Kinh nghiệm pháp lý

Người chưa thành niên phạm pháp, xử sao?

Xử sơ thẩm trước đó, TAND TP.HCM còn tuyên phạt đồng phạm là Danh Vũ Em 14 năm tù về tội giết người, Lê Hữu Đức một năm tù về tội gây rối trật tự công cộng và Trần Thị Ngọc Thúy sáu tháng tù về tội che giấu tội phạm. Đáng chú ý, thời gian xảy ra vụ án, các bị cáo này có độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi.

Theo hồ sơ, tháng 9-2011, Hiển làm công nhân ở đội quét dọn, vệ sinh tàu biển tại cảng Khánh Hội, quận 4 do anh Phùng Thế Dũng làm tổ trưởng phụ trách. Sau đó, do mâu thuẫn với anh Dũng trong việc tính tiền công nên Hiển nghỉ việc. Và Hiển nảy sinh ý định đánh trả thù “sếp”.

Tối 27-10-2012, Hiển đi với nhóm bạn không rõ lý lịch đến tiệm Internet chơi. Tại đây, Hiển gặp ba bị cáo cùng vụ và một số người quen nữa. Sau đó, Hiển đã rủ cả bọn đi đánh trả thù anh Dũng.

Sau đó, Hiển cùng Vũ Em (có thủ sẵn một con dao trong người) cùng một số người đến quán cháo vịt ở quận 7 để tìm anh Dũng vì biết anh hay đến quán này ăn khuya.

Đến quán cháo vịt, Hiển đi vào, Vũ Em, Đức theo sau. Còn những người còn lại ở ngoài trông xe. Tại quán, Hiển dùng vỏ chai bia đánh anh Dũng, còn Vũ Em dùng dao đâm một nhát vào sườn anh Dũng. Sau khi gây án, cả bọn tẩu thoát. Nạn nhân đi ra ngoài một đoạn thì ngã xuống, tử vong tại chỗ do vết thương quá nặng và trúng nơi hiểm yếu. Đến cuối tháng 10-2012, các bị cáo lần lượt bị bắt.

KINH NGHIỆM:

Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 69 BLHS quy định:

“1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của bộ luật này.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

6. Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”.

Điều 71 BLHS cũng quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ có thể bị xử phạt bằng một trong các hình phạt sau đây: Cảnh cáo, phạt tiền, (đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi đã có thu nhập hoặc có tài sản riêng); cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn.

Ngoài ra, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trẻ em dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như:

- Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, thời hạn từ ba tháng đến sáu tháng, áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý (được quy định tại BLHS).

- Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, thời hạn từ sáu tháng đến 24 tháng, áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý (được quy định tại BLHS).

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra được quy định tại Điều 606 Bộ luật Dân sự như sau:

+ Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp người dưới 15 tuổi gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý.

+ Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

+ Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Một nhóm trẻ vị thành niên gây án với hung khí bị giải về cơ quan điều tra.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm