TAND Tối cao sẽ không mã hóa án lệ

35 bản án, quyết định của tòa mà TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến lần này đều đã được đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao. Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, tuyển tập án lệ đầu tiên sẽ gồm khoảng 10-15 bản án, quyết định được lựa chọn ra từ con số trên.

Không mã hóa án lệ

Tại hội thảo, TAND Tối cao cũng công bố dự thảo mẫu án lệ để lấy ý kiến các thẩm phán, chuyên gia pháp luật. Đáng chú ý, dự thảo mẫu án lệ hoàn toàn không mã hóa họ tên, địa chỉ của các đương sự trong tranh chấp. 35 bản án đưa ra lấy ý kiến cũng không mã hóa họ tên, địa chỉ của bị cáo (thậm chí cả tên, tuổi của cha, mẹ, vợ… của họ), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho hay hiện vẫn đang có nhiều quan điểm về việc có nên mã hóa tên tuổi, địa chỉ của các nhân vật trong án lệ hay không. “Quan điểm của cá nhân tôi là nên để tất cả vì án đã tuyên công khai, không phải là tài liệu gì bí mật mà phải giấu tên, giấu địa chỉ” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã yêu cầu Việt Nam phải công khai các bản án sau khi gia nhập WTO. Nước ta đã cam kết sẽ dần dần công khai và trước nay chúng ta cũng từng phát hành tuyển tập các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (không mã hóa tên tuổi, địa chỉ - PV). “Phải công khai thì mới tuyên truyền cho người dân hiểu được án lệ là gì, án lệ như thế nào và nếu như rơi vào trường hợp tương tự như thế thì sẽ giải quyết ra sao. Người dân cứ dựa vào đó, đỡ phải đi tìm thầy, tìm thợ. Ngành tòa án cũng đỡ bị mang tiếng” - ông Sơn nói thêm.

Hội thảo lấy ý kiến đối với bản án, quyết định đề xuất lựa chọn để phát triển án lệ ngày 16-3. Ảnh: Đ.MINH

Án lệ có thể bị bãi bỏ

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài cho biết ông kỳ vọng bản án, quyết định được lựa chọn làm án lệ không chỉ là bản án mẫu mực về vận dụng pháp luật đúng đắn mà còn chứa đựng căn cứ để hình thành nên phán quyết đó. “Với bản án hình sự, nó phải thể hiện được nguyên tắc mà BLTTHS quy định là được ban hành dựa trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa” - luật sư Hoài bày tỏ. Ông cũng lưu ý khi lựa chọn án lệ thì cần chú trọng cả văn phong pháp lý và tính chuẩn mực của cách hành văn.

Cạnh đó, luật sư Hoài nêu một khó khăn: BLTTHS 2015 quy định một cơ chế để xem xét lại kể cả quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. “Ngay cả quyết định giám đốc thẩm trong một số trường hợp cũng có thể bị xem xét lại. Cho nên tính tiêu chí và tính điển hình của án lệ cũng cần được xem xét”.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, quy định trên hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới việc lựa chọn án lệ vì “án lệ có thể bị bãi bỏ khi không còn phù hợp”. “Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để các tòa áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động của tòa án” - ông Sơn kết luận.

Tranh luận về vụ án Ngô Quang Trưởng

Tại hội thảo, một vụ án được đưa ra xem xét lựa chọn làm án lệ là vụ Ngô Quang Chướng (tên gọi khác là Ngô Quang Trưởng) phạm tội giết người đã thu hút nhiều ý kiến.

Theo hồ sơ, Trưởng và ông Đặng Xuân Sỹ hùn vốn mở công ty, trong quá trình làm ăn sau đó đã nảy sinh mâu thuẫn gay gắt. Trưởng quen Vũ Văn Luân và nhờ Luân dằn mặt ông Sỹ. Luân nhận lời và bảo đàn em thực hiện. Đàn em của Luân đã đâm ông Sỹ làm nạn nhân tử vong…

TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã phạt Trưởng tù chung thân, Luân tử hình về tội giết người. VKSND TP.HCM kháng nghị đề nghị tăng hình phạt đối với Trưởng từ tù chung thân lên tử hình nhưng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án phúc thẩm về phần hình phạt đối với Trưởng để xét xử phúc thẩm lại…

Theo luật sư Phan Trung Hoài, ông nhất trí với quyết định giám đốc thẩm vì về nguyên tắc, trong án hình sự, người giữ vai trò chủ mưu không thể có hình phạt thấp hơn người thực hành được. Tuy nhiên, luật sư Hoài lại băn khoăn về vụ án này ở khía cạnh khác.

“Tôi là luật sư của ông Trưởng suốt từ giai đoạn điều tra cho đến khi ông ấy bị bệnh chết trong trại giam. Bản án có sử dụng lời khai của ông Trưởng trong giai đoạn đầu điều tra mà không có luật sư cùng lời khai của một bị cáo khác để nói rằng ý thức chủ quan của ông Trưởng là có ý muốn sát hại nạn nhân. Nhưng toàn bộ các chứng cứ khác trong hồ sơ lại thể hiện rằng ông Trưởng chỉ có ý đe dọa, cố ý gây thương tích chứ không có ý giết người” - luật sư Hoài nói.

Luật sư Hoài so sánh vụ án này với vụ “giết người diệt khẩu” xảy ra tại Thảo Cầm Viên (TP.HCM). Bị cáo Lâm Bích Thủy cũng thuê người đánh dằn mặt nạn nhân, sau đó kẻ thủ ác đã quá tay khiến nạn nhân chết nhưng trong vụ án đó, Thủy chỉ bị phạt tù chung thân.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình tranh luận lại, dẫn chứng bản án tử hình đối với Năm Cam trong vụ Hải Bánh giết Dung Hà: “Năm Cam chỉ nói đơn giản “anh không muốn nhìn thấy nó nữa”. Hải Bánh biết phải làm gì và đã giết Dung Hà” - ông Bình nói.

“Vụ Ngô Quang Trưởng ban đầu cũng xử tù chung thân nhưng TAND Tối cao đã hủy án, định hướng phải xử tử hình. Nếu xử Trưởng tù chung thân thì kẻ thủ ác (Luân - PV) cũng phải xử tù chung thân hoặc chỉ 20 năm tù. Anh thuê băng nhóm xã hội đen thanh toán “đối thủ” thì anh thừa biết rằng tội phạm xã hội đen có thể hành động tùy hứng, có thể đâm chém nạn nhân… Nếu anh chỉ nhờ người thân không phải chuyên nghiệp, anh không có động cơ gì thì lại khác. Ở đây anh vì tranh chấp một khối tài sản lớn, che giấu hành vi tham nhũng của anh…, anh lại thuê xã hội đen thì hậu quả đến đâu anh phải chịu trách nhiệm đến đó” - ông Bình phân tích.

Ngăn chặn tính “vô trách nhiệm”

Án lệ phải khắc phục và ngăn chặn được tính vô trách nhiệm trong hoạt động tư pháp. Điều tra mãi, chứng minh chẳng rõ ràng gì cả, nghi phạm suốt ngày kêu oan. Ông cán bộ tư pháp cứ chỉ mặt bảo: “Không mày thì còn thằng nào vào đây nữa”, cái đó rất nguy hiểm. Mà muốn ngăn chặn được thì mọi cái phải rõ ràng…

Ông LÊ HỮU THỂ, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm