Ông là một đạo diễn tên tuổi, kỳ cựu của làng sân khấu Việt Nam với nhiều vở diễn để đời như: Rạng Ngọc Côn Sơn, Hòn đào thần Vệ Nữ, Tanhia, Thời con gái đã xa…
Theo gia đình, ông có bệnh gút và bệnh thận nhưng vẫn khỏe mạnh. Ông và vợ đang ở Mỹ thăm hai con gái thì cảm thấy đau trong người vào thứ Bảy 20-8. Gia đình đưa ông vào viện tại Mỹ thì ông mất.
Theo gia đình, tang lễ sẽ được cử hành tại Los Angeles, California, Mỹ. Ông mất đi mà chưa kịp thực hiện dự án nhạc kịch khủng với công nghệ mua từ sân khấu Broadway chính hiệu mà ông và các con mình đã công bố vào tháng 6 vừa rồi.
Lúc đó ông vẫn còn tràn đầy sức khỏe và nhiệt huyết, vẫn hằng ngày chạy xe máy đi dạy học. Bởi ngoài là một đạo diễn lớn, ông còn là người thầy dạy lớp đạo diễn của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ miền Nam ở Trường Nghệ thuật sân khấu II, Trường Sân khấu-điện ảnh TP.HCM với nhiều tâm huyết.
Đạo diễn Đoàn Bá cùng vợ và con gái vào ngày 7-6-2016 trong buổi công bố dự án nhạc kịch Broadway do gia đình ông đầu tư, ông tham gia đạo diễn cùng năm đạo diễn khác.
Còn với giới nghệ sĩ sân khấu, ông mất đi để lại một sự thương tiếc vô cùng to lớn. Vì như nhà văn-đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc viết: “Thầy ĐOÀN BÁ - người thầy đáng kính của biết bao thế hệ học trò, cây đại thụ của sân khấu miền Nam”. Với sân khấu Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, ông có nhiều cống hiến to lớn.
Đạo diễn Đoàn Bá là người miền Nam, từng tham gia Đoàn kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc trước năm 1975 và dàn dựng nhiều vở diễn được chú ý thời đó như: Đội tuần vệ thanh niên, Nhật ký người mẹ, Kỷ niệm những ngày nghiệt ngã, Bão táp, Nắng trong mưa.
Sau 30-4 ông vào lại miền Nam, sáng lập Đoàn kịch Bông Hồng với nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng làm diễn viên chính và dựng vở Đôi bông tai cùng nhiều vở khác. Với Đoàn kịch nói Kim Cương, ông dựng những vở: Câu chuyện Ilekcut, Về nguồn, Tanhia, 29 ngày sống trong tình yêu, Vực thẳm chiều cao… Với Nhà hát Kịch TP.HCM ông dựng các vở: Thời con gái đã xa, Đường bay…
Ông có 16 năm làm giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang vào thời kỳ rực rỡ nhất và dàn dựng các vở cải lương nổi tiếng: Rạng Ngọc Côn Sơn, Chim Việt cành Nam, Hòn đảo thần Vệ nữ, Tình yêu và lời đáp, Tình yêu và tướng cướp, Chuyện tình ngàng Isuzu… Sau khi về hưu ông cộng tác dựng nhiều vở cho các sân khấu kịch ở Sài Gòn như Kịch IDECAF, Kịch 5B, Kịch Sài Gòn, Kịch Hoàng Thái Thanh như: Nắng sớm mưa chiều, Khúc nguyệt cầm, Phận làm gái, Sự thật không cần nói, Lặng lẽ khóc cười…
Có nhiều vở diễn dựng theo phong cách cổ điển thành công, song đạo diễn Đoàn Bá cũng được nhắc đến với những vở diễn có những cách tân, mới mẻ, táo bạo như vở cải lương Chiếc hài bạc với một sân khấu rộng lớn, hoành tráng tại sân khấu ngoài trời Đầm Sen vào thập niên 1990.
Vở kịch Đường bay với cách dàn dựng ấn tượng liên tưởng đến máy bay cất hạ cánh trên sân khấu những năm 2000. Vở kịch xiếc Romeo và Juliet với những cảnh diễn bay bổng, táo bạo trên không cách đây vài năm.
Năm 78 tuổi, đạo diễn Đoàn Bá vẫn đi dạy thỉnh giảng ở ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM và nói về sự mới mẻ, tân kỳ của sân khấu thế giới với nhiều say mê.