Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho hay có nhiều ý kiến đề nghị phải thẩm định công nghệ tất cả dự án nhất là các dự án thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, dự án sử dụng vốn nhà nước có giá trị trên 100 tỉ đồng...
Các ý kiến cũng đề nghị quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ phải thông qua hội đồng thẩm định, bổ sung quy định “hậu kiểm” đối với các dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng
“Nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật. Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam...” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho hay dự thảo luật (khoản 2 Điều 14) đã quy định hạn chế chuyển giao dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan tới thẩm quyền thẩm định công nghệ. Dự thảo cũng quy định về công nghệ hạn chế chuyển giao (Điều 11) và công nghệ cấm chuyển giao (Điều 12).
“Đối với ý kiến cần đặc biệt kiểm soát máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, dự thảo luật đã bổ sung quy định hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam các công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị cũ, hiệu suất năng lượng thấp. Đặc biệt, dự luật bổ sung quy định cấm việc chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” - ông Dũng cho hay.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu)
Về nội dung này, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng việc chấp thuận cấp phép đăng ký chuyển giao công nghệ trong một số trường hợp nhất định là cần thiết, chỉ tránh chuyển giao công nghệ gây hại an ninh quốc gia, môi trường, sức khỏe cộng đồng. “Tuy nhiên việc chấp thuận dễ nảy sinh xin-cho, tiêu cực cho nên cần quy định rõ thủ tục chuyển giao công nghệ để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong cơ quan nhà nước, đồng thời là căn cứ từ chối chuyển gia công nghệ đối với công nghệ nguy hại. Cần quy định cấp phép chuyển giao công nghệ nhưng có căn cứ cụ thể để có thể cho phép, hay từ chối, không cấp phép đăng ký chuyển giao và phải có văn bản trả lời. Như vậy trong áp dụng cấp phép mới tránh tiêu cực phát sinh” - ông Hạ đề nghị.
ĐBQH Lê Minh Thông (Thanh Hóa)
Còn ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đề nghị trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư nhất định phải thẩm định nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. “Bộ Khoa học công nghệ nên ban hành danh mục các nhóm công nghệ bị hạn chế để có thể dễ áp dụng và giám sát” - ĐB Thông nói.