Để bao lâu cũng dùng được
Dọc bên hông chợ Bình Tây (quận 6) những gian hàng đồ khô tấp nập người ra vào mua các loại thực phẩm tết. Người mua dễ dàng nhận thấy các xâu lạp xưởng treo lủng lẳng trước các cửa hàng.
Ghé vào hỏi thăm một cửa tiệm, anh nhân viên ở đây cho biết giá 1 kg lạp xưởng tùy loại từ 120.000 đồng trở lên. Khi PV trả giá thấp hơn, anh cho hay ở đây “bao giá” vì những nơi bán 80.000 đồng/kg thì chất lượng không bằng, mỡ trong lạp xưởng sẽ nhiều hơn. Khi được hỏi lạp xưởng này để được bao lâu, anh nhân viên cho biết: “Chỉ cần để “trần” như vậy có thể sử dụng đến sáu tháng. Nếu cho vào ngăn mát tủ lạnh thì sử dụng càng lâu hơn (!?)”.
Người tiêu dùng nên cẩn trọng với các mặt hàng thực phẩm chế biến không nhãn hiệu. Ảnh: HTD
Gặp chị H. (quận 11) đang mua lạp xưởng ngay tại quầy này, chị chọn loại có giá 150.000 đồng/kg. Khi hỏi chị mua về chuẩn bị tết hay biếu, chị H. cho hay chị thường lấy mối quen nhưng năm nay giá không được thỏa thuận nên chị ra đây lấy về để bán lại cho có lời.
Ghé một tiệm khác, loại như lạp vịt khô có giá 240.000 đồng/kg, sản phẩm được làm với nhiều màu sắc, nếu quan sát bằng mắt thường có thể cảm nhận được phẩm màu ngay từ lớp ngoài. Tiệm bán ở đây cũng đều “bao” thời gian sử dụng nếu biết cách bảo quản.
Chúng tôi tỏ vẻ ngần ngại khi nói bây giờ mua về nếu qua tết dùng không hết sẽ hư mất. Chủ tiệm này cũng hăng hái bảo đảm thời gian sử dụng đến 5-6 tháng với điều kiện không để trong tủ lạnh thì dùng tuốt hết. Bên cạnh đó, vị chủ tiệm khẳng định nếu mua về sử dụng hay đem bán đều yên tâm vì không có hóa chất gì cả!
Không riêng mặt hàng này, các loại như lỗ tai heo, giò chả… được bán trong hủ nhựa, bao bì trong suốt không có nhãn mác. Phần lớn được người bán giới thiệu là làm hoàn toàn bằng thủ công.
Khó có chuyện bảo quản lâu
Theo đại diện Vissan, đối với lạp xưởng của công ty được làm theo quy trình khép kín từ việc sử dụng nguồn thịt, trữ đông, xay bằng máy, sấy bằng lò điện, đóng gói hút chân không… Thế nhưng thời hạn sử dụng cho mặt hàng này chỉ có sáu tháng.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm cho rằng nếu so sánh quy trình chế biến chuyên nghiệp với phương pháp làm thủ công mà các cơ sở bên ngoài làm thì khâu bảo quản của sản phẩm bên ngoài sẽ rất đáng lo ngại. Cụ thể như nguồn thịt không rõ ràng, phương pháp làm, điều kiện bảo quản giữa trời như vậy. Những sản phẩm đó khó đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Lạp xưởng không bao bì thì để kiểu gì cũng sẽ hư hỏng nhanh” - ThS Trần Trọng Vũ, giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, nhấn mạnh.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Khoai Tây khẳng định nếu củ kiệu chua làm theo phương pháp truyền thống thì thời gian bảo quản chỉ từ ba tháng đổ lại. Việc quảng cáo thời hạn lâu có thể đây là cách mà người bán giới thiệu.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết phần lớn các mặt hàng bày bán ở chợ người bán đều dùng hóa chất để đảm bảo giòn, màu trắng đẹp mắt. Với những sản phẩm không thương hiệu, sự mua bán dựa trên quen biết lòng tin giữa người mua và người bán với nhau.
Ông Vũ chia sẻ thêm những sản phẩm không nhãn mác có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không chỉ có kiểm tra phân tích trên mẫu mới xác định được. “Dù vậy, việc cơ sở nhỏ lẻ có chắc chắn sử dụng hóa chất vượt quá quy định cho phép hay không thì theo tôi không nên quy chụp. Vì cũng không thiếu những cơ sở nhỏ nhưng vẫn rất tâm huyết với nghề sản xuất thực phẩm. Không nhất thiết sản phẩm của cơ sở nhỏ thì không an toàn, chỉ những sản phẩm không nhãn mác và trôi nổi thì nguy cơ mới cao” - ông Vũ khẳng định.
TÚ UYÊN
Nên chọn sản phẩm có đóng gói và nhãn mác Theo các chuyên gia, xét về độ tin cậy thì các mẫu sản phẩm không có nhãn mác người tiêu dùng không nên mua. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nên chọn thương hiệu uy tín. Nếu mua hàng trôi nổi sử dụng có vấn đề cho sức khỏe thì khó biết ai để đòi lại quyền lợi. Thậm chí cũng rất khó chứng minh được sản phẩm mình đang sử dụng được mua bán khi nào. |