Bộ trưởng TT&TT trả lời về xử lý sai phạm của báo chí

ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) đặt vấn đề: “Gần đây, báo chí đưa tin sai sự thật rất nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình, cá nhân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp chấn chỉnh tình trạng này?”

Bộ trưởng TT&TT trả lời về xử lý sai phạm của báo chí ảnh 1
ĐBQH Mong Văn Tình (Nghệ An)

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chỉ thẳng: “Vừa qua có hiện tượng một số PV hù dọa, tống tiền người dân và doanh nghiệp gây bức xúc trong xã hội, không phù hợp với Luật Báo chí. Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp chấn chỉnh?”

Bộ trưởng TT&TT trả lời về xử lý sai phạm của báo chí ảnh 2ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình)

Nhiều ĐB khác cũng cho rằng tồn tại, hạn chế trong quản lý báo chí rất nhiều, có hiện tượng né tránh khi xử lý đối với sai phạm của báo chí. Điều này khiến cho tình trạng báo chí đưa tin tiêu cực phổ biến. Nhiều tờ báo, nhất là trang tin điện tử rút tít giật gân, cắt xén, bình luận một chiều… thậm chí kích động làm mất ổn định tình hình ở địa phương…

Trước các chất vấn này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận báo chí vi phạm, đưa tin sai sự thật là tình trạng nhức nhối trong thời gian qua. Bên cạnh vai trò không thể phủ nhận của báo chí, thì gần đây sai phạm của báo chí là rất lớn, đáng báo động. Luật Báo chí năm 2016 khẳng định quyền tự do ngôn luận nhưng cũng nói rõ trách nhiệm của báo chí, nêu rõ các hành vi bị cấm trong Điều 9. Bộ thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để chỉ đạo, chấn chỉnh nội dung hoạt động của báo chí.

“Năm 2016, Bộ đã tiến hành xử phạt gần 150 cơ quan báo chí, số lượng xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó xử lý hành vi đưa tin sai sự thật chiếm tỉ lệ lớn nhất, tiếp đến là xử lý hai cơ quan báo chí đưa tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia.

Có tháng bộ xử lý đến 70 cơ quan báo chí sai phạm. Riêng vụ nước mắm xử lý đến 50 cơ quan báo chí, vụ đưa tin cháu bé ở Gia Lai xử phạt 12 cơ quan báo chí… Bên cạnh đó đã xử lý các sai phạm khác của báo chi như xâm phạm cố ý hoặc vô tình đến nhà nước, tổ chức, cá nhân” - ông Tuấn cho hay.

Bộ trưởng TT&TT trả lời về xử lý sai phạm của báo chí ảnh 3Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn

Cũng theo ông Tuấn, tại các cuộc giao ban báo chí Trung ương, Bộ đã thường xuyên nhắc nhở báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, hoạt động đúng quy định pháp luật.

“Tới đây, Bộ tiếp tục tăng cường quản lý, rà soát lại cấp thẻ nhà báo, khi cần rút thẻ đối với trường hợp vi phạm nặng. Nghiêm túc xử lý việc cấp giấy giới thiệu hoặc loại thẻ giống thẻ nhà báo cho công tác viên.

Về việc cấp thẻ giống thẻ nhà báo, bộ đã xử lý, thu hồi thậm chí xử lý một phó tổng biên tập của một tờ báo vì cấp thẻ giống thẻ nhà báo để đi sách nhiễu. Từ tháng 5-2016, Bộ đã phát hiện một số trường hợp lợi dụng loại giấy này và đã phối hợp cơ quan công an điều tra làm rõ” - Bộ trưởng Tuấn thông tin.

Liên quan đến câu hỏi một số PV hù doạ, tống tiền DN và người dân, ông Tuấn thừa nhận có tình trạng này. “Đối với những trường hợp này, Bộ kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, đình bản tờ báo, thậm chí xử lý phóng viên” - ông Tuấn nói.

Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho rằng các biện pháp đó không làm tình hình thuyên giảm. Điều này có nguyên nhân do cơ quan báo chí sử dụng PV không đủ tiêu chuẩn. “Thậm chí có cơ quan báo chí sử dụng PV thường trú từng bị kỷ luật ở địa phương để rồi “họ chăm chăm phản ánh tin tiêu cực ở địa phương. Có lãnh đạo tỉnh nói với tôi chuyện 1 phóng viên một tháng viết bảy bài nói xấu địa phương mặc dù họ làm được nhiều việc” - ông Tuấn dẫn chứng.

Theo ông Tuấn, một nguyên nhân khác là PV cộng tác với một số cộng tác viên, cho mình có quyền lực rồi đi dọa dẫm, ép các tổ chức, doanh nghiệp phải ký hợp đồng quảng cáo. “Điều này có trách nhiệm của các cơ quan báo chí đã không xem xét kỹ các tiêu chuẩn khi cho thành lập văn phòng thường trú. Mặt khác các cơ quan báo chí cũng khoán trắng cho phóng viên thường trú vừa phải kiếm sống, vừa phải nộp về cho tòa soạn” - ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, do nhiều DN khi bị hù dọa không dám đứng ra tố cáo vì sợ được vạ thì má đã sưng nên nhịn chút cho yên. “Vừa qua, Bộ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức năm đoàn kiểm tra ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để kiểm tra tình hình, từ đó đề ra các giải pháp căn cơ…” - bộ trưởng nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy