TPP: Người bệnh và nông dân yếu thế

Yêu cầu về TRIPS+ của Mỹ trong TPP đồng nghĩa nếu Việt Nam chấp nhận sẽ phải nâng cao mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ thêm một bước nữa. TRIPS+ đang đặt ra những thách thức khó vượt qua và có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi lớn đối với một bộ phận dân cư quan trọng, dễ bị tổn thương của Việt Nam.

Giá thuốc đại trà VN cao gấp 11,4 lần  thế giới

Dược phẩm là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi khi đàm phán về sở hữu trí tuệ trong TPP. Trong đó, nếu áp dụng TRIPS+, thời hạn bảo hộ sáng chế sẽ gia tăng và đối tượng được bảo hộ sẽ mở rộng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho ngành công nghiệp dược Việt Nam, quan trọng hơn là giá thuốc sẽ đắt hơn và người bệnh sẽ bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Việt Nam, giá thuốc đại trà đang cao gấp 11,4 lần giá thuốc trung bình trên thế giới, giá thuốc đặc trị thì cao gấp 46,58 lần trung bình thế giới, trong khi người dân Việt Nam chỉ mới vừa qua ngưỡng thu nhập thấp. Hiện chỉ có 20% số người có nhu cầu có thể tiếp cận thuốc (nói chung) và chỉ có 13% đối tượng có nhu cầu có thể tiếp cận được thuốc dành cho bà mẹ, trẻ em.

Nếu các quy định về sáng chế TRIPS+ được áp dụng trong TPP, cơ hội giảm giá thuốc cho người bệnh sẽ bị triệt tiêu. Việc này sẽ ngăn cản các nỗ lực tiếp cận các loại sản phẩm đặc biệt quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng của người dân Việt Nam.

Nếu các quy định về sáng chế TRIPS+ được áp dụng trong TPP, cơ hội giảm giá thuốc cho người bệnh sẽ bị triệt tiêu. Ảnh: HTD

Theo mạng lưới quốc gia cộng đồng có HIV ở Việt Nam, giá thuốc viện trợ từ các tổ chức quốc tế trong chương trình HIV là ở mức 100 USD/người/năm. Trong khi đó, các loại thuốc chính hãng có bằng sáng chế trong chương trình HIV hiện có mức giá 1.000-2.000 USD/người/năm, quá cao so với thu nhập của người Việt nói chung, đặc biệt là người bị HIV.

Đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất dược trong nước, TRIPS+ cũng gây ra những khó khăn đáng kể bởi đây thường là những DN nhỏ, rất ít chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển dược phẩm mới. Các DN chủ yếu sản xuất thuốc generic (thuốc hết thời hạn bảo hộ độc quyền) nên TRIPS+ sẽ cản trở việc sản xuất thuốc generic của các DN này.

Kéo lùi nông nghiệp

Bên cạnh đó, các quy định về tăng cường mức độ bảo hộ sáng chế có ảnh hưởng trực tiếp tới giá của các loại nông hóa phẩm quan trọng trong nông nghiệp, như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn gia súc… bởi các sản phẩm này hầu hết đều là đối tượng của các sáng chế. Cơ chế ảnh hưởng tương tự như đối với dược phẩm, sản phẩm được bảo hộ thì giá thành phải cõng thêm phí bản quyền (mà thường là rất cao). Do đó càng tăng cường bảo hộ sáng chế, nguy cơ các sản phẩm độc quyền bị tăng giá càng cao.

Trong khi chi phí sản xuất cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đang “gặm” hết lợi nhuận của người nông dân. Việc tăng cường bảo hộ sáng chế của TRIPS+ đồng nghĩa với việc loại bỏ mọi cơ hội giảm giá thành sản phẩm, mất đi cơ hội thu nhập của 70% dân số Việt Nam hiện đang sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Điểm mạnh của Việt Nam là chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu. Thế nhưng đề xuất TRIPS+ của phía Mỹ lại làm giảm vai trò của chỉ dẫn địa lý, xem đó chỉ là một phần trong nhãn hiệu bình thường mà thôi. Không bảo hộ nhãn hiệu thương mại các chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức có âm mưu xấu, tước đoạt một tài sản quan trọng gắn với thu nhập và đời sống của nhiều người.

Cần cẩn trọng và kiên quyết

Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã chấp nhận áp dụng toàn bộ các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ WTO (TRIPS). TRIPS bị phê phán là không phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của đa số các nước kém và đang phát triển bởi các tiêu chuẩn quá cao, chỉ bảo vệ lợi ích một nhóm các nước giàu có. Thời gian qua, TRIPS vẫn là thách thức đối với nước ta, nếu tham gia TPP với TRIPS+ thì đó sẽ là báo động đỏ.

Do đó, từ góc độ lợi ích lẫn khả năng đàm phán, các nhà đàm phán của Việt Nam cần và hoàn toàn có thể không nhân nhượng với bất kỳ đòi hỏi TRIPS+ nào từ phía các đối tác TPP đối với vấn đề dược phẩm, nông hóa phẩm.

Các DN cần mạnh mẽ lên tiếng đối với Đoàn đàm phán Việt Nam để có các chiến lược phù hợp. Thứ nhất, yêu cầu bác bỏ các đề xuất chưa phù hợp, nhất là đối với lĩnh vực dược phẩm và sản xuất nông nghiệp, không chấp nhận việc gia tăng thời hạn các quyền tác giả, không bổ sung các đối tượng được bảo hộ. Không hạ thấp các tiêu chuẩn bảo hộ và yêu cầu có lộ trình tham gia. Thứ hai, bám sát các tiêu chuẩn mà TRIPS đã đề ra.

Sau TPP, Việt Nam sẽ còn tham gia đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những đối tác quan trọng như EU, Nga… Những cam kết trong TPP có thể là ràng buộc cho những cam kết FTA tương lai. Vì vậy, trong đàm phán TPP, Việt Nam phải thận trọng nhiều hơn và kiên quyết trước yêu cầu về TRIPS+ .

Bà PHÙNG THỊ LAN PHƯƠNG, Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

 

DN Việt Nam sẽ “hầu tòa” nhiều hơn

Năm 2011, Việt Nam đứng thứ 21 về mức độ vi phạm bản quyền phần mềm với tỉ lệ vi phạm lên tới 81%, tương ứng với giá trị là 395 triệu USD. Dễ thấy các DN Việt Nam khó lòng đạt được các tiêu chí về sở hữu trí tuệ TRIPS+ mà TPP đặt ra. Tình trạng vi phạm bản quyền có thể trầm trọng hơn, khả năng bị kiện cũng lớn hơn, làm phát sinh các chi phí về tòa án và trọng tài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm