Chiều 6-5, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, cho biết ông sẽ đề nghị các cơ quan liên quan của viện kiểm tra vụ án ông Hồ Thanh Hải kêu oan để xử lý theo quy định.
Đình chỉ kiểu né bồi thường oan
Ông Hải là người bị cơ quan tố tụng TP.HCM khởi tố và truy tố hai tội trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tám năm sau, CQĐT Công an TP.HCM đình chỉ điều tra ông với hai lý do: Hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh thứ nhất và hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội với tội thứ hai.
Trả lời PV, Viện trưởng Lê Minh Trí nói: “Vụ việc sẽ được giao các cơ quan liên quan và VKSND TP.HCM kiểm tra, làm rõ để có hướng xử lý đúng quy định”.
Chiều cùng ngày, một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng cho biết ý kiến về vụ án. “Với những thông tin mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh cho thấy dù kết luận giám định tư pháp về thuế của Bộ Tài chính khẳng định ông Hải không có hành vi trốn thuế và lừa đảo để chiếm đoạt thuế VAT nhưng cơ quan tố tụng vẫn để vụ án kéo dài mà không sớm xử lý dứt điểm. Hành vi của ông Hải không cấu thành tội phạm thì phải đình chỉ vụ án đúng bản chất của nó chứ không thể đình chỉ vì hết thời hiệu (với tội trốn thuế) và miễn trách nhiệm hình sự (với tội lừa đảo) để né trách nhiệm bồi thường oan. Ban Nội chính Trung ương sẽ đề nghị các cơ quan tố tụng làm rõ, giải quyết quyền lợi hợp pháp của công dân” - vị này nói.
Ông Hồ Thanh Hải cùng hồ sơ kêu oan. Ảnh: Nguyễn Đức
Phải đình chỉ với lý do không có tội
Trong một diễn biến khác, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự - ĐH Luật TP.HCM, gửi đến báo Pháp Luật TP.HCM bài viết nêu quan điểm về vụ án này. Theo TS Tuấn, trong vụ án này CQĐT khởi tố ông Hải với lý do “là mua bán khống để có hóa đơn GTGT nhằm xin hoàn thuế (6,8 tỉ đồng) và khấu trừ thuế (18,6 tỉ đồng)” nên phạm hai tội trốn thuế và lừa đảo. Cả hai tội này chỉ xảy ra khi chứng minh được ông Hải có hành vi mua bán khống.
“Tuy nhiên, cả ba lần giám định tư pháp về thuế đều kết luận ông Hải không trốn thuế. Với các kết luận tư pháp này, rõ ràng ông Hải hoàn toàn không mua bán khống như CQĐT quy buộc. Điều đó có nghĩa là ông Hải không phạm hai tội nói trên” - TS Tuấn nói.
Theo quyết định đình chỉ, CQĐT cho rằng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế. “Thời hiệu chỉ đặt ra khi ông Hải có hành vi phạm tội, còn ở đây ông không có tội mà vẫn viện dẫn làm căn cứ đình chỉ là không đúng luật. Lẽ ra phải đình chỉ ông Hải vì hành vi không cấu thành tội phạm mới đúng” - TS Tuấn phân tích.
Tương tự, do ông Hải không phạm tội lừa đảo (vì không có hành vi lừa đảo) nên không thể miễn trách nhiệm hình sự ông theo quy định tại khoản 1 Điều 25 BLHS. “Nếu ông Hải lừa đảo chiếm đoạt tiền của Nhà nước với hàng tỉ đồng như trên thì hành vi của ông Hải sẽ rơi vào khoản 4 Điều 139 BLHS với khung hình phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Như thế sao có thể nói hành vi của ông Hải không còn nguy hiểm cho xã hội nữa? Bởi chính sách thuế dù có thay đổi cũng không liên quan gì đến việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỉ đồng của nhà nước” - TS Tuấn nói.
Từ những lập luận nêu trên, TS Phan Anh Tuấn cho rằng việc đình chỉ điều tra ông Hải với hai lý do nói trên về thực chất là trốn tránh trách nhiệm gây ra oan sai, trốn tránh việc bồi thường oan cho ông Hải. “Điều đáng tiếc trong vụ án này là VKSND TP.HCM với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật lại cho rằng quyết định đình chỉ điều tra của CQĐT là có căn cứ. Đáng lẽ viện phải ngăn chặn sớm vụ oan này ngay khi có kết luận giám định về thuế lần đầu chứ không để kéo dài đến hôm nay chưa giải quyết xong” - TS Tuấn nêu ý kiến.