giám sát chọn hai địa phương TP.HCM và tỉnh Bình Phước để giám sát trước. 

Ở tỉnh Bình Phước tuy là một tỉnh không lớn nhưng có nhiều vụ án nổi cộm được dư luận quan tâm, đặc biệt là vụ Lê Bá Mai (vụ án “vườn mít”) đã qua năm lần xét xử nhưng nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia pháp luật cũng cho rằng cần phải xem xét lại vụ án này. 

 Lê Bá Mai (áo trắng) đã bị kết án chung thân trong "kỳ án vườn mít" nhưng hiện vẫn đang kêu oan. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Theo báo cáo của công an thì ba năm qua đã làm oan 15 người, trong số đó chỉ có hai đơn yêu cầu bồi thường oan, còn theo tòa án thì từ năm 2011 đến nay đã có năm trường hợp tòa cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội. Nhưng sau đó tòa cấp phúc thẩm đã tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc hủy án sơ thẩm để điều tra lại dẫn đến vụ án phải đình chỉ nhưng cũng chỉ có một trường hợp có đơn đề nghị bồi thường oan. Người bị oan không yêu cầu bồi thường liệu có bình thường?

Còn ở TP.HCM, số lượng các vụ án hình sự hằng năm chiếm gần nửa tổng số các vụ án trên cả nước. Qua giám sát cho thấy các vụ án đã có kết luận cuối cùng của cơ quan tiến hành tố tụng, xác định người bị khởi tố, truy tố, xét xử thuộc trường hợp được bồi thường theo Luật Bồi thường của Nhà nước nhưng việc tổ chức xin lỗi và bồi thường cho người bị oan quá chậm.

Điển hình là trường hợp của ông Trương Bá Nhàn bị giam oan 1.346 ngày nhưng gần tám năm qua, VKS TP.HCM cứ ghi nhận, rồi hứa, rồi lại ghi nhận mà không có biện pháp giải quyết dứt điểm. Không hiểu sao VKS lại “quên”, không báo cáo với đoàn giám sát mà phải đợi đến khi bị chất vấn thì mới thừa nhận khuyết điểm, rồi tiếp tục hứa. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã không đồng tình, yêu cầu VKS phải giải quyết bồi thường cho ông Nhàn càng nhanh càng tốt vì vụ án đã kết luận là oan lâu rồi.

Chưa hết, điều đáng quan ngại ở TP.HCM là tình trạng nhiều vụ án khởi tố rồi đình chỉ vì “chuyển biến của tình hình”! Có đúng là do “chuyển biến của tình hình” hay đó chỉ là cách mà nhiều nơi thường làm để né bồi thường? Tuy chưa kiểm tra toàn bộ các vụ án ở TP.HCM đình chỉ với lý do vì “chuyển biến của tình hình” nhưng các thành viên trong đoàn giám sát cũng đã chỉ ra một số vụ đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 BLHS là chưa đúng.

Đoàn giám sát chỉ ghi nhận để tiếp tục xem xét.

Là địa phương có số lượng vụ án lớn, án oan nhiều nhưng tiếc là đoàn giám sát chỉ dành thời gian quá ít, chỉ nghe các cơ quan tiến hành tố tụng báo cáo mà không trực tiếp gặp người bị oan, nghiên cứu hồ sơ vụ án thì hiệu quả sẽ không cao. Nên chăng, khi thành lập các đoàn giám sát, ngoài các thành viên là các đại biểu Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên trưng tập (mời) một số chuyên gia giỏi về luật hình sự và tố tụng hình sự đang công tác ở các đoàn luật sư, các trường ĐH luật, thậm chí đã nghỉ hưu, để giúp đoàn trong việc gặp gỡ người bị oan hoặc người có đơn kêu oan; nghiên cứu hồ sơ vụ án trước. Sau đó mới chính thức làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương sẽ hiệu quả hơn.

Dẫu sao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát ở hai địa phương cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, một tín hiệu vui trong những ngày đầu năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm