Năm 2009, sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 26-11-2008 ở Mumbai, Hải quân Ấn Độ đã mua tám máy bay P-8I Poseidon. Vì kẻ khủng bố đã đi thuyền tới Mumbai, nên cuộc tấn công này được cho là đã chỉ ra lỗ hổng trong bộ máy an ninh hàng hải của Ấn Độ.
"Là một lực lượng quân đội chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ liên tục đánh giá môi trường hàng hải ở những khu vực chúng tôi quan tâm" - Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, ông Sunil Lanba nói với tờ India Strategic.
Theo những người tiền nhiệm của ông Lanba, Ấn Độ có thể cần thêm 18 chiếc P-8I để hạm đội có đạt được tổng số 30 chiếc. Ông Lanba nhấn mạnh giám sát hàng không hải quân là ưu tiên hàng đầu của quân đội. Tuy nhiên, ông không được phép tiết lộ số lượng máy bay P-8I mà Hải quân muốn sở hữu. Ông nói: "Chúng tôi nhấn mạnh vào vấn đề ý thức lãnh thổ trên biển" - cũng như khả năng giám sát và trinh sát của máy bay.
Máy bay tuần tra chống tàu ngầm Boeing P-8I Neptune của Ấn Độ. Ảnh: SPUTNIK
Năm 2016, New Delhi đã đặt thêm bốn chiếc P-8I. Những chiếc P-8I này được trang bị nhiều vũ khí tối tân như tên lửa chống hạm Harpoon, bom phá tàu ngầm, tên lửa và ngư lôi Mk-54, theo tờ Business Insider. Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh rằng P-8I “có khả năng tiêu diệt tàu ngầm và duy trì giám sát hoạt động của tàu tại những khu vực Ấn Độ quan tâm”.
Về phần mình, hãng Boeing tuyên bố trên trang web rằng hãng tin tưởng vào tiềm năng sẽ có thêm các thương vụ bán máy bay với Ấn Độ. Mỗi chiếc P-8I được sản xuất tại nhà máy sản xuất máy bay của Boeing ở Renton, Washington.
Năm 2016, các quan chức Ấn Độ đã đồng ý mở cửa căn cứ quân sự cho Mỹ để đổi lấy quyền tiếp cận các công nghệ vũ khí tiên tiến nhằm giúp theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Tháng 5-2016, chính quyền Ấn Độ cho biết trung bình một tháng phát hiện các tàu ngầm Hải quân Mỹ xuất hiện bốn lần và một năm khoảng 16 lần.
Tàu chiến Rajput của Hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận đặc biệt ở Vịnh Bengal. Ảnh: SPUTNIK
Vào cuối tháng 10 năm 2017, Hải quân Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chống tàu ngầm chung ở biển Ả Rập. Úc có khả năng cũng sẽ tham gia hợp tác khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại các cảng ở Sri Lanka, Pakistan và một căn cứ hải quân ở Djibouti.
David Brewster, một chuyên gia về cạnh tranh chiến lược tại Ấn Độ Dương thuộc ĐH Quốc gia Australia cho biết: "Chúng ta cuối cùng có thể nhìn thấy sự phân chia trách nhiệm ở Ấn Độ Dương (giữa Ấn Độ, Úc và Mỹ) với tiềm năng chia sẻ cơ sở vật chất".