Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lát cắt 13 năm - Bài 1: Việc cần làm trước tiên

LTS: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là đúng và trúng. Nhưng liệu Nghị quyết có thực sự đi vào cuộc sống như day dứt, trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Trung ương 4?

Pháp Luật TP.HCM khởi đăng tuyến bài “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lát cắt 13 năm” như một tìm tòi, gợi mở giải pháp nhằm triển khai nghị quyết quan trọng này của Đảng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh có một góc trang trọng trưng bày bản gốc Di chúc, gồm cả đánh máy, viết tay, được Bác thực hiện vào các năm 1965, 1968 và lần cuối cùng vào tháng 5-1969. Trong các tư liệu ấy, những nét chữ mực đỏ được Bác bổ sung vào năm 1968 nói về những việc cần làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Bác viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

“Việc cần làm trước tiên” ấy, 30 năm sau, trở thành thách thức của Đảng mà nếu không làm tốt sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Tham nhũng, quan liêu và bốn nguy cơ của Đảng

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nói xây dựng Đảng là vấn đề mang tính nguyên tắc, liên tục, không ngắt quãng. Tuy nhiên, yêu cầu này càng trở nên cấp bách kể từ đầu những năm 90, khi đất nước gặt hái những thành công đầu của sự nghiệp đổi mới.

Trước tình hình mới, Đại hội VIII sửa Điều lệ, lần đầu tiên quy định riêng một điều về công tác kiểm tra của Đảng. Kỷ luật Đảng được siết chặt, nhiều trường hợp đảng viên thoái hóa, biến chất bị phát hiện, xử lý. Ở cấp cao đã có những ủy viên trung ương có vi phạm, tiêu cực hoặc để người nhà lợi dụng trục lợi mà bị loại khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Thái độ của các vị lãnh đạo lúc đó cũng quyết liệt. “Tổng Bí thư Đỗ Mười hồi đấy rất bức xúc về những chuyện hư hỏng trong sinh hoạt của cán bộ đảng viên, kể cả cấp cao. Có lần tôi và chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sang báo cáo về phản ảnh của đảng viên và nhân dân về một cán bộ cấp cao, đồng chí Đỗ Mười ngay lập tức yêu cầu chúng tôi viết văn bản, yêu cầu đồng chí “có vấn đề” ấy giải trình” - ông Hùng kể.

Khóa VII (1991-1996) là giai đoạn chính trị thế giới có nhiều biến động. CNXH ở Liên Xô cũ và Đông Âu sụp đổ. Trong nước, cán bộ đảng viên có nhiều tâm tư, lo lắng. Trước tình hình ấy, Đảng phân tích, làm rõ các nguy cơ của Đảng, của chế độ. Từ hai nguy cơ sai lầm đường lối và cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất được nêu trong Cương lĩnh 1991, Đại hội VII đã chia nhỏ thành bốn nhóm: nguy cơ tụt hậu về kinh tế; nguy cơ sai lầm đường lối và chệch định hướng XHCN; nguy cơ từ tham nhũng, quan liêu, lãng phí và nguy cơ diễn biến hòa bình từ các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, thực tiễn những năm tiếp theo, tham nhũng, quan liêu, lãng phí mới là nguyên nhân lớn nhất, gây bức xúc nhất trong dư luận. Những vụ việc, những cán bộ cấp cao cỡ ủy viên trung ương bị kỷ luật ở khóa VII, VIII đều liên quan đến vấn đề tham nhũng, quan liêu và sai phạm trong đạo đức, lối sống.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lát cắt 13 năm - Bài 1: Việc cần làm trước tiên ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI. Ảnh: TTXVN

Giật mình

Ở địa phương cũng vậy. Quyền lực chính trị ngày càng dễ dẫn tới lợi ích vật chất khiến cán bộ các cấp chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, xa rời dân. Đỉnh điểm là biến cố Thái Bình năm 1997 với sự kiện đêm 26-6, hàng ngàn nông dân xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ nổi dậy đập phá trụ sở ủy ban vừa xây mới, rồi kéo đi đập phá nhà của bí thư Ðảng ủy, chủ tịch, cán bộ địa chính và các bậc chức sắc địa phương.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một đoàn cán bộ do GS Tương Lai, Viện trưởng Viện Xã hội học, về Thái Bình tiến hành khảo sát độc lập. Kết quả cho thấy từ những bức bối của người dân với chính quyền các cấp ở Thái Bình, từ cuối 1996 đến giữa năm 1997, đã có tới 5/7 huyện, thị có phản ứng và khiếu kiện của nông dân về những vấn đề dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn. Người dân đã tổ chức khiếu kiện lên xã, huyện thậm chí cả tỉnh với nhiều hình thức tập hợp, quy mô từ vài chục đến vài trăm, có lúc lên tới 1.500 người. Ước tính 120/260 xã trong tỉnh có biểu tình đưa đơn và từ chỗ đi lẻ tẻ, dần dần hình thành tổ chức quy mô hơn, riêng biểu tình lên tỉnh khoảng 40 cuộc được tổ chức có quy củ và trật tự. Báo cáo của đoàn khảo sát do GS Tương Lai ký có đoạn: “Người ta chứng kiến một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thực sự trong nhiều xã và huyện của nông thôn Thái Bình”.

Nhà báo Hữu Thọ, lúc đó là trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nhớ lại: “Sự kiện ấy gây giật mình ở chỗ mới trước đó một năm, Thái Bình được Bộ Chính trị chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị toàn quốc về kinh nghiệm xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh. Giờ hóa ra, nơi được coi là điển hình lại là nơi chứa đựng nhiều tiêu cực, tham nhũng, gây bất bình, mất niềm tin nhân dân, dẫn tới bạo động. Hóa ra, những gì chúng ta đánh giá về nhau đều rất hình thức…”.

Trước những gì diễn ra, Thường vụ Bộ Chính trị triệu tập Tỉnh ủy Thái Bình và các cơ quan trung ương lên báo cáo. Ba giả thiết được nêu: Do kẻ địch phá hoại; do phần tử xấu, bất mãn kích động; và do chính tiêu cực của cán bộ địa phương, yếu kém của chính quyền và tình trạng mất dân chủ. Lãnh đạo Thái Bình nghiêng về nguyên nhân địch phá hoại và cán bộ hưu trí bất mãn chống đối. Tuy nhiên, sau hai ngày thảo luận liên tục, Bộ Chính trị đi đến kết luận: Nguyên nhân chủ yếu là cán bộ địa phương sai phạm, chính quyền yếu kém…

Niềm tin lung lay

Hoàn cảnh, những biến động chính trị quốc tế và trong nước như thế đã tác động rất lớn tới quyết tâm của Trung ương khóa VIII phải họp chuyên đề về những vấn đề cơ bản và cấp bách trong xây dựng chỉnh đốn Đảng. Chuẩn bị cho nội dung này, Bộ Chính trị đã lập nhiều đoàn công tác xuống địa phương, tới các ngành nắm tình hình thực tế.

Nhà báo Hữu Thọ kể: “Chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6 (2) công phu lắm. Bộ Chính trị tổ chức các đoàn khảo sát do ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu. Tôi tham gia một đoàn do đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Dân vận lúc ấy phụ trách vào miền Nam khảo sát”.

Đoàn khảo sát nghe báo cáo của Thành ủy TP.HCM xong liền tổ chức gặp các vị cách mạng lão thành, trong đó có ông Mai Chí Thọ. Các vị lão thành rất tâm huyết, đến mức như ông Thọ phát biểu tại buổi làm việc xong còn yêu cầu đến nhà trao đổi thêm vì “nói thế chưa đủ, chưa hết”.

Ngoài gặp gỡ đảng viên lão thành, các đoàn khảo sát của Bộ Chính trị còn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng giới trí thức. Như đoàn của ông Hữu Thọ, đã tìm gặp nhà báo Lý Chánh Trung, luật sư Trương Thị Hòa - hai trí thức Sài Gòn cũ. Tiếp đó, đoàn tìm gặp những thanh niên trí thức từng tham gia ủng hộ Việt Cộng trong kháng chiến để hỏi họ về cảm nhận thời cuộc, suy nghĩ về Đảng… “Họ đều nói ủng hộ Việt Cộng không hẳn vì cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, mà vì tin Việt Cộng không tham nhũng như quan chức của chế độ ông Thiệu - đơn giản thế thôi. Tất cả ý kiến, suy nghĩ ấy, tôi viết báo cáo 60 trang gửi Bộ Chính trị” - nhà báo Hữu Thọ kể.

Ông Vũ Quốc Hùng cũng tham gia một đoàn khảo sát như thế. Ông nhớ lại: “Vấn đề nổi cộm nhất qua khảo sát thấy được là tham nhũng, lãng phí và suy đồi đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, là mất đoàn kết, tranh giành quyền lực chứ không phải là diễn biến hòa bình hay chệch hướng…”.

Những đánh giá như vậy cũng khá sát với báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa VIII, ghi trong cuốn sách 55 năm truyền thống ngành kiểm tra đảng: “Quy mô, tính chất các vụ tham nhũng ngày càng lớn. Tiêu cực, tham nhũng lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bất bình trong nhân dân. Tệ quan liêu, tham nhũng dẫn đến mất đoàn kết nội bộ Đảng, đặc biệt trong cấp ủy. Biểu hiện mất đoàn kết nội bộ rất đa dạng và phức tạp, nhất là trong thường trực cấp ủy, giữa bí thư với chủ tịch và phó bí thư; giữa bí thư với thủ trưởng, giám đốc đơn vị… Mâu thuẫn, mất đoàn kết thường diễn ra khi có biến động về tổ chức, đặc biệt là các kỳ bầu cử cấp ủy, HĐND, UBND, bầu cử QH. Nguyên nhân chính là cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, địa phương, phe cánh, tranh giành chức vụ, chạy chức, chạy quyền, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, tranh công đổ lỗi…”.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng này đã giúp cho Trung ương có cơ sở thực tiễn, thuyết phục để Hội nghị BCH Trung ương 6 (lần hai) ra Nghị quyết “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Lần đầu tiên kể từ sau khi phát động Đổi mới, vấn đề cấp bách về chỉnh đốn Đảng đã được đặt ra như thế.

NGHĨA NHÂN

(Còn nữa)

Xem toàn bộ loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lát cắt 13 năm:

Bài 1: Việc cần làm trước tiên

BÀI 2: Nghị quyết 6 (2) - cuộc ra quân quyết liệt

BÀI 3: Chuyện người dám “chống” để xây

BÀI 4: Tắm thì phải gội cả đầu

BÀI 5: “Bệnh” chủ nghĩa cá nhân

BÀI CUỐI: Phải dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền

Loạt bài đã đạt giải Nhất thể loại chính luận giải báo chí TP.HCM lần thứ 30 năm 2012 

Loạt bài cũng đã đạt giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - 2012

Xem thêm: Nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân: Trăn trở vẫn còn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm