Kiểm tra xong, heo bẩn đã vô... bụng

“Hiện nay chưa có quy định lưu giữ lô hàng sản phẩm thịt heo để chờ kết quả điểm định. Do vậy, nếu mẫu thịt xét nghiệm dương tính tồn dư chất cấm thì lô thịt đã được tiêu thụ hết”. Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thông tin trên vào sáng 25-11.

“Xử” heo sống dễ hơn thịt heo

. Phóng viên: Thưa ông, vì sao cơ quan chức năng không lưu giữ lô hàng sản phẩm thịt heo trong thời gian xét nghiệm?

+ Ông Khương Trần Phúc Nguyên: Muốn kết luận thịt heo dương tính tồn dư chất cấm phải thực hiện hai bước. Bước đầu tiên phân tích định tính, kéo dài trong 36 giờ. Nếu kết quả định tính ghi nhận mẫu thịt heo dương tính thì thực hiện bước thứ hai là phân tích định lượng, kéo dài từ 3 đến 7 ngày.

Với công nghệ hiện nay, không có cách nào rút ngắn hơn được. Trong thời gian này, cơ quan chức năng muốn lưu giữ lô hàng phải có quyết định lưu giữ, đồng thời lô hàng được bảo quản trong kho lạnh. Nếu kết quả phân tích định lượng cho thấy thịt bị nhiễm chất cấm vượt mức cho phép thì cơ quan chức năng dễ dàng xử lý và tiêu hủy. Tuy nhiên, nếu kết quả âm tính thì cơ quan chức năng phải đền bù thiệt hại cho chủ lô hàng. Do vậy, việc lưu giữ lô hàng sản phẩm thịt heo trong thời gian kiểm định rất khó thực hiện.

. Đối với heo sống, quy trình kiểm định và xử lý như thế nào, thưa ông?

+ Xác định tồn dư chất cấm trong heo sống bằng cách xét nghiệm nước tiểu và cũng trải qua hai bước phân tích. Cơ quan chức năng lấy mẫu nước tiểu của con heo bất kỳ trong đàn chuẩn bị giết mổ. Nếu kết quả phân tích định tính (trong vòng năm giờ) dương tính chất cấm thì cơ quan chức năng lưu giữ toàn bộ heo sống và tiếp tục thực hiện phân tích định lượng (trong vòng bảy ngày). Nếu kết quả định lượng ghi nhận âm tính thì cơ quan chức năng cho phép giết mổ cả đàn heo.

Tuy nhiên, nếu kết quả dương tính thì cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời tiếp tục lưu giữ đàn heo. Chỉ khi nào kết quả kiểm định những lần tiếp theo cho thấy âm tính với chất cấm, cơ quan chức năng mới cho giết mổ.

Việc xử lý tồn dư chất cấm trên heo sống dễ hơn sản phẩm thịt heo. Do vậy, Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp chi cục thú y các tỉnh giám sát và kiểm tra thật kỹ heo sống trước khi đưa vào giết mổ.

Do không lưu giữ trong thời gian chờ xét nghiệm nên khi có kết quả dương tính chất cấm, lô thịt heo đã được bán sạch. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cần quy định quy trình lấy mẫu kiểm tra sản phẩm thịt heo

. Xem ra việc tiêu hủy heo sống và sản phẩm thịt heo “dính” chất cấm không dễ. Liên quan vấn đề này, Chi cục Thú y TP.HCM có đề xuất gì không, thưa ông?

+ Như tôi đã nói ở trên, cơ quan chức năng hiện không thể lưu giữ lô hàng sản phẩm thịt heo trong thời gian kiểm định. Do vậy, Chi cục Thú y TP.HCM kiến nghị Bộ NN&PTNT quy định quy trình lấy mẫu sản phẩm thịt heo để kiểm tra chất cấm tại các điểm kinh doanh ở chợ, siêu thị… để có cơ sở xử lý. Bởi vì khi lấy mẫu thì lô hàng sản phẩm thịt heo phải được bảo quản trong kho lạnh để chờ kết quả phân tích định lượng. Quá trình này dễ xảy ra tranh chấp và khiếu kiện.

Bên cạnh đó, mặc dù chưa xảy ra hiện tượng tẩu tán đàn heo đang lưu giữ tại cơ sở giết mổ để chờ kết quả kiểm định nhưng không loại trừ khả năng có thể xảy ra. Do vậy, Chi cục Thú y TP.HCM cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT quy định cụ thể trách nhiệm chủ cơ sở giết mổ phải phối hợp cơ quan chức năng giám sát và không cho đưa heo đang lưu giữ ra khỏi cơ sở đến khi có kết quả chính thức. Chủ cơ sở giết mổ có trách nhiệm phối hợp cơ quan thú y xử lý các trường hợp gia súc mệt, chết, bị dịch bệnh trong thời gian lưu giữ.

Đối với chủ lô heo nhiễm chất cấm bị lưu giữ, Chi cục Thú y TP.HCM đề xuất Bộ NN&PTNT quy định cụ thể trách nhiệm phải tự chăm sóc trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Trường hợp có phát sinh gia súc mệt, chết, bị dịch bệnh trong quá trình lưu giữ tại cơ sở giết mổ thì phải xử lý tiêu hủy và chịu toàn bộ chi phí.

. Xin cám ơn ông.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, trong buổi họp mới đây cũng đã đưa vấn đề xử lý lô hàng sản phẩm thịt heo bị nhiễm chất cấm với lãnh đạo Bộ NN&PTNT để xin hướng dẫn cụ thể. Bộ NN&PTNT cho rằng hiện chưa có quy định lưu giữ lô hàng sản phẩm thịt heo trong thời gian chờ kết quả kiểm định nên vẫn thực hiện theo thông lệ quốc tế. Nghĩa là lấy mẫu thịt phân tích định tính và định lượng, kết quả dương tính chất cấm thì phạt. Nếu lô hàng vẫn chưa tiêu thụ hết thì tổ chức thu hồi.

Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thịt heo kinh doanh ở nước ngoài có bao bì, nhãn mác hẳn hoi nên rất dễ truy xuất và thu hồi nếu mẫu thịt cùng lô bị nhiễm chất cấm. Tuy nhiên, ở Việt Nam thịt bán từng mảnh, không có nhãn mác đi kèm nên không thể thu hồi khi phát hiện dương tính chất cấm.

TRẦN NGỌC

Từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục Thú y TP.HCM đã kiểm tra 122 lô heo sống (mỗi lô heo trên 10 con) tại các cơ sở giết mổ và phát hiện 25 lô heo dương tính tồn dư chất cấm nên phải tạm giữ. Tuy nhiên, chưa xảy ra trường hợp tẩu tán đàn heo tạm giữ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

(PLO)- Chất đạm có vai trò quan trọng từ việc hỗ trợ tiêu hóa đến điều chỉnh lượng đường trong máu trong cơ thể, đó là những lý do tại sao việc ăn protein lại quan trọng.

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

(PLO)- Từ sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, nồng độ Cortisol cao hay sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột đến thiếu ngủ... là một trong năm lý do khiến bạn thèm đường.