Mất ít nhất từ 3-5 tháng mới khắc phục xong vụ sập cầu Ghềnh

20 giờ: Tình hình tại ga Sài Gòn khá im ắng. Toàn bộ hành khách đều được nhà ga dùng ô tô chở đến ga Biên Hòa kịp thời. Không hành khách nào bị lỡ tàu vì sự cố này. Lãnh đạo ga trực tiếp có mặt để điều hành công tác vận chuyển hành khách lên xe. 

19 giờ: Chiều tối ngày 20-3, ngay sau khi có mặt tại Đồng Nai, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, các Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác xử lý, khắc phục sự cố. 

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về việc khắc phục vụ sập cầu Ghềnh, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, phải mất ít nhất 3-5 tháng mới có thể khắc phục xong vụ sập cầu Ghềnh. Trong thời gian trước mắt, ngành đường sắt vẫn phải thực hiện phương án trung chuyển hành khách bằng xe khách từ ga Biên Hòa về ga Sóng Thần và ngược lại. 

Khách đi tàu di chuyển sang xe ôm hoặc xe khách để tiếp tục hành trình. Ảnh chụp chiều 2-3. Ảnh: Trường Trí

Đối với lượng hành khách hiện đang bị ách tắc tại ga Biên Hòa, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo ngành đường sắt phải giải quyết dứt điểm trong tối nay. Nếu không kịp, phải giải quyết chỗ nghỉ ngơi cho hành khách. 

18 giờ 30: theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, công an Đồng Nai đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ sập cầu Ghềnh.

Thông tin chúng tôi vừa nhận được, tài công lái xà lan số hiệu SG 3745 tên là Nguyễn Văn Thưởng, quê Bạc Liêu. 

16 giờ: Công an tỉnh Đồng Nai lập tiểu ban cứu hộ vì không loại trừ khả năng trong sà lan còn người chưa kịp thoát và khả năng sà lan tràn dầu ra sông.

Một đoàn công tác từ Cục Cảnh sát giao thông đường thủy Bộ Công an đã đến hiện trường, hỗ trợ tỉnh Đồng Nai. Sở Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Đồng Nai cũng nhờ TP.HCM điều một đội thợ lặn chuyên nghiệp đến hiện trường.

Hiện tài công sà lan chưa xác định được nên không biết chính xác trên sà lan có bao nhiêu người lúc xảy ra tai nạn.

14giờ 50: Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết đang trên đường ra sân bay để bay vào kiểm tra hiện trường. Hiện các lực lương chức năng đang họp nóng tại hiện trường để tìm phương án xử lý. Trước mắt những hành khách đương sắt bị mắc kẹt phải chuyển tải bằng ô tô.

-----------

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xà lan đâm vào trụ cầu khiến trụ cầu bị gãy, làm sập nhịp số 2 và 3 của cầu Ghềnh, rơi xuống sông. 

Đến 15 giờ 30: Tại hiện trường, lực lượng cực hộ cứu nạn vẫn quần đảo tìm kiếm người bị nạn.

Thông tin từ ga Sài Gòn cho hay, ga đã chở 200 đến 300 hành khách đi tàu TN2 và SE22 trong ngày từ ga Sài Gòn ra ga Biên Hòa bằng xe buýt miễn phí để họ không lỡ hành trình.

Ga Sài Gòn cũng thông báo, với những hành khách đã mua vé đi các tỉnh phía miền Trung và phía Bắc trong ngày 20 và 21-3 nếu không muốn tiếp tục đi, có thể đổi vé không tốn phí.

Ở chiều ngược lại, tại Biên Hòa, ga Sài Gòn cũng bố trí xe buýt chở khách miễn phí về TP.HCM.

Đến 14 giờ 30: Lực lượng cứu hộ của Sở cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai tìm kiếm những người bị mất tích.

Vì chiếc xà lan còn lật úp nên các thợ lặn phải xuống tìm kiếm xem có người nào bị mắc kẹt hay không. Lực lượng cứu hộ cũng đưa 2 chiếc xe máy mắc kẹt trên nhịp cầu gãy ra khỏi hiện trường.

Lực lượng cứu hộ đang tiếp cận sà lan lật úp để kiểm tra còn ai mắc kẹt bên trong hay không

“Ngoài lực lượng thợ lặn để tìm kiếm khu vực xà lan bị lật thì các ca nô của lực lượng chức năng sẽ quần thảo quanh khu vực bán kính 1km để tìm kiếm...”, một  lãnh đạo Sỡ GTV tỉnh Đồng Nai có mặt tại hiện trường cho biết.

Theo một số thông tin, hiện chủ tàu vẫn chưa được tìm thấy. Có hai người trên sà lan cùng một số nạn nhân may mắn thoát nạn đã được cơ quan chức năng lấy lời khai. Hiện chưa xác định có người bị thương.

Một cán bộ công an tỉnh Đồng Nai cho biết: sự việc hết sức nghiêm trọng nên C54- Bộ Công an cùng lãnh đạo Bộ GTVT đang trên đường xuống hiện trường để chỉ đạo khắc phục sự cố. 

Đến 14 giờ: Các cơ quan chức năng đã trục vớt được ba chiếc xe máy bị rơi xuống sông. Những người chạy xe máy biển số 60B1-22703, 60B1-46797 và 60-6147 may mắn đều thoát nạn.

Đến 13 giờ 30: Nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai và hàng chục cảnh sát giao thông, các lực lượng địa phương vẫn đang bán trụ tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn.

Theo một cảnh sát tham gia cứu nạn, có ít nhất 4 xe máy rơi xuống sông khi sự cố xảy ra.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM tại hiện trường vụ sập cầu Ghềnh, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết hiện tỉnh Đồng Nai và Tổng cục Đường bộ đang tìm phương án bắc ngay cầu tạm để khắc phục giao thông đường sắt. 

Hiện tuyến đường sắt Bắc - Nam đang bị tê liệt hoàn toàn. Phương án được đưa ra để hỗ trợ hành khách là tàu từ Bắc vào Nam sẽ dừng ở ga Biên Hòa. Hành khách sẽ được hỗ trợ xe để di chuyển về TP.HCM. 

Vẫn chưa rõ khi nào mới có thể có cầu tạm. 

13 giờ: Thông tin mà chúng tôi nhận được, ga Sài Gòn trong ngày sẽ có năm chuyến tàu xuất hành. Tuy nhiên sự cố sập cầu làm hàng ngàn hành khách hoãn chuyến.

Ở chiều ngược lại, trong ngày có bốn chuyến tàu từ các ga phía Bắc vào ga Sài Gòn cũng phải nằm lại ờ các ga bắc Đồng Nai.

12 giờ 30: Một xe cứu thương đã đến hiện trường. Công an đã mời chủ sà lan làm việc. 

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý vụ việc.

Theo ông Cường, tỉnh đã huy động các lực lượng chức năng để giải quyết vụ việc. Đến thời điểm này, đã tìm kiếm, cấp cứu được hai người. Hiện đang tiếp tục tìm kiếm xem có nạn nhân còn ở dưới sông hay không. 

Tỉnh Đồng Nai cũng đã thông báo đến ngành đường sắt để điều chỉnh lịch chạy tàu. 

12 giờ 40: Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, sà lan gây tai nạn xuôi dòng, đến khúc sông gần cầu Ghềnh thì chết máy, không điều khiển được trong dòng nước chảy xiết gây ra vụ va chạm, sập cầu.

Khoảng 11 giờ 30, một đầu kéo sà lan chạy từ hướng cầu Đồng Nai về An Hóa, khi đến cầu Ghềnh đã tông vào trụ giữa của cầu khiến hai nhịp cầu này đã bị sập, rơi xuống sông. 

Đến 12 giờ 30, tại hiện trường có khoảng chục ghe của cảnh sát giao thông, đường thủy quần thảo tìm kiếm người bị nạn rơi xuống cầu.

Đây là cầu đường sắt và đường bộ. 

Hiện đang có ba canô đang quần thảo quanh khu vực để tìm kiếm người bị nạn.

Thông tin người dân cho biết đã có hai người được cứu và đưa đi cấp cứu.

Một số hình ảnh vụ sập cầu:

Mất ít nhất từ 3-5 tháng mới khắc phục xong vụ sập cầu Ghềnh ảnh 9

Mất ít nhất từ 3-5 tháng mới khắc phục xong vụ sập cầu Ghềnh ảnh 11

Cầu Ghềnh thuộc TP Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng đã hơn 100 năm, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với hai phần bên hông dành cho xe hai bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ô tô.

Trước đó, tháng 2-2011, đoàn tàu khách SE2 chạy hướng TP.HCM - Hà Nội khi đến cầu Ghềnh đã đâm phải sáu ô tô làm hai người chết, 15 người bị thương.

Sau tai nạn, Thủ tướng yêu cầu khẩn cấp xây cầu đường bộ Bửu Hòa phía hạ lưu cầu Ghềnh nhằm tách cầu chung giữa đường bộ và đường sắt. Tháng 4-2013, khi cầu đường bộ Bửu Hòa đi vào hoạt động, Bộ GTVT đã cấm tất cả ô tô hai chiều và xe hai bánh theo chiều phường Bửu Hòa qua trung tâm TP Biên Hòa.

Từ đó cho đến nay, người dân vẫn được lưu thông bằng xe hai bánh qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát một chiều hướng trung tâm TP Biên Hòa qua phường Bửu Hòa theo kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai.

PLO tiếp tục cập nhật. 

Bạn đọc có thể cung cấp hình ảnh, clip vụ tai nạn cho PLO theo mail plo@phapluattp.vn. Xin cám ơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm