Thông thường nhân sự cao cấp của Đảng, Nhà nước được quyết định ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc. Nhưng Đại hội VIII, nhân sự thay thế chưa chuẩn bị kịp, ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt tiếp tục trong Bộ Chính trị. Một năm rưỡi sau, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII, tháng 12-1997), ba vị mới rút khỏi Bộ Chính trị, lui về làm cố vấn Ban Chấp hành (BCH) Trung ương. Ban lãnh đạo mới nhận chuyển giao nhiệm vụ, trong đó ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, ông Trần Đức Lương làm Chủ tịch nước, ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng. Cả ba cùng với ông Nông Đức Mạnh - Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Thế Duyệt - Thường trực Bộ Chính trị, nằm trong nhóm nòng cốt, gọi là Thường vụ Bộ Chính trị.
Bắt đầu từ văn hóa Đảng
Ông Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ khóa VII đến khóa IX, nhớ lại: “Nhận chuyển giao quyền lực ở Hội nghị Trung ương 4 thì tới Hội nghị Trung ương 5, dưới sự dẫn dắt của ông Phiêu và Thường vụ Bộ Chính trị, Trung ương bàn nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Lúc ấy đã đặt vấn đề Đảng lãnh đạo thì Đảng cũng phải có văn hóa, tức là phải có tư tưởng tiên tiến, có đạo đức, lối sống lành mạnh. Mà như thế là phải giải quyết những vấn đề mới về suy thoái trong Đảng”.
Sau Hội nghị Trung ương 6 (lần 1) bàn về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội cuối năm 1998, đến cuối tháng 1-1999, Bộ Chính trị triệu tập tiếp Hội nghị Trung ương 6 (lần 2). Ông Vũ Trọng Kim, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lúc ấy là Ủy viên Trung ương kể: “Chưa bao giờ Trung ương lại họp lâu thế. Hội nghị kéo dài chín ngày, chỉ bàn về một nội dung là những vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng”.
Thảo luận về đề án do Bộ Chính trị trình, Trung ương lúc ấy cũng có những ý kiến băn khoăn là nêu, phê phán các hiện tượng suy thoái trong Đảng như vậy có nặng nề quá không? Đổi mới đang thu nhiều thành tựu thế, giờ nói vậy có ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng?... “Tranh luận rất nhiều nhưng cuối cùng Trung ương cũng ra nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” - ông Kim kể.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng đem lại niềm tin cho nhân dân. Ảnh: HTD
Thừa nhận tham nhũng, quan liêu ngày càng nghiêm trọng
Nghị quyết đánh giá: Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém như “sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”; “việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm”.
Nghị quyết nhắc lại những quan điểm có tính nguyên tắc để đấu tranh đẩy lùi bốn nguy cơ được nêu ra từ khóa VII. Với mối nguy về tham nhũng, quan liêu, lãng phí - một trong hai nguy cơ từ bên trong rất nguy hại, nghị quyết yêu cầu toàn Đảng học, nắm vững lại Pháp lệnh Cán bộ, công chức; Pháp lệnh Chống tham nhũng, Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Khiếu nại tố cáo. Tổ chức để toàn Đảng thực kiện kê khai tài sản; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai hóa chế độ, tiêu chuẩn sử dụng xe, nhà đất… của cán bộ.
Một mục riêng, tiêu đề “tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả”, xác định các cấp ủy và người đứng đầu từ trung ương tới cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng nơi mình phụ trách. Bộ Chính trị phân công một số Ủy viên Bộ Chính trị, các cấp ủy phải phân công ủy viên ban thường vụ trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Đáng chú ý, lần đầu tiên Đảng đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu: “Khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp ủy và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm”.
Quan điểm “đã tắm thì phải biết gội đầu” - câu mà Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu giờ thường dùng, hồi ấy, ở mức độ nào đó cũng được thể hiện trong nghị quyết. Theo đó, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra của Đảng, thanh tra và cơ quan tiến hành tố tụng cần nắm chắc tình hình và khẩn trương kiểm tra, kết luận, xử lý kịp thời, đúng pháp luật những đơn tố cáo về đạo đức, lối sống tiêu cực của cấp ủy viên và người đứng đầu các cơ quan, trước hết đối với ủy viên Trung ương, các trưởng ban Đảng ở Trung ương, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch cấp tỉnh và cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị.
Với hy vọng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 6 (2) đặt nhiệm vụ toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện phê và tự phê, sau đó đưa hoạt động này vào nề nếp, thường xuyên.
Khởi động rầm rộ
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, kể ngay sau khi Trung ương thông qua Nghị quyết 6 (2), Bộ Chính trị họp bàn công tác triển khai, với một kế hoạch đồ sộ, do ông (lúc đó là Thường trực Bộ Chính trị) ký ban hành.
Thực hiện kế hoạch này, vào đúng dịp 109 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1999), Bộ Chính trị triệu tập hội nghị cán bộ toàn quốc kéo dài bốn ngày, quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (2). Quy mô, thành phần tham dự lần này không khác hội nghị chính trị đặc biệt: Cán bộ cấp tỉnh có bí thư hoặc phó bí thư, chủ tịch HĐND và UBND, trưởng ban tuyên giáo, ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Các ban, ngành trung ương thì có trưởng/phó ban đảng, bí thư/phó bí thư đảng ủy khối trực thuộc trung ương. Các cơ quan nhà nước trung ương thì triệu tập bí thư/phó bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ và các bộ, bí thư/phó bí thư Đảng đoàn Quốc hội, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo đảng đoàn MTTQ và các đoàn thể trung ương.
Hội nghị do trực tiếp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trì. Tại hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu các nội dung quan trọng trong Nghị quyết 6 (2), nội dung quy định những việc cán bộ, đảng viên không được làm, quy định về giải quyết tố cáo với đối tượng thuộc diện Trung ương quản lý, hướng dẫn thực hiện kế hoạch phê - tự phê… Trong các nội dung ấy, ông Nguyễn Phú Trọng (được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 4, tháng 12-1997, phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa, khoa giáo của Đảng), được giao giới thiệu quy chế học tập lý luận chính trị trong Đảng.
Ngoài các tài liệu trên, các đại biểu - cán bộ trung, cao cấp của Đảng còn phải nghiên cứu lại Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Di chúc của Bác, Điếu văn của BCH Trung ương tại lễ truy điệu Bác, cũng như bài viết của Người: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Trong những ngày hội nghị cán bộ toàn quốc, Bộ Chính trị còn tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 109 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc bài diễn văn quan trọng, chính thức phát động cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ ngày 19-5-1999 đến 19-5-2001.
Nhiều kỳ vọng Ban hành Nghị quyết 6 (2), Trung ương Khóa VIII đặt mục tiêu trong hai năm cuối của nhiệm kỳ (1999-2001) sẽ tạo chuyển biến rõ rệt, ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái trong Đảng. Với mục tiêu ấy, cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành qua ba bước, ứng theo từng mốc thời gian. Bước đầu, lấy mốc từ ngày 19-5 đến 2-9-1999, ngoài hội nghị cán bộ toàn quốc, tại các chi bộ mở đợt sinh hoạt đặc biệt để đảng viên đọc lại toàn văn Di chúc của Bác, Điếu văn của BCH Trung ương, cũng như diễn văn phát động mới nhất của Tổng Bí thư. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương, các tỉnh - thành ủy mở đợt sinh hoạt chính trị phê - tự phê trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Ở cấp này, Bộ Chính trị chọn ra 15 tỉnh, thành và 22 bộ, ban, ngành, trực tiếp chỉ đạo việc phê - tự phê với các nội dung Bộ Chính trị gợi ý. Bước tiếp theo, từ ngày 2-9-1999 đến 3-2-2000, cùng với việc tổ chức kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Bác, tất cả các cấp, các ngành liên hệ Di chúc để đánh giá kết quả bước đầu cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời tiếp tục thực hiện phê - tự phê theo kế hoạch của Bộ Chính trị và của cấp ủy. Bước ba, từ ngày 3-2-2000 đến 19-5-2001, nhân dịp 70 năm thành lập Đảng, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc tổ chức thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương chuẩn bị trình Đại hội IX và dự thảo báo cáo của các cấp ủy chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp. Với cách làm ấy, bước đầu đã khơi dậy sức sống mới cho công tác tự phê - phê bình trong Đảng. |
NGHĨA NHÂN
(Còn tiếp)
Xem toàn bộ loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lát cắt 13 năm:
Bài 1: Việc cần làm trước tiên
BÀI 2: Nghị quyết 6 (2) - cuộc ra quân quyết liệt
BÀI 3: Chuyện người dám “chống” để xây
BÀI 4: Tắm thì phải gội cả đầu
BÀI 5: “Bệnh” chủ nghĩa cá nhân
BÀI CUỐI: Phải dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền
Loạt bài đã đạt giải Nhất thể loại chính luận giải báo chí TP.HCM lần thứ 30 năm 2012
Loạt bài cũng đã đạt giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - 2012
Xem thêm: Nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân: Trăn trở vẫn còn…