Trong lễ ra mắt lực lượng, đại diện Công an TP.HCM đã nêu rõ là lực lượng này sẽ sử dụng mọi biện pháp nghiệp vụ pháp luật cho phép để ngăn chặn, trấn áp tội phạm. Điểm đặc biệt là lực lượng này phối hợp với cảnh sát mặc thường phục, các lực lượng nghiệp vụ khác, công an cấp huyện, cấp xã… tạo thế trận liên hoàn trong tuần tra, trấn áp. Điều này thoạt nghe có vẻ bình thường nhưng với bọn tội phạm thì đây là nỗi khiếp đảm vì chúng luôn cảm giác “nhìn đâu cũng thấy công an”.
Và thực tế lâu nay nhiều kẻ trộm, cướp “không hiểu vì sao bị bắt” vì khi vừa ra tay chúng đã nghe có tiếng xe xé gió truy đuổi, đã bị ngã chổng vó bằng những miếng võ của đặc nhiệm. Giờ các trinh sát đặc nhiệm lại phối hợp với CSGT, các lực lượng công khai khác thì theo phép cộng đơn giản, sức mạnh trấn áp, ngăn chặn tội phạm của lực lượng này sẽ cao hơn.
Không phải đến giờ TP.HCM mới đối mặt với vấn nạn tội phạm đường phố vì trước đây loại tội phạm này cũng nhan nhản, gây bất ổn cho người dân. Công an TP.HCM đã dùng các phương thuốc “đặc trị” Săn bắt cướp từng gây kinh hãi cho các băng nhóm. Sau khi lực lượng Săn bắt cướp không còn, nạn trộm cắp, cướp giật lại nở rộ và TP.HCM ra mắt thử nghiệm Đặc nhiệm hướng Nam cũng gây kinh hoàng cho tội phạm ở năm quận, huyện. Ngay sau khi có lực lượng này, qua đánh giá ban đầu, tội phạm đường phố ở khu vực này có kéo giảm…
Và nói như đại diện Công an TP.HCM, trong tình hình mới hiện nay, các băng nhóm gây án trên nhiều địa bàn đang gây mất an ninh trật tự thì việc sử dụng lực lượng hỗn hợp để ngăn chặn, trấn áp như một tất yếu khách quan.
Các nhà tội phạm học cũng như công an nhìn nhận: Các băng nhóm đang có sự liên kết, gây án xuyên địa bàn và chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ví dụ các đường dây ma túy cung cấp cho người nghiện, còn người sử dụng ma túy đa phần dính vào cướp giật, trộm cắp, đâm chém, tiêu thụ đồ gian, đua xe tìm cảm giác mạnh… tạo thành những mắt xích liên hoàn.
Đành rằng lực lượng công an theo mục tiêu chung mà Nhà nước giao phó là đảm bảo trật tự an toàn, an ninh cho xã hội… nhưng do phải chuyên môn hóa, “mỗi người một việc chính” cùng giới hạn địa bàn đã khiến hiệu quả tấn công, trấn áp tội phạm có lúc không như ý muốn. Vì vậy, việc thay đổi phương thức đấu tranh với tội phạm bằng việc liên kết nhiều lực lượng khi tuần tra, kiểm soát cũng là điều cần thiết để tăng hiệu quả trong việc “trói tay” tội phạm.
TP.HCM đang ra sức xây dựng hình ảnh văn minh, hiện đại, nghĩa tình nhưng phải thừa nhận rằng người dân, du khách vẫn còn cảm giác bất an với nạn trộm cắp, cướp giật; lo sợ với cảnh tụ tập, đua xe là điều khó chấp nhận. Vì vậy, khi có “cú đấm thép” bằng lực lượng 363, người dân cảm thấy an tâm, tin tưởng hơn khi ra đường.
Cùng với các “hiệp sĩ”, tai mắt người dân, công an xã, phường, các lực lượng nghiệp vụ hỗ trợ, người dân hoàn toàn có cơ sở để tin là các tổ 363 sẽ bóp chết tội phạm đường phố, góp phần đem lại bình yên cho nhân dân,
nhất là những ngày năm hết Tết đến này…