Nhiều lợn cợn trong việc khởi tố tại tòa

Ý kiến tán đồng cho rằng tòa ra quyết định khởi tố là kịp thời, đúng lúc, đây là tín hiệu đáng mừng, là một điều hiếm thấy vì trước đây, tòa án thường “đá” trách nhiệm sang VKS hoặc cơ quan điều tra bằng mấy dòng kiến nghị và đây là tội phạm có khung hình phạt nặng hơn tội cố ý làm lộ bí mật công tác theo Điều 286 BLHS mà VKS đã đề nghị trước đó… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa có gì đó còn lợn cợn về lý luận lẫn thực tiễn.

Khoảng 20 năm trước, khi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) còn quy định thủ tục xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm, có nhiều vụ án HĐXX khởi tố tại phiên tòa, nhất là đối với các vụ án có liên quan đến chức vụ, đến trật tự quản lý kinh tế. Khởi tố vụ án tại phiên tòa thời kỳ đó rất được dư luận quan tâm (và hiện nay vẫn vậy) nhưng mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là pháp lý.

Trong những năm gần đây, việc khởi tố tại tòa rất hiếm, nếu không muốn nói là hầu như không có vì HĐXX khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa ít được VKS ra quyết định điều tra bởi vì luật không bắt buộc nhất thiết phải điều tra hoặc nhất thiết phải khởi tố bị can. Do không có sự ràng buộc của pháp luật nên tính khả thi của các quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa ít có hiệu lực. Quy định tại Điều 104 BLTTHS không rõ ràng, lại không có hướng dẫn nên có một số trường hợp việc khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa không đúng như: Khởi tố vụ án hình sự trong khi cơ quan điều tra hoặc VKS đã ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, thậm chí còn khởi tố cả bị can tại phiên tòa. Có HĐXX ghi quyết định khởi tố vụ án hình sự trong phần quyết định của bản án và đọc luôn trong khi tuyên án. Hậu quả của việc làm này dẫn đến quyết định khởi tố vụ án hình sự đó có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Có tòa án khởi tố bằng một quyết định riêng và tuyên đọc sau khi tuyên án, trong khi còn BLTTHS cũng không quy định HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án hình sự bằng hình thức gì, một văn bản riêng hay ghi luôn trong bản án? Quyết định này có đọc tại phiên tòa cùng với bản án hay gửi riêng cho VKS cùng cấp?...

Về lý luận, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét lại quy định tòa án khởi tố vụ án tại phiên tòa vì tòa án là cơ quan xét xử nên một quyết định cũng mang tính chất “phán quyết”. Nếu chỉ thông qua việc xét xử mà phát hiện có tội phạm mới hoặc người phạm tội mới chưa tiến hành điều tra theo một trình tự chặt chẽ mà HĐXX đã “phán” thì không đúng với nguyên tắc pháp chế. Trong khi đó, quyết định của HĐXX lại không có giá trị bắt buộc đối với bất cứ cơ quan, tổ chức nào, kể cả đối với VKS. Cũng chính vì có sự khập khiễng này mà trong thời gian dài hầu như không có trường hợp nào HĐXX khởi tố vụ án tại phiên tòa mà chỉ kiến nghị. Các cuộc hội thảo về sửa đổi, bổ sung BLTTHS, đa số ý kiến cho rằng nên bỏ quy định cho phép tòa án khởi tố vụ án tại phiên tòa mà chỉ yêu cầu VKS khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

Nếu cho rằng việc khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa là rất cần thiết, làm tăng tính nghiêm minh của pháp luật tại phiên tòa thì BLTTHS cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục khởi tố và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, VKS, cơ quan điều tra đối với quyết định khởi tố đó. Quyết định khởi tố phải có giá trị như một bản án; cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân liên quan có quyền kháng cáo hoặc kháng nghị quyết định này.

Những lợn cợn trên không phải bây giờ mới thấy nhưng để giải quyết nó là cả một chuyện dài…

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm