Ngày 14-8, TAND TP Đà Nẵng mở phiên xử sơ thẩm vụ án buôn lậu gỗ của công ty Ngọc Hưng (Quảng Trị), kéo dài bảy năm vẫn chưa có hồi kết.
Bị cáo của vụ án này là Trương Huy Liệu (SN 1958) và Trần Thị Dung (SN 1961, cùng trú huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bị VKSND Tối cao truy tố về tội buôn lậu. Các bị cáo Đỗ Lý Nhi (SN 1972), Lê Xuân Thành (SN 1962, cùng trú TP Đông Hà, Quảng Trị) và Đỗ Danh Thắng (SN 1955, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo tại phiên tòa
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến 22-8-2018. Giữ vai trò chủ tọa là thẩm phán Đặng Văn Mạnh thay cho thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh, trước đó xin rút vì lý do sức khỏe. Được biết trước khi được mở vào sáng 14-8, phiên tòa đã nhiều lần thay đổi thời gian xét xử do bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo có đơn xin hoãn.
Trong phần thủ tục, các bị cáo và luật sư đã bất ngờ đề nghị HĐXX triệu tập thêm giám sát viên, điều tra viên, người định giá lô hàng cũng như yêu cầu đưa số gỗ là tang vật của vụ án ra xem xét tại tòa để phục vụ việc xét xử. Sau khi thảo luận khá lâu, HĐXX quyết định như sau:
Thứ nhất, HĐXX cho rằng danh sách giám định viên và những người định giá tòa triệu tập đã được ghi trong danh sách kèm theo quyết định xét xử gửi các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo. Đây là danh sách triệu tập chính thức. Đối với những người ngoài danh sách, HĐXX không triệu tập tham gia tại phiên tòa hôm nay.
“Tuy nhiên, đây là phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày. Do đó đối với những nội dung có liên quan đến những người ngoài danh sách trên, HĐXX có thể xem xét triệu tập bổ sung khi nhận thấy thực sự cần thiết để đảm bảo việc xét xử diễn ra khách quan, đúng thực chất” – chủ tọa nói thêm.
Bị cáo Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung.
Cũng theo HĐXX, đối với tài liệu liên quan đến hoạt động giám định và định giá, trong quá trình điều tra, các cơ quan có liên quan đã có văn bản, tài liệu để giải thích cụ thể.
Tuy nhiên, những hoạt động này đã đảm bảo đúng quy định pháp luật về tố tụng hay chưa, tính pháp lý của hoạt động này như thế nào thì HĐXX, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có trách nhiệm phải làm rõ. Do đó quyết định triệu tập, bổ sung những người này tham gia trực tiếp vào phiên tòa theo HĐXX là không cần thiết.
Thứ hai, đối với yêu cầu đưa lô gỗ là tang vật của vụ án ra xem xét tại tòa, HĐXX xác định đây là việc không thể thực hiện được. “Hiện nay, lô hàng đã không còn. Loại vật chứng này đã được thể hiện trong các biên bản khám xét và được đưa vào hồ sơ vụ án. Hơn nữa, kể cả vật chứng còn thì cũng không thể đưa ra tại phiên tòa vì nó thuộc loại hàng cồng kềnh” – chủ tọa lý giải.
Về đề nghị triệu tập điều tra viên, cơ quan CSĐT liên quan đến xử lý vật chứng để làm rõ trách nhiệm, tính pháp lý trong hoạt động xử lý vật chứng. Theo HĐXX, nội dung này đã có những tài liệu thể hiện trong vụ án. Còn việc xử lý vật chứng có đảm bảo đúng quy định của pháp luật về tố tụng hay chưa thì đó là trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng tại tòa, đặc biệt bị cáo và luật sư bào chữa sẽ có ý kiến tranh luận để giúp HĐXX làm rõ tính pháp lý trong việc này.
Về đề nghị triệu tập lãnh đạo Cục Điều tra phòng chống buôn lậu, lãnh đạo Tổng cục Hải quan, HĐXX nhận thấy không cần thiết vì những người này đã có ủy quyền cho người khác thay mặt tham dự phiên tòa…
Phiên tòa sáng nay có có mặt Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn (áo trắng) và Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng (áo xanh).
Theo cáo trạng của VKS Tối cao, ngày 17-12-2011, Trương Huy Liệu (lúc này là Phó giám đốc công ty Ngọc Hưng) đã chỉ đạo các cá nhân trong công ty làm giả hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu lậu gỗ từ Lào về Việt Nam.
Ngày 18-12-2011, Liệu chỉ đạo các cá nhân trong công ty làm giả hồ sơ, tài liệu và sử dụng bộ hồ sơ này để xuất khẩu gỗ từ Việt Nam đi Trung Quốc với khối lượng gần 614,7 m3 gỗ, trị giá hơn 63,6 tỉ đồng.
Còn bị cáo Trần Thị Dung (Giám đốc công ty Ngọc Hưng, vợ của Liệu) có hành vi ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu lậu gỗ, đồng thời giúp sức cho Liệu thực hiện hành vi buôn lậu.
Các bị cáo Nhi, Thành (công chức hải quan Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt) được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu của công ty Ngọc Hưng nhưng không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về địa điểm, trình tự, thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất khẩu nên đã đề xuất cho thông quan đối với lô hàng buôn lậu của công ty này.
Trong khi đó, Thắng (Chi cục trưởng Chi cục Hải Quan Cảng Đà Nẵng) được giao nhiệm vụ tổ chức khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng gỗ xuất khẩu có vi phạm của công ty Ngọc Hưng. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khám xét theo thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan nên đã không phát hiện được hành vi buôn lậu của công ty Ngọc Hưng.
VKSND Tối cao cho rằng hành vi của các bị cáo trên đã gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, số tiền thuế công ty Ngọc Hưng không nộp là gần 1,9 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Liệu được xác định là người tổ chức, thực hiện hành vi buôn lậu. Bị cáo Dung là người giúp sức cho Liệu thực hiện hành vi buôn lậu. Các bị cáo Nhi, Thắng, Thành có hành vi thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ để hai bị cáo trên thực hiện hành vi buôn lậu.
Đối với lô gỗ của công ty Ngọc Hưng (tang vật vụ án), CQĐT đã ra quyết định bán đầu giá tài sản. Số tiền còn lại sau khi trừ các chi phí là hơn 60, 8 tỉ đồng.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục.