Hôm nay (7-5), Ban Chấp hành Trung ương sẽ mở hội nghị lần thứ 7 bàn về nhiều nội dung quan trọng. Trong số các vấn đề được đưa ra thảo luận có đề án quan trọng về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ Theo dõi các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương - thành viên thường trực tổ biên tập đề án.
Ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ Theo dõi các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương . Ảnh: NGHĨA NHÂN.
Một số cán bộ khi có cương vị thì… hư hỏng
. Phóng viên: Thưa ông, tại sao công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lại được chọn để bàn ở Trung ương lần này?
+ Ông Phạm Quang Hưng: Đất nước đang ở giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức, cơ hội như cách mạng 4.0, kinh tế tri thức, kinh tế số, quá trình toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Bộ Chính trị nhận định Đảng ta đang bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ cán bộ.
Số cán bộ sinh ra, lớn lên, tôi luyện trong thời chiến, rồi trưởng thành trong thời kỳ gian khó, những năm đầu chuyển đổi từ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nay nhiều người đã nghỉ. Số tiếp tục công tác thì hầu hết chỉ nốt khóa này.
Như vậy, từ Đại hội XIII tới sẽ là lớp cán bộ lớn lên trong hòa bình, trưởng thành trong kinh tế thị trường. Đây là lớp cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, trưởng thành theo chiến lược cán bộ mà Trung ương 3 khóa VIII, năm 1997.
Đứng trước tình hình mới như vậy thì Trung ương phải đánh giá tổng thể, ban hành nghị quyết riêng thay thế cho chiến lược từ 20 năm trước, có phần lạc hậu.
. Hai thế hệ lãnh đạo này có đặc điểm gì giống, khác nhau?
+ Lớp trước chủ yếu đào tạo trong nước, một số được gửi gắm ở Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Nhiều đồng chí từng tôi luyện trong chiến tranh, dấn thân, đối mặt với sống chết. Họ là lớp cán bộ sẵn sàng đi đầu khi Tổ quốc cần và có trải nghiệm sâu sắc về những gập ghềnh, khó khăn của đất nước trong giai đoạn đầu đổi mới. Nhiều người đã trải qua các công việc tham mưu, xây dựng chính sách cho thời kỳ chuyển đổi này.
Đây là lớp cán bộ có kinh nghiệm cuộc sống phong phú, cuộc sống cá nhân còn khá gần gũi với quần chúng. Tuy nhiên, họ cũng có những hạn chế trước những thách thức của hội nhập quốc tế, của toàn cầu hóa…
Lớp hiện tại và tới đây thì được đào tạo từ nhiều nguồn. Trong nước cũng có mà ngoài nước cũng nhiều. Đào tạo ngoài nước thì hầu hết ở các nước tư bản phát triển, với các trường phái khác nhau. Họ có kiến thức, năng lực ứng phó với các thách thức chủ quan, khách quan trong thế giới toàn cầu hóa sâu rộng, giải quyết các vấn đề về môi trường, khí hậu. Cán bộ giờ trình độ, kiến thức phải toàn diện hơn trước rất nhiều.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Trong ảnh: Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Ảnh: TTXVN
Còn về phẩm chất, thế hệ cán bộ rèn luyện qua thời gian khó của đất nước thì có điểm mạnh về bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng, tấm gương hy sinh, không ngại khó, ngại khổ, gần dân, sâu sát nhân dân, tính đảng cao. Lớp cán bộ mới sung sướng trong thời bình, được học tập bài bản nhưng thường hạn chế về thực tiễn. Nếu không có giải pháp nâng cao nhân sinh quan, đạo đức cách mạng, trau dồi bản lĩnh chính trị thì khó bằng lớp đàn anh được.
Thực tế, hai nhiệm kỳ gần đây Đảng cũng quan tâm bồi dưỡng cán bộ trẻ nhưng số thành công chưa nhiều. Một số khi có cương vị, trọng trách thì thiếu bản lĩnh, thiếu nguyên tắc trong công tác, sinh hoạt, sa vào chủ nghĩa cá nhân mà hư hỏng.
Đánh giá cán bộ phải đi vào thực chất
. Cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ngoài lỗi của cá nhân họ thì còn có nguyên nhân thể chế. Chẳng hạn, cứ nhìn vào kết quả kiểm điểm cuối năm ở các đơn vị thì thấy hầu như đa số đều tự xếp loại và được trên đánh giá là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy làm thế nào để khắc phục cách đánh giá cán bộ rất hình thức ấy?
+ Tôi vào Đảng hơn 20 năm rồi, thấy hồi ấy việc kiểm điểm, xây dựng, đóng góp đảng viên chân thành hơn, thẳng thắn hơn, khuyết điểm được nêu ra và mọi người đều tiếp thu dễ dàng. Còn giờ thì kiểm điểm cuối năm, bị xếp loại tốt đã buồn. Và vì thế, kiểm điểm cuối năm trở nên hình thức. Thậm chí mặt nào đó là một biểu hiện của bệnh thành tích của cả xã hội, giống như học sinh giờ hầu hết khá với giỏi.
Tôi cho là giờ phải thực chất hơn. Nếu là người cán bộ có trách nhiệm thì hoàn thành nhiệm vụ đã vất vả rồi. Hoàn thành tốt thì phải có những sáng tạo, kết quả công việc phải đặc biệt, có thành tích được tập thể đánh giá cao. Còn cỡ xuất sắc thì phải hiếm lắm, nổi trội lắm, tiêu biểu lắm, được tập thể suy tôn, cấp trên công nhận…
Tháng 3 vừa rồi Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 132 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Theo đó, quy định cụ thể hơn các tiêu chí xếp loại chất lượng, đồng thời quy định cụ thể tỉ lệ tối đa xếp loại xuất sắc, không quá 20% số cá nhân, tập thể được phân loại hoàn thành tốt. Như thế sẽ từng bước khắc phục vấn đề này.
. đấy chỉ là kiểm điểm hằng năm. Còn đánh giá cán bộ để cất nhắc, bổ nhiệm thì có giải pháp gì mới khi mà nhiều đại hội vẫn thừa nhận đây là khâu quan trọng nhất nhưng cũng khó nhất và đang yếu nhất?
+ Vừa rồi Bộ Chính trị đã ban hành hai quy định 89 và 90 về tiêu chuẩn và khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ quản lý các cấp. Đây cũng là một bước đột phá rồi. Bởi trước đây tiêu chuẩn cán bộ chủ yếu dựa vào chiến lược cán bộ ban hành theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII. Chuẩn bị các kỳ đại hội thì phải tầm hội nghị trung ương lần thứ 9 mới cụ thể hơn về phương hướng, cơ cấu, tiêu chí…
Chiến lược ban hành 20 năm rồi nên các tiêu chuẩn, tiêu chí đề ra có phần lạc hậu. Vậy thì lần này Bộ Chính trị ban hành quy định riêng, đầy đủ, chi tiết hơn, cụ thể tới từng chức danh, kể cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng… Hai quy định này lại ban hành sớm, ngay sau Trung ương 5 và công khai. Vậy nên rất chủ động để đánh giá cán bộ, chuẩn bị nhân sự các cấp cho khóa tới.
Sẽ lập tổ khảo sát, đánh giá cán bộ
. Vậy đề án cán bộ trình Trung ương 7 lần này có gì mới hơn Quy định 89, 90 để làm tốt hơn công tác đánh giá cán bộ?
+ Quá trình xây dựng đề án này, Ban Tổ chức Trung ương nhận được nhiều góp ý của các tỉnh, thành ủy, các ban cán sự trực thuộc Trung ương cũng như từ các đồng chí lão thành. Qua đó đề xuất một số giải pháp mới theo nguyên tắc đánh giá liên tục, đa chiều, xuyên suốt quá trình công tác, nôm na là đánh giá 360 độ.
Như vậy, tới đây đánh giá một con người sẽ cả từ cấp trên xuống, cấp dưới lên và ngang cấp sang. Sẽ có các tiêu chí cụ thể, gắn với hiệu quả, kết quả công việc. Cuối năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 105 đổi mới quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ ba bước lên năm bước. Tới đây, theo đề án Bộ Chính trị bổ sung công cụ khảo sát riêng để đánh giá sát, đa chiều hơn nữa về nhân sự. Chẳng hạn, cấp có thẩm quyền sẽ lập tổ khảo sát xuống phỏng vấn, trao đổi riêng với những người làm việc, công tác với ứng viên, cả ở cơ quan, cấp trên, cấp dưới, ngang cấp và cả hàng xóm nơi cư trú.
. Theo kiểu khảo sát thế này, Ban Tổ chức Trung ương đã bao giờ áp dụng thử chưa? Thông tin nhận được khác gì so với kết quả lấy phiếu tín nhiệm?
+ Trước đây, với một số nhân sự cụ thể, Ban Tổ chức Trung ương có sử dụng nghiệp vụ này. Cách làm đơn giản thôi, đồng chí lãnh đạo ban xuống cơ sở để gặp riêng, nghe ý kiến các đồng chí trong thường vụ tỉnh, thành ủy, tổ chức đảng nơi nhân sự đó làm việc, sinh hoạt hoặc có quan hệ công tác.
Kết quả thì có trường hợp lấy phiếu ở hội nghị cấp ủy, ban thường vụ cho kết quả cao. Nhưng khi gặp riêng thì có thông tin khác, không hẳn “đẹp” như lấy phiếu. Cho thấy ở đấy có tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý.
Tôi nghĩ cách làm này mà được quy chế hóa thì cũng là một bước để nhân dân giám sát đảng viên và tổ chức đảng, để các đồng chí lãnh đạo gần gũi, sâu sát, lắng nghe quần chúng.
. Đề án với nhiều điểm mới như vậy thì đã được gửi tới các ủy viên Trung ương để chủ động nghiên cứu, cho ý kiến lần cuối?
+ Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến nhiều lần. Đề án chính thức đã được sao gửi các đồng chí trung ương cách đây 10 ngày. Như vậy, Trung ương có điều kiện nghiên cứu kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện, ban hành.
. Xin cám ơn ông.
Phải chống tha hóa quyền lực PGS-TS ĐOÀN MINH HUẤN Cán bộ cấp chiến lược bao giờ cũng nắm các vị trí trọng yếu trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; phân bổ các nguồn lực và phúc lợi; bố trí, điều động, đề bạt cán bộ cấp dưới. Vì thế, nếu cán bộ cấp chiến lược không tư duy và hành động theo các giá trị công minh, chính trực, thanh liêm thì quyền lực rất dễ bị tha hóa; các chính sách ban hành không vì mục tiêu công lợi mà bị các động cơ cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm chi phối... Để tối ưu hóa hiệu quả trong sử dụng quyền lực công đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực hiệu quả, phòng ngừa lạm quyền, lộng quyền, rộng hơn là chống tha hóa quyền lực. Nhưng kiểm soát quyền lực mà không dẫn tới triệt tiêu năng lực sáng tạo, đổi mới, khả năng đột phá chiến lược của cán bộ cấp chiến lược là vấn đề thuộc khoa học và nghệ thuật tổ chức quyền lực. Hóa giải mâu thuẫn trên đây chỉ có thể bằng cả xây dựng đạo đức cầm quyền và tạo ra khung thể chế nuôi dưỡng và bảo vệ các ý tưởng đột phá chiến lược. Đạo đức cần thiết cho mọi loại cán bộ nhưng quyền lực càng cao càng đòi hỏi phải nghiêm khắc với các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Bởi chính đạo đức mới làm cho các năng lực cá nhân được vận hành đúng phương hướng, vì lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân; đảm bảo cho các quyết sách chính trị luôn vô tư, không bị các động cơ cá nhân chi phối, nhờ đó luôn đúng đắn và sáng suốt; đảm bảo cho cán bộ chiến lược thực sự làm gương cho cấp dưới, dẫn đạo nhân dân. Lệch chuẩn về đạo đức của cán bộ cấp chiến thuật chỉ gây hậu quả trong phạm vi nhỏ hẹp, còn suy thoái đạo đức của cán bộ cấp chiến lược ảnh hưởng trên phạm vi rộng lớn, liên quan đến hình ảnh của cả chế độ và tính chính đáng của sự cầm quyền... Đạo đức cầm quyền cũng là sợi dây vô hình ràng buộc mỗi cán bộ cấp chiến lược với các giá trị đã cam kết, trong đó có đức hy sinh, dấn thân. Bởi đổi mới, sáng tạo, đột phá luôn đối mặt với nguy cơ rủi ro, rất cần đến những con người có bản lĩnh, dám hy sinh cả sinh mệnh chính trị cho các thay đổi vì các giá trị thiêng liêng. PGS-TS ĐOÀN MINH HUẤN, Ủy viên dự khuyết Trung ương, TBT Tạp chí Cộng Sản (Trích bài “Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng Sản, ngày 4-5) Kỳ vọng sẽ kiến thiết lớp cán bộ thực sự vì dân, vì nước ThS VŨ TRUNG KIÊN Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém” và thực tiễn đã chứng minh quan điểm này hoàn toàn đúng đắn. Trong bất kỳ giai đoạn nào, công tác cán bộ luôn là vấn đề cốt tử bởi nó liên quan đến con người, đến sự phát triển của đơn vị, địa phương, của quốc gia, dân tộc. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc xử lý các cán bộ sai phạm thời gian qua đã bước đầu đem lại niềm tin cho xã hội. Cứ mỗi sai phạm, khuyết điểm của một cán bộ nào đó được công bố lại làm cho nhân dân hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không chỉ người dân mà những cán bộ cùng công tác, cùng làm việc với những người bị xử lý kỷ luật cũng không khỏi buồn lòng và không thể ngờ đồng chí mình lại sai phạm cỡ đó. Tất nhiên, trong nỗi buồn về khuyết điểm, kỷ luật của cán bộ, đảng viên vừa qua lại xuất hiện niềm tin, hy vọng vào quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ, xử lý nghiêm minh các tập thể và cá nhân vi phạm. Để chặn đứng tình trạng này không thể một sớm một chiều và cần chiến lược lâu dài, quyết liệt để thay đổi tận gốc rễ việc quy hoạch, bổ nhiệm như hiện nay theo hướng cần phải dân chủ, công khai, minh bạch, có tranh cử thật sự dân chủ đối với các vị trí lãnh đạo. Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về công tác cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược. Người dân kỳ vọng rằng đây là một đột phá mạnh mẽ của Đảng để kiến thiết một đội ngũ lãnh đạo thời kỳ mới - hết lòng vì dân, vì nước thực sự. ThS VŨ TRUNG KIÊN, Xử lý cán bộ sai phạm cần không có vùng cấm Ông BÙI VĂN TIẾNG Sự quyết liệt của Đảng trong xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua thể hiện rõ nhất ở chỗ không có vùng cấm. Trước đây cũng có một số ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý nhưng chủ yếu là do sai phạm về chính trị, còn bây giờ sai phạm trong quản lý kinh tế thì cả ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý đúng mức. Như vậy rõ ràng là không có vùng cấm và điều này chứng tỏ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, chứ không còn nhẹ trên nặng dưới, không còn triệt để theo kiểu chỗ triệt, chỗ để. Rõ ràng sự quyết liệt của Đảng trong xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua đã tạo niềm tin cho đảng viên và nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Đảng viên và nhân dân hiện nay tin rằng tính nghiêm minh của pháp luật không chỉ thể hiện qua việc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm mà còn và quan trọng hơn là thể hiện qua việc sai đến đâu xử lý đến đó, sai do quyết định sai sẽ được xử lý khác với sai do tham mưu sai, sai do lỗi cá nhân sẽ được xử lý khác với sai do lỗi tập thể. Thiết nghĩ Đảng phải coi trọng cả phòng lẫn chống, lấy phòng để chống và lấy chống để phòng. Điều quan trọng nhất là phải mở rộng dân chủ trong Đảng khi làm công tác cán bộ, càng thiếu dân chủ càng dễ mắc sai lầm. Cũng cần coi trọng yếu tố cạnh tranh trong công tác cán bộ nhằm tăng thêm tính công khai, minh bạch. Ông BÙI VĂN TIẾNG, cựu Trưởng ban |