Đánh giá để phục vụ tầm nhìn tương lai
. Phóng viên: Sau hàng loạt sự cố liên quan đến công tác quản lý, điều hành an toàn bay, mới đây Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu rà soát và cho nghỉ việc ngay đối với những nhân viên có năng lực yếu kém. Vậy đơn vị đã thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng như thế nào, thưa ông?
Ngoài ra, để làm rõ nguyên nhân gây ra các vụ việc vừa qua, Cục Hàng không đã tổ chức đoàn điều tra, trong đó có cả lực lượng công an để làm rõ xem có yếu tố phá hoại hay không. Mọi việc chắc chắn sẽ được đoàn điều tra và cơ quan công an xem xét một cách thấu đáo.
. Kiểm soát không lưu là một công việc hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến an toàn bay, vậy tại sao lại có đến 40% nhân viên có năng lực trung bình và yếu, thưa ông?
+ Đúng là có thông tin 40% con số nhân viên có năng lực trung bình và yếu. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi nói tại cuộc họp báo ngày 21-11 chưa được hiểu đầy đủ hoặc mới chỉ được hiểu một phần. Thực tế lực lượng lao động khi được tuyển dụng vào đơn vị đều phải qua huấn luyện bài bản và phải được Cục Hàng không cấp phép đủ điều kiện năng lực làm việc. Nhưng để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, làm việc tốt hơn, chúng tôi phải thường xuyên đánh giá lại lực lượng lao động của mình.
Qua rà soát chúng tôi thấy có 40% nhân viên (32% trung bình và 8% yếu) là phải đào tạo, huấn luyện thêm để đáp ứng không chỉ bây giờ mà còn cả trong tương lai. Cho nên tầm nhìn của chúng tôi là tầm nhìn về sau này, tầm nhìn về tương lai. Dù vậy, những người chưa được tốt lắm, hay nói đúng hơn là yếu, chúng tôi không bố trí họ vào những công việc liên quan đến điều hành bay.
Trạm kiểm soát không lưu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nơi có khoảng 500 nhân viên làm việc. Ảnh minh họa
Ai cũng có con, có cháu cả
. Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo phải thay thế ngay những người yếu kém. Vậy 8% yếu kém đó có nằm trong diện bị thay thế lần này không, thưa ông?
+ Yếu kém ở đây có nhiều tiêu chí để đánh giá như yếu kém về chuyên môn, yếu kém về ngoại ngữ, sức khỏe. Và như tôi đã nói ở trên, 8% đó chúng tôi đã không bố trí họ vào những công việc trực tiếp liên quan đến an toàn bay. Chúng tôi cũng quy định cho họ thời gian để hoàn thiện, khắc phục những yếu kém của mình. Ví dụ như anh yếu về ngoại ngữ thì anh phải học hỏi. Trong thời gian đơn vị cho phép đó mà anh không nâng cao được ngoại ngữ thì bắt buộc chúng tôi phải chuyển anh đi chỗ khác hoặc phải thay thế.
. Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ nhân viên không lưu năng lực trung bình và yếu kém nhiều là do toàn “con ông, cháu cha”, ý kiến của ông về việc này?
+ Cũng đã có rất nhiều người hỏi tôi về vấn đề trên. Và tôi cũng nói thẳng: Ai cũng có con, ai cũng có cháu cả. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp chúng tôi tuyển dụng thì con em trong ngành hay ngoài ngành đều bình đẳng như nhau. Ai có năng lực, trình độ, vượt qua được kỳ thi theo quy định sẽ là người trúng tuyển. Sau khi được tuyển dụng, tất cả đều bình đẳng chứ không phải “con ông, cháu cha” thì được ưu tiên những công việc thuận lợi.
Trong xử lý trách nhiệm, chúng tôi cũng không bao che cho bất kỳ trường hợp nào để xảy ra vi phạm cả.
. Nhưng người ta nói rằng nhiều “con ông, cháu cha” thì chắc phải có tiêu cực trong tuyển dụng?
+ Chúng tôi cũng khẳng định là không có tiêu cực gì cả. Ai có đủ năng lực và trình độ sẽ được trọng dụng. Tuy nhiên, qua những vụ việc như vừa qua thì chúng tôi càng phải nhìn nhận lại mình để quyết liệt hơn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ.
. Xin cám ơn ông.
Trước 5-12 sẽ có kết quả điều tra sự cố mất điện Ngày 25-11, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết đến trước ngày 5-12, tổ điều tra sự cố mất điện dẫn đến mất quyền điều hành bay ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có kết quả. Khi đó Cục sẽ thông tin cụ thể với báo chí. Còn về việc Cục có phải báo cáo sự cố trên với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), ông Thanh cho biết đây là sự cố về kỹ thuật chứ chưa xảy ra tai nạn nghiêm trọng, điều hành bay vẫn được kiểm soát. Do đó theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam không phải báo cáo cho ICAO. Cục đang phối hợp với các cơ quan liên quan tìm giải pháp tối ưu không để xảy ra sự cố này nữa. + Chiều 25-11, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với ông Đỗ Hoàng Điệp, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam, để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến các sự cố vừa qua ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Điệp cho biết đang điều trị tại bệnh viện, hẹn sẽ trả lời sau. QUANG HUY 30% kiểm soát viên không lưu trong toàn quốc chưa đạt yêu cầu ở mức 4 về tiếng Anh theo tiêu chuẩn ICAO; cá biệt có người chỉ đạt mức 2 (elementary level). Kết quả hai đợt đánh giá chính thức (2011, 2014) của cơ quan chức năng cho biết như trên. Trước đó, Cục Hàng không dân dụng yêu cầu nhân viên kiểm soát không lưu phải có chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu mức 4 theo quy định của ICAO (mức 6 là sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ). |