Ngày 16-11, phiên tòa xét xử cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh cùng các đồng phạm trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ bước sang ngày làm việc thứ năm, tiếp tục với phần xét hỏi nhóm bị cáo thuộc các công ty trung gian giúp đường dây đánh bạc nói trên vận hành thanh toán, hợp thức tiền bất chính.
Ghi nhận tại tòa, trong phần lớn thời gian diễn ra phiên xét xử, bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục C50) không có mặt tại hàng ghế dành cho bị cáo mà phải di chuyển vào trong phòng y tế nhằm đảm bảo sức khỏe.
Lần đầu tòa xét hỏi Phan Sào Nam
Theo cáo trạng, Công ty CP Dịch vụ dữ liệu trực tuyến (ODS) do bị cáo Huỳnh Trọng Văn (36 tuổi) làm giám đốc. Phan Sào Nam (cựu tổng giám đốc VTC Online) đã tìm tới Văn để nhờ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách mua hóa đơn đầu vào với chi phí 10% trên tổng giá trị hóa đơn. Sau đó Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy (chị họ Nam, giám đốc Công ty Nam Việt) và Phan Tuấn Anh (giám đốc Công ty Công nghệ VTC Online) ký hợp đồng với Công ty ODS để thuê máy chủ và đường truyền.
Kết quả điều tra cho thấy từ ngày 24-8-2015 đến 17-2-2017, Huỳnh Trọng Văn đã bán cho Công ty Nam Việt 22 hóa đơn giá trị gia tăng khống với tổng doanh số là hơn 80 tỉ đồng, bán 14 hóa đơn khống cho VTC Online với doanh số hơn 5 tỉ đồng. Văn cho người rút ra và chuyển lại vào tài khoản của kế toán Công ty Nam Việt hơn 78 tỉ đồng, còn lại Công ty ODS hưởng lợi gần 8 tỉ đồng.
Khai trước tòa, Văn cho biết thực tế Công ty ODS đã dựng tổng cộng 85 máy chủ đối với Công ty Nam Việt, tám máy chủ với Công ty VTC Online. Sau đó, Công ty ODS đã nâng khống hóa đơn từ 85 máy lên thành 235 máy đối với Công ty Nam Việt, từ tám lên 32 máy với Công ty VTC. Giá trị hợp đồng từ đó nâng khống lên gấp 10 lần. Văn khai bản thân không được trích lại % lợi nhuận nào từ việc nâng khống hóa đơn và xin HĐXX xem xét lại số tiền được hưởng lợi của công ty…
Ngay sau khi Văn kết thúc câu trả lời, chủ tọa đã yêu cầu Phan Sào Nam đứng lên đối chất. Đây cũng là lần đầu tiên “ông trùm” này trả lời trong phần xét hỏi.
Phan Sào Nam thừa nhận nội dung mà Văn khai là đúng. Chỉ có chi tiết Công ty ODS bàn giao hệ thống máy chủ và đường truyền cho hai công ty (Công ty Nam Việt và VTC Online) thì bị cáo không nhớ rõ chi tiết đó nên không có ý kiến.
Tương tự, với câu hỏi dải IP của hai công ty có sử dụng của Công ty ODS hay không, Nam cũng nói rằng bị cáo không nhớ rõ. Phan Sào Nam được cho về chỗ ngồi sau khoảng một phút trả lời.
Bị cáo Phan Sào Nam lần đầu tiên được HĐXX xét hỏi. Ảnh: T. PHAN
HĐXX trong vụ án. Ảnh: T. PHAN
Chị họ “ông trùm” khẳng định tin tưởng em tuyệt đối
Bị cáo Đỗ Bích Thủy, giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt, là người tiếp theo được HĐXX đề nghị bước lên bục khai báo trả lời các câu hỏi.
Cáo trạng thể hiện khi Phan Sào Nam hỏi mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến, Thủy đồng ý. Sau đó Nam giao cho Hoàng Thành Trung, phó giám đốc, xây dựng phần mềm, vận hành hệ thống game bài Rikvip/Tip.Club để tổ chức đánh bạc trực tuyến, giúp Nam quản lý một phần doanh thu từ hành vi tổ chức đánh bạc. Quá trình thực hiện, Nam nói Thủy rút 50 tỉ đồng từ tài khoản Công ty Nam Việt để gửi tiết kiệm, sau đó Thủy ký séc, rút số tiền trên để gửi năm sổ tiết kiệm, người thụ hưởng là Đỗ Bích Thủy.
VKSND tỉnh Phú Thọ khẳng định hành vi của Thủy đủ yếu tố cấu thành tội phạm tổ chức đánh bạc.
“Bị cáo đã đồng ý cho Nam mượn pháp nhân nên khi Nam đưa hợp đồng, vì tin tưởng khi đưa hợp đồng đó Nam đã ký nên bị cáo không coi lại, chỉ thấy nói đây là hợp đồng phát triển phần mềm cho Công ty VTC Online” - nữ bị cáo sụt sùi.
Thủy khai đặc biệt có lòng tin tưởng tuyệt đối với Phan Sào Nam. “Bị cáo đã đồng hành với Nam trong cuộc sống từ nhỏ tới giờ. Vì vậy, khi Nam đưa hợp đồng, bị cáo đã ký. Bị cáo rất hối hận nhưng bị cáo chưa bao giờ giận gì Phan Sào Nam” - nữ bị cáo nói trước tòa.
Chủ tọa hỏi bị cáo hiểu gì về game bài Rikvip. Thủy khẳng định không hiểu gì. Tuy nhiên, khi chủ tọa hỏi bị cáo có giúp sức cho Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung trong việc vận hành game bài đánh bạc không, nữ bị cáo thừa nhận đã giúp sức cho Phan Sào Nam, không bị Nam ép buộc gì.
Thủy cũng khai đã nộp 50 tỉ đồng tiền thu lời bất chính. Bị cáo đã có đơn xin tự nguyện nộp lại số tiền này do đây là số tiền do phạm tội mà có.
Tòa tiếp tục làm việc vào hôm nay (17-11).
Luật sư đề nghị triệu tập các nhà mạng Cuối buổi xét xử sáng 16-11, một tình huống pháp lý bất ngờ xảy ra giữa luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo và chủ tọa phiên tòa. Theo đó, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, chủ tọa phiên tòa, cho biết LS Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Lan Thanh, có gửi một đơn đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng. LS Thiệp đề nghị triệu tập thêm đại diện các nhà mạng cũng như Bộ TT&TT để làm rõ vụ án đánh bạc ngàn tỉ liên quan đến cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh. Tuy nhiên, HĐXX không xem xét. Theo chủ tọa Hương, đơn này được gửi tới TAND tỉnh Phú Thọ chứ không phải HĐXX vụ án này nên không xem xét. Chủ tọa yêu cầu nếu LS nào có đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng hoặc tương tự thì phải gửi trực tiếp đến HĐXX để xem xét theo đúng quy định. Ngược lại, LS Lê Văn Thiệp cho rằng bản thân đã có đề nghị trực tiếp tại ngày khai mạc phiên tòa. Đề nghị này đã được thư ký tòa cũng như đại diện VKS ghi nhận, do vậy không bắt buộc phải có văn bản. Hơn thế, chủ tọa cho rằng đơn gửi tới TAND tỉnh chứ không gửi tới HĐXX nên không xem xét là không hợp lý. “Từ khi hành nghề đến nay, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp yêu cầu triệu tập người tham gia tố tụng lại phải bằng văn bản, tuy nhiên sau đó chúng tôi có nhận được thông tin phải chuyển bằng văn bản nên đã thực hiện” - ông Thiệp nói. Giải thích thêm, chủ tọa cho biết tại phần thủ tục phiên tòa ngày 12-11, HĐXX có hỏi LS hoặc cơ quan tố tụng khác có đề nghị triệu tập ai hay không thì nhận được yêu cầu của LS Thiệp. Tuy nhiên, yêu cầu triệu tập để làm việc về nội dung gì thì chưa được nêu rõ, vì vậy HĐXX đã yêu cầu thư ký phiên tòa gặp LS đề nghị nêu rõ nội dung làm việc là gì. Điều này sẽ thuận tiện cho việc triệu tập và để những người được triệu tập chuẩn bị các nội dung, văn bản trả lời tại tòa. “Quá trình làm thủ tục phiên tòa, chúng tôi đã có yêu cầu, thư ký cũng như đại diện VKS đã ghi nhận, như vậy là đủ” - vị LS khẳng định. Liên quan đến việc này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS Trương Anh Tú, Đoàn LS TP Hà Nội, cho rằng thực tế không có quy định cụ thể về việc triệu tập như ở trên. Tuy nhiên, thông thường đối với các phiên tòa diễn ra ngắn (1-2 ngày) thì LS cần có đơn đề nghị triệu tập gửi HĐXX. “Lưu ý ở đây là HĐXX chứ không phải là tòa án, bởi sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì mọi quyết định là thuộc thẩm quyền của HĐXX. LS phải có đơn trước để HĐXX có công tác chuẩn bị triệu tập những người liên quan” - LS Tú cho hay. Còn với trường hợp các phiên tòa dài ngày, mà cụ thể ở đây là vụ án đánh bạc ngàn tỉ, ông Tú cho rằng các LS có thể đề nghị trực tiếp tại tòa. Khi đó, HĐXX phải có trách nhiệm xem xét. HĐXX có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với đề xuất của LS. “Nhưng không thể nại ra lý do vì đơn gửi cho TAND tỉnh chứ không phải gửi tới HĐXX nên không xem xét, điều này là không hợp lý” - LS Tú nói. Các nhà mạng hưởng hơn 1.200 tỉ Theo cáo trạng, tổng số tiền các nhà mạng được hưởng là hơn 1.200 tỉ đồng. Trong đó Viettel hưởng hơn 913 tỉ đồng, VinaPhone hơn 147 tỉ đồng, MobiFone hơn 171 tỉ đồng. Đây là số tiền thu lời không chính đáng, nguồn gốc do đánh bạc mà có nên VKSND tỉnh Phú Thọ đề nghị truy thu nộp ngân sách. Đối với một số cán bộ thuộc Bộ TT&TT có sai phạm vì cho phép sử dụng thẻ viễn thông vào dịch vụ game sẽ được CQĐT làm rõ và xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án. |