Theo đó, cấp sơ thẩm nhận định việc bà Yến tự ý bỏ việc là trái pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty Thiên Khải nên phải có trách nhiệm bồi thường.
Theo hồ sơ, bà Yến ký hợp đồng làm việc tại Công ty Thiên Khải từ ngày 1-4-2010 với chức danh trợ lý. Thời hạn hợp đồng là 12 tháng với mức lương khoảng 4,5 triệu đồng. Công việc bà Yến được giao là làm chứng từ kế toán phòng kinh doanh, phòng sản xuất, làm báo cáo, dịch văn bản. Nhưng ngày 17-12-2010, bà Yến tự ý bỏ việc.
Người đại diện của công ty có đến nhà bà Yến tìm hiểu sự việc nhưng bà cố tình lánh mặt. Sau đó, công ty nhận được đồ vật do bà Yến gửi trả qua đường bưu điện. Công ty chờ bà Yến đến để bàn giao công việc nhưng bà Yến cũng không đến. Rà soát lại công việc, công ty phát hiện bà Yến còn giữ 3,1 triệu đồng mà công ty giao để chi trả cho khách hàng trước đó. Vì thế, công ty nộp đơn khởi kiện bà Yến ra tòa, yêu cầu bồi thường cho công ty nửa tháng lương và hoàn trả lại cho công ty số tiền 3,1 triệu đồng.
Ngay khi thụ lý vụ án, tòa đã nhiều lần triệu tập bà Yến nhưng bà không đến. Theo đúng trình tự tố tụng, tòa đã đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn và tuyên án như trên.
KINH NGHIỆM PHÁP LÝ: Hợp đồng lao động bà Yến ký với Công ty Thiên Khải là hợp đồng lao động xác định thời hạn (12 tháng). Đối với loại hợp đồng này, người lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong những trường hợp cụ thể quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động. (Ví dụ: Không được bố trí đúng việc; không được trả công đầy đủ; bị ngược đãi, bị cưỡng bức lao động; gặp hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc; ốm đau, tai nạn...). Người lao động phải báo trước với công ty về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian luật định, tùy từng trường hợp là ít nhất ba ngày, 30 ngày hoặc theo thời hạn do thầy thuốc chỉ định. Người lao động không tuân thủ quy định trên là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Khoản 2 Điều 41 Bộ luật Lao động quy định: “Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động một nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có)”. |
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)