Sáng 2-12, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường.
Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý.
TP.HCM kỳ vọng sẽ phát triển bứt phá khi có cơ chế đặc thù.
Theo Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý. Nghị quyết nêu:
- Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách Thành phố chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
- Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định.
Để thực hiện cơ chế đặc thù này, Thành ủy TP.HCM đã có dự thảo kế hoạch triển khai với việc vạch ra đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo dự kiến, đề án này sẽ trình HĐND TP trong tháng 4-2018.
Thảo luận tại hội trường, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho rằng Quốc hội thông qua nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù là điều mà cán bộ và người dân TP đều phấn khởi, kỳ vọng.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: TÁ LÂM
“Chúng ta đã thấy được sự quyết liệt của lãnh đạo TP khi đề ra 39 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có đến 34 nhiệm vụ phải thực hiện đầu năm 2018. Nhiệm vụ rất lớn và rất nặng nề” - ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là về nhân sự. “Chúng ta thấy cơ chế dù tốt gấp mấy lần mà không có con người thực hiện tốt thì khả năng thành công là không cao. Vì vậy, trong đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức thì qua thảo luận tổ cho thấy rằng chúng ta đã tạo được sự phấn khởi, kỳ vọng và đây là bước đột phá của TP trong tổ chức nhân sự. Tôi cho rằng đây cũng là một thách thức, là cơ hội để chúng ta nhìn lại quy trình, quy chế về tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá các cán bộ, công chức” - ông Quang nói.
Đối với quy trình đánh giá cán bộ hiện nay, ông Quang cho rằng chưa tạo được động lực phát huy năng lực cũng như nhiệt huyết làm việc của cán bộ, công chức, cũng như chưa thu hút được nhân tài. “Vì vậy, tôi đề nghị ngay trong tháng 1-2018 có một chuyên đề đánh giá về tổ chức tuyển dụng và đánh giá cán bộ. Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ đăng ký tham mưu và xin có một tham luận về vấn đề này” - ông Quang mong muốn.
Trước đó, trong buổi thảo luận tổ chiều 1-12, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến đề án này.
Có ý kiến cho rằng TP.HCM được tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức 1,8 lần lương thì cán bộ, công chức, viên chức phải được trả lương theo khả năng đóng góp. Nội dung này cần cụ thể hơn.
Nhưng đa phần các đại biểu đồng tình với đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức mà Thành ủy TP.HCM đề ra. Các đại biểu cho rằng đây là niềm phấn khởi đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP.
Do đó, TP.HCM cần nghiên cứu sớm có cơ chế tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức và tập trung thực hiện ngay. Đồng thời, để tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức cần gắn liền với tinh giản biên chế thì mới đồng bộ, khả thi.