Nhưng 13 năm sau, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI lại phải ra nghị quyết những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Tại sao?
Theo ông Vũ Quốc Hùng, một trong những nguyên nhân là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa VIII đã quá nôn nóng, đánh giá chưa hết mặt phức tạp, gay gắt trong sinh hoạt nội bộ Đảng. “Mục tiêu đặt ra là 1999-2001, tức hai năm cuối khóa VIII, phải tạo chuyển biến rõ rệt, lập lại được kỷ cương trong Đảng, phục hồi một cách nghiêm túc, bài bản các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Đến khóa IX thì đưa việc xây dựng Đảng thành nề nếp trong sinh hoạt của tất cả các cấp, tức là vào các cuộc kiểm điểm định kỳ cuối năm của đảng viên… Nhưng thực tế đã không đạt được” - ông Hùng kể.
Chỉnh đốn chưa ngấm toàn Đảng
Hạn chế ấy đã được đưa ra mổ xẻ tại Đại hội IX, tháng 4-2001. Một báo cáo chuyên đề của BCH Trung ương khóa VIII gửi tới đại hội nhấn mạnh “nhiều thiếu sót hạn chế” ở nội dung tự phê và phê bình - biện pháp được coi là đột phá, then chốt của xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Báo cáo nêu: “Tính tự giác trong tự phê bình, tính đấu tranh trong phê bình ở nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng còn hạn chế; một số cấp ủy và cá nhân cán bộ lãnh đạo cấp trên chưa gương mẫu, nói không đi đôi với làm, xử sự thiếu công tâm nên cấp dưới, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa tin vào kết quả kiểm điểm.
Những hiện tượng quan liêu, tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp… Nghị quyết Trung ương 6 (2) đã nêu rõ, qua kiểm điểm nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng tự liên hệ thấy có trong đơn vị mình nhưng vẫn không chỉ ra được địa chỉ cụ thể; kiểm điểm tập thể thì có nhưng kiểm điểm cá nhân không thể hiện được…”.
Đáng chú ý, báo cáo đánh giá có những nơi nội bộ phức tạp, kéo dài, đến khi kiểm điểm xong, tình hình không tốt lên mà còn phức tạp thêm. Đã phát sinh những vụ việc nổi cộm, người đưa hối lộ khai báo cụ thể số tiền, số lần hối lộ, người nhận… nhưng cấp có thẩm quyền e ngại, không điều tra triệt để.
Sau đại hội bảy tháng, tại Hội nghị lần thứ 4, Trung ương khóa IX một lần nữa đánh giá tình hình thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Báo cáo của Bộ Chính trị dẫn kết quả một cuộc điều tra dư luận xã hội ở 11 tỉnh, thành và 26 ban, bộ, ngành trung ương, theo đó 59% ý kiến cho rằng từ sau cuộc vận động, cán bộ, đảng viên đã chú trọng hơn trong rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, Bộ Chính trị thừa nhận: “Nhìn chung, cho đến nay cuộc vận động chưa tạo được những chuyển biến cơ bản trong công tác xây dựng Đảng […], nhất là chưa chặn đứng và đẩy lùi được nạn tham nhũng, tiêu cực”.
Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tiền đề trong việc nâng cao đạo đức cán bộ, đảng viên. Trong ảnh: Lãnh đạo TP.HCM trao bằng khen cho các cá nhân trong cuộc vận động nhân mít-tinh kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Cũng theo báo cáo, ở nhiều cấp ủy, trí tuệ, thời gian, công sức bị cuốn hút vào việc chạy dự án, dàn xếp nội bộ. Sau đại hội, việc xử lý một số vụ việc có xu hướng nửa vời, bỏ qua để rơi vào im lặng khiến nhân dân thắc mắc, nghi ngờ. Nhiều vụ án, kể cả án lớn để kéo dài, theo cơ quan điều tra là có liên quan, dính líu đến cấp trên nhưng truy tố, xét xử chỉ từng phần, phần để lại thì kéo dài, có dấu hiệu lọt người, lọt tội, làm cho dư luận cho rằng có “vùng cấm”.
Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ từ cơ sở tới bộ, ngành trung ương còn phổ biến làm người dân, doanh nghiệp bất bình. “Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thẳng thắn nói với lãnh đạo Nhà nước rằng chính sách của Nhà nước Việt Nam rất thông thoáng, thái độ của lãnh đạo Việt Nam rất nhiệt tình nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên của Việt Nam thì có nhiều người hư hỏng, nhũng nhiễu, gây phiền hà, cản trở khiến nhà đầu tư nản lòng”.
Một số giải pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực như kê khai nhà đất, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện quy định những việc đảng viên không được làm, khắc phục nạn quà biếu, xử lý cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm liên đới với sai phạm của thuộc cấp… làm chưa nghiêm, nửa vời, nhiều khi hình thức, thiếu kiểm tra, đôn đốc.
Bộ Chính trị nhận khuyết điểm
Phân tích nguyên nhân của những yếu kém trên, báo cáo của Bộ Chính trị thừa nhận chính Bộ Chính trị chưa tập trung chỉ đạo đúng mức, chậm tổ chức nghiên cứu cơ bản để có chủ trương, giải pháp đồng bộ. Sau đợt tự phê bình và phê bình mà khóa VIII phát động, thiếu biện pháp mạnh mẽ tiếp theo để giải quyết, xử lý nghiêm túc những khuyết điểm, vụ việc nổi cộm đã được nêu ra trong đợt kiểm điểm. Bộ Chính trị cũng nhận khuyết điểm là chưa phân công rõ những ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo thường xuyên công tác PCTN như Nghị quyết Trung ương 6 (2) đã yêu cầu.
Nhận xét về thời kỳ ấy, nhà báo Hữu Thọ cho rằng cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng khởi động nửa cuối khóa VIII là “làm thật nhưng có điều chưa đến nơi, đến chốn; tinh thần kiểm điểm rất tốt nhưng hạn chế là không xử lý được trách nhiệm; đấu tranh làm rõ đúng sai có kết quả nhưng rốt cuộc lại không quy được trách nhiệm”.
Theo ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII-IX, Thường trực Ban Bí thư khóa IX, nguyên nhân sâu xa của những yếu kém trong Đảng là thể chế của Đảng thiếu chặt chẽ, dẫn tới thịnh hay suy tùy thuộc quá nhiều vào cá nhân. Nhưng đó là khuyết điểm của nhiều khóa để lại.
Riêng khóa X, ông nói: “Có một vấn đề mà nhiều người phản ánh là đấu tranh nội bộ kém. Tính chiến đấu trong các cuộc họp của Trung ương, Bộ Chính trị không được như mong muốn. Đấu tranh mà lại nhân nhượng, né tránh thì đó là trở ngại rất lớn. So với khóa trước, khóa X có xử được vụ nào lớn đâu. Lớn nhất mà người ta thấy hiển hiện là vụ Vinashin thì mới bắt mấy người chịu trách nhiệm trực tiếp, còn các nhà lãnh đạo gián tiếp thì Bộ Chính trị đâu có kỷ luật ai!”.
“Tôi nghĩ ít ra là lãnh đạo cấp cao nhất của mình, không phải tất cả thì cũng tuyệt đại bộ phận các đồng chí đều tâm huyết với sự nghiệp của đất nước. Thế nhưng có thể mỗi đồng chí có nhược điểm này khác, cộng lại thành ra chưa tạo được tinh thần dân chủ, đấu tranh mạnh mẽ trong cấp lãnh đạo” - ông Diễn nhận xét.
Những khuyết điểm, hạn chế ấy khiến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không hẳn bị buông lơi nhưng kết quả rất hạn chế, mà rõ nhất là từ góc độ công tác đấu tranh PCTN. Khóa X có Nghị quyết Trung ương 3 chuyên đề về PCTN, lãng phí, việc PCTN được đưa vào thể chế, triển khai trên nền tảng pháp lý của Luật PCTN và việc nâng cao đạo đức cán bộ, đảng viên được thúc đẩy bằng cả cuộc vận động lớn học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thế nhưng kết quả của cả khóa, như báo cáo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết Nghị quyết Trung ương 3, tổng kết Luật PCTN hôm 7-3 vừa qua vẫn là: Lời nói còn khoảng cách lớn với việc làm, tham nhũng chưa được ngăn chặn, từng bước đẩy lùi như mục tiêu đề ra.
Không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân Về nguyên nhân của yếu kém, khuyết điểm: Trung ương xem xét khá toàn diện, chỉ ra cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đáng chú ý là: + Nguyên nhân về sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, bất chấp đạo lý, dư luận; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu. + Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, không ít nơi có tình trạng dân chủ hình thức; tập thể là “bình phong” để hợp thức hóa ý kiến của thủ trưởng, mà thực chất là gia trưởng, độc đoán. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện rất kém, thiếu thẳng thắn, trung thực; xuê xoa, nể nang... + Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém. + Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên. Công tác nghiên cứu lý luận còn bất cập, lạc hậu, chưa giải đáp được nhiều vấn đề lý luận - thực tiễn còn vướng mắc hoặc ý kiến khác nhau. Tình trạng lười học tập hoặc học qua loa, đại khái, học đối phó, học cốt để lấy bằng còn xảy ra khá phổ biến. + Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc... Từ sự phân tích trên đây, chúng ta có thể trả lời được câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao từ trước đến nay, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng, đã chỉ đạo nhiều cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng nhưng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Đó chính là do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta; do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục, lãnh đạo, quản lý; do sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính của một số cán bộ, đảng viên; sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân… (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng tại Hà Nội ngày 27-2-2012) |
NGHĨA NHÂN
Xem toàn bộ loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lát cắt 13 năm:
Bài 1: Việc cần làm trước tiên
BÀI 2: Nghị quyết 6 (2) - cuộc ra quân quyết liệt
BÀI 3: Chuyện người dám “chống” để xây
BÀI 4: Tắm thì phải gội cả đầu
BÀI 5: “Bệnh” chủ nghĩa cá nhân
BÀI CUỐI: Phải dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền
Loạt bài đã đạt giải Nhất thể loại chính luận giải báo chí TP.HCM lần thứ 30 năm 2012
Loạt bài cũng đã đạt giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - 2012
Xem thêm: Nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân: Trăn trở vẫn còn…