Sự quyết liệt của Bộ Chính trị khiến xã hội bắt đầu thấy “không có vùng cấm” không chỉ là lời nói nữa.
Nghị quyết Trung ương 6 (2) khóa VIII ra đời ở thời điểm khá đặc biệt. Lúc ấy cả nước đang chịu tác động xấu từ khủng hoảng tài chính châu Á, khởi nguồn từ Thái Lan năm 1997. Kinh tế xuống dốc, quản lý bộc lộ nhiều yếu kém và mặt trái của cơ chế thị trường tác động tới các giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội cũng như của Đảng.
Chính vì vậy, cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội, của nhiều tầng lớp cán bộ, đảng viên, từ lão thành tới đương chức. Bằng cuộc vận động, Đảng chính thức công khai và tỏ rõ ý chí không khoan nhượng, đấu tranh tới cùng với tham nhũng, tiêu cực.
Không dĩ hòa vi quý
Xét về lời văn, nghị quyết tuy chưa nhấn mạnh, làm rõ được nhóm giải pháp tự phê - phê bình, yêu cầu về tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI hiện nay. Nhưng thực tế Bộ Chính trị lúc ấy cũng đã cố gắng tìm tòi các cơ chế, giải pháp để tự mình “tắm” mình, với tinh thần kiểm điểm, tự phê - phê bình cần làm từ trên làm xuống.
Ông Phan Diễn (Ủy viên Trung ương từ khóa VII, được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa VIII từ tháng 12-1997), Thường trực Ban Bí thư khóa IX, kể: “Tôi đã dự những cuộc sinh hoạt như thế trong Bộ Chính trị. Cách làm là trước khi từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị tự kiểm điểm trước tập thể thì Bộ Chính trị giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương, rồi Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) làm đầu mối tập hợp ý kiến của các ban ngành trung ương về từng đồng chí đó, nhất là những nội dung nghi ngờ có sai lầm, khuyết điểm.
Những thông tin ấy, có cái theo dư luận, không chính xác nhưng cứ có nghi ngờ là Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra trong thời hạn nhất định phải xác minh, báo cáo lại. Thông tin dư luận và kết quả xác minh được công bố công khai trong cuộc họp Bộ Chính trị, nêu rõ thông tin nào đúng, vấn đề nào chưa rõ, dư luận nào sai. Bản thân từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị khi viết bản tự kiểm điểm của mình cũng buộc phải đề cập đến những vấn đề, tin đồn ấy.
Những vụ án lớn liên quan đến quan chức, cán bộ cấp cao bị phát hiện, xử lý trong 13 năm qua đều thuộc giai đoạn triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (2). Trong ảnh: Trước giờ đưa các bị cáo trong vụ án Năm Cam từ TAND TP.HCM về trại tạm giam. Ảnh: tand.hochiminhcity.gov.vn
Cách làm ấy chưa có gì ghê lắm và cũng chưa thật sự đạt kết quả như mong muốn nhưng dù sao đã tạo không khí nhắc nhau phải cương quyết, không né tránh, không nể nang và tự từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị nhận thức phải đi đầu trong cuộc đấu tranh này”.
Không được dự các cuộc sinh hoạt của Bộ Chính trị nhưng những ủy viên Trung ương như ông Vũ Quốc Hùng, người làm công tác kiểm tra Đảng lâu năm, sau này là Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2), cũng nhận xét: “Qua các thông tin nắm được, phải nói đấu tranh, tự phê - phê bình trong Bộ Chính trị lúc ấy được làm khá ráo riết chứ không phải là dĩ hòa vi quý. Kiểm điểm nhau, mà có những thời gian Bộ Chính trị họp liên tục thậm chí thâu đêm”.
Không có vùng cấm
Ông Hùng đặc biệt ấn tượng với vai trò, tác phong, thái độ của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng như những thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2). Ông kể: “Ngay sau khi phát động cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị lập tiểu ban kiểm tra, tổ chức thực hiện Nghị quyết 6 (2) do Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Phiêu rất nghiêm khắc, nguyên tắc nhưng cũng rất thân thiện, gần gũi. Thậm chí cá nhân tôi có thể gọi điện thoại trực tiếp xin gặp. Đồng chí rất lắng nghe, chịu khó chỉ đạo. Nghe phản ánh thấy có vấn đề là bày tỏ thái độ ngay, không nhân nhượng, không chần chừ. Cán bộ cấp dưới thấy không cách trở, trì trệ gì.
Có lần, chúng tôi phát hiện giám đốc công an một tỉnh theo dõi, đặt máy nghe trộm, kiểm soát giấy tờ một đồng chí bí thư mới được bầu. Hành vi ấy không chỉ là lạm quyền, mà còn là mầm mống gây mất đoàn kết nội bộ. Nghe phản ánh, đồng chí Phiêu điện gọi Bộ Công an sang, gọi ngay trước mặt chúng tôi và kỷ luật luôn anh giám đốc công an kia.
Ông Phạm Thế Duyệt, Thường trực Bộ Chính trị, cũng vậy, rất hăng hái. Trụ sở Ủy ban Kiểm tra Trung ương bên này đường, bên kia đường là nơi làm việc của Bộ Chính trị. Có những ngày, cứ một lúc đồng chí Duyệt lại gọi tôi, Phó Chủ nhiệm Thường trực và chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, sang trao đổi.
Tác phong ấy như là cách các đồng chí khuyến khích chúng tôi vào cuộc. Chưa bao giờ đồng chí Phiêu, đồng chí Duyệt nói không được làm cái này, cái khác, mà chỉ hỏi việc như thế theo anh xử lý thế nào hoặc nhắc xử lý sớm đi…”.
Với không khí ấy, cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng nửa cuối khóa VIII đã đem lại kết quả bước đầu. Chỉ trong thời gian ngắn gần hai năm (giữa 1999 - đầu 2001), số cán bộ, đảng viên qua kiểm điểm, tự phê - phê bình, bị xử lý kỷ luật thuộc diện Trung ương quản lý đã lên tới 53 người, trong đó 10 vị là ủy viên trung ương. Số cán bộ từ cấp huyện ủy quản lý trở lên bị kỷ luật hơn 19.000 người.
Sang khóa IX, Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) tiếp tục được củng cố, đặc biệt là việc thành lập Bộ phận Thường trực Trung ương 6 (2), tiếp tục giúp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên cả nước. Ban Chỉ đạo và Thường trực Trung ương 6 (2) đã thúc đẩy, hỗ trợ các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn.
Nhiều vụ án lớn, gây bức xúc dư luận, liên quan đến quan chức, cán bộ cấp cao bị phát hiện, xử lý trong 13 năm qua đều thuộc giai đoạn triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (2). Nửa cuối khóa VIII là vụ Minh “nhớp” ở Hà Tĩnh, vụ Thủy cung Thăng Long ở Hà Nội. Khóa IX là vụ án Trương Văn Cam, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ án xăng dầu Tiền Giang, vụ kho cảng Thị Vải, vụ án đất đai Đồ Sơn, vụ quota dệt may tại Bộ Thương mại. Kể cả giai đoạn đầu đầy nóng bỏng của vụ án PMU18, Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) cũng quyết liệt hỗ trợ, thúc đẩy điều tra cho đến sát Đại hội X…
Trong các vụ án ấy, nhiều cán bộ cao cấp, từ cỡ thứ trưởng, phó chủ tịch tỉnh, phó viện trưởng VKSND Tối cao, đến đương kim ủy viên trung ương đã bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức, thậm chí phải chịu án tù. Sự quyết liệt của Bộ Chính trị, các cơ quan pháp luật giai đoạn ấy khiến xã hội bắt đầu thấy “không có vùng cấm” không chỉ là lời nói nữa.
NGHĨA NHÂN
(Còn tiếp)
Xem toàn bộ loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lát cắt 13 năm:
Bài 1: Việc cần làm trước tiên
BÀI 2: Nghị quyết 6 (2) - cuộc ra quân quyết liệt
BÀI 3: Chuyện người dám “chống” để xây
BÀI 4: Tắm thì phải gội cả đầu
BÀI 5: “Bệnh” chủ nghĩa cá nhân
BÀI CUỐI: Phải dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền
Loạt bài đã đạt giải Nhất thể loại chính luận giải báo chí TP.HCM lần thứ 30 năm 2012
Loạt bài cũng đã đạt giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - 2012