Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đã phần nào làm vỡ ra những chỗ ung nhọt trong Đảng. Đã có nơi mất đoàn kết, trung ương phải đưa người về thay và đã có những đảng viên dũng cảm nhận khuyết điểm, tự xin kỷ luật rồi khắc phục yếu kém, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một trong số đó là ông Vũ Trọng Kim, hiện là Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (ảnh). Ông kể:
Mình đang làm công tác Đoàn, vốn tính sôi nổi, nay thấy không khí mới trong Đảng, rất hào hứng. Đúng lúc ấy thì được Bộ Chính trị gọi lên, bảo đang cần một ủy viên trung ương về Quảng Trị làm bí thư tỉnh ủy. Thế là đồng ý ngay.
Mất đoàn kết và cục bộ
. Tình hình Quảng Trị lúc ấy thế nào mà ông đang ở Hà Nội lại được điều về?
+ Lúc ấy là cuối khóa VIII, chỉ còn vài tháng nữa là Đại hội IX. Các tỉnh, thành đã cơ bản hoàn tất đại hội Đảng bộ các cấp, mà lồng ghép vào đó là triển khai cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (2).
Nội bộ lãnh đạo Quảng Trị lúc ấy mất đoàn kết. Việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã làm bộc lộ một số yếu kém, khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo địa phương. Nhưng người mắc khuyết điểm lại không nhận thức được, không quyết tâm sửa chữa. Trung ương cử đoàn, đứng đầu là một ủy viên Bộ Chính trị về Quảng Trị gợi ý, chỉ đạo kiểm điểm những yếu kém ấy. Nhưng họp kiểm điểm xong, không có gì thay đổi, nội bộ lãnh đạo tỉnh vẫn mất đoàn kết. Đến kỳ đại hội đảng bộ, tỉnh không bầu được bí thư, nên Bộ Chính trị mới phải điều động người khác về…
Diện mạo mới của Quảng Trị hôm nay. Trong ảnh: Một góc khu đô thị trẻ trung đang hình thành ở cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ảnh: LĐD
. Ông không phải người gốc Quảng Trị, cũng không trưởng thành từ địa phương này, lại về đó làm bí thư, thế có bị… chống đối không?
+ Có. Thời gian đầu, trong Thường vụ Tỉnh ủy có dư luận ông Kim về vài dăm bảy tháng là đi thôi. Mục đích họ là cô lập bí thư mới, để không ai dám chuyện trò, hợp tác, phản ánh các vấn đề của địa phương. Tôi đưa dư luận này ra Thường vụ Tỉnh ủy, tuyên bố quyết định phân công của Bộ Chính trị không ghi thời hạn, nhiệm vụ của bí thư mới là ổn định tình hình. Cho nên còn mất đoàn kết, tôi còn ở lại, có “chết” là “chết” ở đây. Nói thế là mình nghĩ tới các đồng chí đã hy sinh ở thành cổ, ở sông Bến Hải. Với lại khi nhận nhiệm vụ mình đã xác định làm việc lâu dài, đưa cả vợ vào ở cùng nên tâm lý cũng khá thoải mái.
Hơn một năm sau vụ đó, cũng trong nội bộ có quan điểm: Trung ương sai lầm, Quảng Trị thiếu gì người mà điều người nơi khác về, mà như thế sẽ không thể giải quyết được vấn đề của địa phương. Vậy là nhân một hội nghị cán bộ chủ chốt mở rộng, tôi chủ động nêu vấn đề này, rằng tình hình mất đoàn kết vẫn chưa có chuyển biến, giờ lại có ý kiến người tỉnh này, tỉnh khác. Vậy thử hỏi thời kháng chiến, bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ của mấy chục tỉnh, thành về hy sinh trên đất Quảng Trị? Nghĩa trang Trường Sơn trên địa bàn đây có phân biệt máu xương tỉnh nào với tỉnh nào? Giờ hòa bình, đưa ra chuyện này là động cơ gì?
Dùng “bảo bối” phê và tự phê
. Tiếp quản một đảng bộ có nhiều phức tạp như vậy, đối sách của ông thế nào?
+ Về tiếp quản, tôi nói rõ quan điểm là tạm gác lại những vấn đề trước đây của các đồng chí địa phương và yêu cầu mọi người đoàn kết, xích lại gần nhau vì sự nghiệp chung của tỉnh. Với lại đại hội đảng bộ tỉnh lúc ấy truyền hình trực tiếp, việc không bầu được bí thư dân biết hết, giờ Tỉnh ủy phải lấy lại niềm tin của quần chúng. Ý kiến của tôi còn đăng trên báo tỉnh.
Thế nhưng các đồng chí địa phương vẫn không xích lại với nhau, thậm chí còn tung tin không có thật gây rối nội bộ.
Hai năm không thay đổi được gì, đến năm 2002 tôi thấy không chuyển biến. Biên bản về những vấn đề của từng cán bộ vẫn còn nguyên đó nhưng họ không khắc phục, sửa chữa. Giải quyết nội bộ trên tinh thần tự giác, đoàn kết vì việc chung xem ra không đạt yêu cầu. Tôi quyết định đưa vấn đề này ra để tự phê bình, trên tinh thần nhìn lại kết quả hai năm công tác của Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới. Tại hội nghị mang tính chất sơ kết này, tôi nêu ra các vấn đề mất đoàn kết tiếp diễn, chưa được khắc phục. Mọi người thừa nhận nhưng không mạnh dạn đấu tranh chỉ ra cá nhân nào, người nào gây mất đoàn kết. Vậy là tôi yêu cầu Thường trực Tỉnh ủy kiểm điểm trước, với tinh thần trên trước, dưới sau. Ý đồ là khoanh vùng xử lý trước, không để ra BCH đảng bộ tỉnh đấu nhau, có khi vỡ trận.
Thường trực kiểm điểm thì tôi với vai trò bí thư đứng ra nhận trách nhiệm trước. Đó là trách nhiệm hai năm nhận nhiệm vụ mà chưa khắc phục được tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở địa phương.
Cuộc kiểm điểm ấy có tham dự của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thường trực Trung ương 6 (2), mổ xẻ từng dự án đầu tư có sai phạm, từng vụ án mà cơ quan tố tụng địa phương thụ lý giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm tố tụng… Nói chung từng vụ việc, địa chỉ trách nhiệm đều rõ hết.
Tự nhận kỷ luật trước
. Tự nhận khuyết điểm, tự nhận kỷ luật khi chưa có ai yêu cầu. Tại sao ông làm vậy?
+ Thực ra, mới từ công tác đoàn chuyển sang làm công tác đảng ở một tỉnh như vậy thì bản thân tôi chưa có kinh nghiệm nên có phần bỡ ngỡ. Với lại nhận nhiệm vụ mà chưa hoàn thành thì một ngày cũng là khuyết điểm, nữa là hai năm. Quảng Trị lúc ấy thì 10 năm mất đoàn kết rồi, trên giao mình về ổn định tình hình mà chưa làm được thì phải nhận trách nhiệm chứ. Hơn nữa, hai năm đó nói nhẹ, khuyên nhủ nội bộ với nhau đủ rồi mà không giải quyết được thì giờ cũng phải có giải pháp mạnh. Mà giải pháp mạnh thì trước hết anh bí thư phải dám chịu trách nhiệm, dám nhận kỷ luật đã.
Với cách làm như thế, cuộc họp kiểm điểm của Thường vụ Tỉnh ủy có sự tham dự của cấp trên, sau khi tôi tự nhận khuyết điểm, nhận kỷ luật khiển trách thì cũng mở đường cho cơ quan kiểm tra đảng kết luận, xử lý luôn những thành phần còn lại là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới mất đoàn kết nội bộ. Mấy anh đó đều bị cảnh cáo trở lên và thuyên chuyển công tác.
. Sau lần tự nhận khuyết điểm, nhận kỷ luật ấy, tác động lan tỏa thế nào?
+ Rất tốt. Mấy vị mất đoàn kết cũng bị kỷ luật, điều động đi nơi khác. Một số anh em trẻ, năng lực tốt được cất nhắc phát triển. Trung ương điều động thêm cán bộ về tăng cường các vị trí quan trọng, kể cả lãnh đạo công an, VKS tỉnh. Mọi người xích lại gần nhau, đoàn kết vì việc chung…
Tôi là ủy viên trung ương nên việc kỷ luật phải do Trung ương quyết định. Mấy tháng sau, đến đợt Trung ương họp, nghe Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo có nội dung Quảng Trị, tôi vui vẻ báo cáo là tình hình đã ổn hơn rồi nhưng vẫn giữ nguyên ý kiến tự nhận kỷ luật do hai năm về nhận chức mà tình hình chuyển biến chậm. Trung ương nghe báo cáo, không ai chất vấn cả. Mọi người biểu quyết hình thức kỷ luật, cuối cùng thống nhất mức khiển trách, tôi vui vẻ đón nhận. Giải lao bữa ấy, mấy vị Bộ Chính trị vỗ vai bảo: “Ông Kim khôn thế!”.
. Thời gian còn lại của nhiệm kỳ bí thư tỉnh ủy thế nào?
+ Tốt đẹp. Tôi ở lại đến hết nhiệm kỳ. Tỉnh ủy đoàn kết, xây dựng vì việc chung. Đại hội đảng bộ kế tiếp đó mọi việc tốt đẹp, bầu ban lãnh đạo mới. Cán bộ ở tỉnh được luân chuyển về huyện, một số phát triển tiếp ở cương vị mới, rất tốt. Bầu cử đại biểu QH, tôi trúng cử số phiếu cao hơn 97%, chứng tỏ cử tri địa phương cũng đánh giá tích cực những đóng góp của mình. Bàn giao việc cho đồng chí bí thư kế nhiệm xong, tôi rút ra làm phó Ban Dân vận Trung ương, rồi sang tổng thư ký MTTQ Việt Nam cho đến giờ.
. Xin cám ơn ông.
NGHĨA NHÂN
Xem toàn bộ loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lát cắt 13 năm:
Bài 1: Việc cần làm trước tiên
BÀI 2: Nghị quyết 6 (2) - cuộc ra quân quyết liệt
BÀI 3: Chuyện người dám “chống” để xây
BÀI 4: Tắm thì phải gội cả đầu
BÀI 5: “Bệnh” chủ nghĩa cá nhân
BÀI CUỐI: Phải dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền
Loạt bài đã đạt giải Nhất thể loại chính luận giải báo chí TP.HCM lần thứ 30 năm 2012
Loạt bài cũng đã đạt giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - 2012