XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG - LÁT CẮT 13 NĂM - BÀI CUỐI

Phải dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền

Ông Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nhận xét: So với Nghị quyết Trung ương 6 (2) trước đây, lời văn, cấu trúc của Nghị quyết Trung ương 4 đã thể hiện vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách mạch lạc, cô đọng và tập trung, rõ ràng hơn. Nghị quyết không yêu cầu mở cuộc vận động chỉnh huấn mà đề ra các nhóm giải pháp khá cụ thể. Tuy nhiên, từ nghị quyết tới cuộc sống sẽ còn nhiều thách thức cần tiếp tục thảo luận, tìm kiếm lối đi.

Nguy cơ của sự tha hóa

Góp ý cho việc triển khai nghị quyết, ông Diễn gợi mở: “Xây dựng Đảng, đặc biệt là chống tha hóa, tham nhũng, lãng phí, trước hết không phải ở việc xử người nọ, người kia sai phạm mà phải tập trung giải quyết những vấn đề có tính nguồn gốc, cơ bản, hệ thống của Đảng.

Đảng ta trưởng thành trong cuộc cách mạng độc lập và giải phóng dân tộc, tính chất vì dân rất rõ ràng; đảng viên thực sự “đứng mũi chịu sào”, hy sinh trước, hưởng thụ sau, lý tưởng rất rõ. Hoàn cảnh ấy là cơ chế sàng lọc hiệu quả với người vào Đảng.

Còn bây giờ, khi Đảng đã nắm được chính quyền thành đảng cầm quyền rồi, đảng viên thường đồng thời đảm nhận các vị trí lãnh đạo. Mà cương vị lãnh đạo bây giờ, hy sinh chưa thấy đâu nhưng đã thấy gắn liền với quyền lợi, lợi ích. Cơ chế sàng lọc trước đây giờ không còn vận hành nữa.

Cứ như thế dần dần người ta thấy vào Đảng, cao hơn là vào cấp ủy... là con đường tiến thân, thành con đường mưu cầu quyền lực và lợi ích. Điều này khiến cho nhiều người vào Đảng với động cơ méo mó hoặc ban đầu là chân chính nhưng dần dần trở nên sai lầm, sử dụng quyền lực, uy tín của mình, của đảng viên, cấp ủy, của cương vị lãnh đạo thành phương tiện để tiến thân, mưu cầu lợi ích cá nhân. Đấy chính là mầm mống của tha hóa”.

Phải dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền ảnh 1

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ đem lại niềm tin cho nhân dân. Trong ảnh: TP.HCM tưng bừng trong ngày khánh thành hầm vượt sông Sài Gòn và toàn tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt. Ảnh: vnphoto.net

Trước những thách thức, nguy cơ ấy, ông Phan Diễn cho rằng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách căn cơ phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự. “Cần phải xem lại tại sao không vào Đảng thì không tiến thân được, không làm lãnh đạo được. Không thể nói người tài đều ở trong Đảng cả. Vậy tại sao chúng ta lại đặt ra một cơ chế như thế?” - ông nói.

Chỉ phê và tự phê không chưa đủ

Ở góc nhìn khác, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 vẫn dựa trên tinh thần tự phê bình và phê bình - công cụ đấu tranh nội bộ truyền thống của Đảng từ khi thành lập tới nay. Giải pháp này là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông, trước tình hình mới cần đặt nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng trên nền tảng xây dựng nhà nước pháp quyền. Nói cách khác, bên cạnh yêu cầu, mong muốn về tính tự giác của đảng viên cần xây dựng các cơ chế thích hợp, vừa ràng buộc, vừa nâng cao, vừa giúp bộc lộ ý thức tự giác ở mỗi cán bộ, đảng viên.

Cho đến nay công tác triển khai Nghị quyết Trung ương 4 đã hé mở một số cơ chế ấy. Chẳng hạn hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm, tự phê và phê bình yêu cầu từ các ủy viên Bộ Chính trị trở xuống, trước kiểm điểm đều phải qua bước đầu tiên là lấy góp ý của các tổ chức có liên quan và thuộc cấp mình; lấy ý kiến góp ý của cá nhân đã nghỉ hưu nguyên là cấp ủy viên, nguyên là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Như vậy là tạo điều kiện để đảng viên cấp dưới góp ý nội dung kiểm điểm cho cấp trên, cán bộ hưu trí góp ý kiểm điểm người đương chức.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An, có thể tính tới những giải pháp đột phá hơn để thúc đẩy dân chủ, cạnh tranh trong Đảng. Chẳng hạn để lựa chọn nhân sự cấp cao, đến kỳ đại hội, bằng cơ chế dân chủ giới thiệu ra hai ứng viên, yêu cầu mỗi người xây dựng cương lĩnh cho nhiệm kỳ mới. Tổ chức để các ứng viên tranh luận với nhau, để đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc có cơ sở bỏ phiếu bầu chọn tổng bí thư. Giải pháp này từng được ông gợi ý với Đảng khi chuẩn bị cho Đại hội XI...

Hoạt động trong khuôn khổ pháp luật

Đáng chú ý là chỉnh đốn Đảng lần này được triển khai cùng lúc với quá trình cả hệ thống chính trị đang tập trung cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Coi đó là điều tâm đắc nhất, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Giữa hai công việc trọng đại này có mối liên hệ mang tính bản chất vì cùng giải quyết ba vấn đề then chốt, trụ cột của đất nước. Đó là: Dân chủ, nhà nước pháp quyền và Đảng cầm quyền, trong đó trọng tâm của trọng tâm là vấn đề kiểm soát quyền lực”.

Quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị đều bắt nguồn từ nhân dân, đều do nhân dân giao phó cho Nhà nước, cho Đảng - người đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc, thực hiện. Các quyền lực đó đều phải được kiểm soát để phục vụ đúng đắn lợi ích của nhân dân, để không bị tha hóa trong tay những cơ quan, những người nắm giữ quyền lực - căn bệnh nghiêm trọng của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Hội nghị Trung ương 4 đã xác định.

Vì vậy, theo ông, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này phải nhằm hiến định nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, đồng thời hiến định chế độ chịu trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; hiến định chế độ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Đảng, các tổ chức đảng và đảng viên, của Nhà nước, các cơ quan nhà nước và mọi cán bộ, công chức.

“Hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật theo các định hướng nêu trên chính là củng cố cơ sở chính trị - pháp lý cho việc góp phần loại trừ nguyên nhân, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận cán bộ, đảng viên. Ngược lại, chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn từ từng đảng viên, từng cơ quan quyền lực. Đây chính là cái gốc để hiện thực hóa các nguyên tắc Hiến pháp về chủ quyền nhân dân, về nhà nước pháp quyền và về vị trí, sứ mệnh, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội” - ông Cường phân tích.

* * *

Nghị quyết Trung ương 4 đang dần dần đi vào cuộc sống với bước đi đầu tiên là sự gương mẫu, tự giác của từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Ý thức gương mẫu ấy cùng với lắng nghe góp ý của những vị lão thành và cả đương chức, hy vọng Đảng sẽ sớm tìm ra những giải pháp, cơ chế đồng bộ, hiệu quả để nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống. Đó cũng là cách để giải tỏa những băn khoăn, lo lắng của nhân dân, rằng liệu chỉnh đốn lần này có được tổ chức thực hiện hiệu quả không hay lại rơi vào tình trạng “không đạt yêu cầu” như nhiều lần trước.

Luồng sinh khí mới

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” đang thổi luồng sinh khí mới, hy vọng mới vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm gột rửa, sửa chữa những yếu kém trong cơ thể mình. Nhưng hy vọng ấy đã xuất hiện trước đó một năm, từ Đại hội XI, khi ngay trong kỳ họp đầu Đảng đã chọn xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm nhiệm vụ trọng tâm. Ban Chỉ đạo xây dựng đề án xây dựng Đảng được Bộ Chính trị thành lập, khẩn trương bắt tay vào công việc mà sản phẩm cuối cùng là dự thảo Nghị quyết Trung ương 4.

Ngoài lấy ý kiến các tỉnh, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo còn tổ chức nhiều hội nghị báo cáo đề án và lắng nghe góp ý của các vị lão thành từng nắm cương vị chủ chốt trong Đảng hoặc người có kinh nghiệm xây dựng Đảng.

Nhà báo Hữu Thọ, người từng năm lần tham gia thảo luận, góp ý cho đề án, nhận xét: “So với dự thảo ban đầu, nghị quyết đã có những điều chỉnh khá quan trọng. Chẳng hạn nghị quyết nhận định tình hình suy thoái không chỉ ở “một bộ phận không nhỏ” mà có thêm đuôi “cán bộ quản lý các cấp” ... Đây là kết quả đấu tranh quyết liệt trong Đảng, có đóng góp của các đồng chí lão thành”.

NGHĨA NHÂN

Xem toàn bộ loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lát cắt 13 năm:

Bài 1: Việc cần làm trước tiên

BÀI 2: Nghị quyết 6 (2) - cuộc ra quân quyết liệt

BÀI 3: Chuyện người dám “chống” để xây

BÀI 4: Tắm thì phải gội cả đầu

BÀI 5: “Bệnh” chủ nghĩa cá nhân

BÀI CUỐI: Phải dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền

Loạt bài đã đạt giải Nhất thể loại chính luận giải báo chí TP.HCM lần thứ 30 năm 2012 

Loạt bài cũng đã đạt giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - 2012

Xem thêm: Nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân: Trăn trở vẫn còn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm