Tờ Financial Times cho biết các nỗ lực đối thoại của Bắc Kinh nhằm tránh chiến tranh thương mại đang được dẫn đầu bởi tân Phó Thủ tướng Lưu Hạc, vốn là cố vấn kinh tế được ông Tập Cận Bình dành nhiều niềm tin nhất.
“Cánh tay phải” của ông Tập
Đó là cách mà tờ South China Morning Post (SCMP) mô tả về tân Phó Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lưu Hạc, 66 tuổi. Chỉ một năm sau khi ông Tập Cận Bình chính thức nắm quyền, ông Lưu đã được thăng chức làm giám đốc Văn phòng Trung ương đảng lãnh đạo các vấn đề tài chính và kinh tế TQ vào năm 2013. Việc bổ nhiệm diễn ra chỉ ít tháng trước khi đảng Cộng sản TQ (CPC) ban hành một văn kiện quan trọng vạch ra các cải cách cho cả một thập niên.
Lý lịch chính thức của ông Lưu cho thấy ông chưa từng làm việc trực tiếp cùng ông Tập, ngoài những thông tin cho rằng hai người từng sống cùng một khu tập thể ở Bắc Kinh những năm trước Cách mạng văn hóa 1966. Vào thời điểm đó, cả hai ông đang theo học cấp III tại Bắc Kinh. Còn theo tìm hiểu của Cheng Li, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu TQ John L. Thornton thuộc Viện Brookings, thông qua một bạn học cũ của ông Lưu thì ông chưa từng học chung trường với ông Tập trong thời gian hai người ở Bắc Kinh. Ngoài ra, thân phụ của ông Lưu từng giữ một vị trí phó lãnh đạo cấp tỉnh tại đây và có thể có những mối liên hệ với gia đình của ông Tập, gốc cũng ở Thiểm Tây, theo SCMP.
Điều khiến ông Tập tin tưởng và trọng dụng ông Lưu Hạc có lẽ chính là tài năng của nhà kinh tế này. Là một nhà kỹ trị, từng được ông Tập nói là một nhân vật “rất quan trọng đối với tôi”, ông Lưu đã liên tục nhấn mạnh các cải cách theo hướng thị trường. Ông là một người dày dạn kinh nghiệm và kiến thức sâu về quản lý kinh tế, có bằng thạc sĩ quản trị công từ Trường quản trị Kennedy thuộc ĐH Harvard. Ông Lưu cũng đã ở trong nhóm ra quyết định các chính sách kinh tế trong hơn hai thập niên qua. Đầu năm 2015, ông Lưu nhận chức phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), có vai trò trung tâm trong các quyết định ngắn hạn và dài hạn về sự phát triển của TQ. Lưu Hạc là một trong số ít thành viên nội các đi cùng Chủ tịch Tập trong nhiều chuyến công du nước ngoài. Với việc được bổ nhiệm là phó thủ tướng TQ nhiệm kỳ này, nhiều nhà quan sát kỳ vọng ông Lưu sẽ chứng minh được khả năng điều hành của mình bên cạnh vai trò một nhà lý thuyết và cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập.
Hình ảnh của ông Lưu Hạc, Ủy viên Bộ Chính trị CPC khóa 19, với vị thế là “kiến trúc sư trưởng” của chính sách kinh tế TQ tiếp tục được khẳng định rõ trên trường quốc tế vào cuối tháng 1 vừa qua khi ông được chỉ định là trưởng phái đoàn chính phủ TQ đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Trong một tiết lộ của tờ Financial Times đầu tuần này, ông Lưu chính là người dẫn đầu các nỗ lực đối thoại của Bắc Kinh để hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ-Trung với đầu cầu phía Washington là Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin. Ông Lưu cũng được cho là người đang thúc đẩy gói đạo luật nới lỏng kiểm soát đầu tư nước ngoài trong khu vực tài chính TQ, đồng thời giảm thuế đối với ô tô Mỹ nhập khẩu.
Ông Vương Kỳ Sơn (giữa) trong một cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: REUTERS
Ông Lưu Hạc được nhìn nhận là “kiến trúc sư trưởng” cho chính sách kinh tế của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Sự trở lại của Vương Kỳ Sơn
Với việc được bổ nhiệm làm phó chủ tịch nước vào kỳ họp Quốc hội TQ đầu tháng này, ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, đã có cú trở lại ngoạn mục trên chính trường Bắc Kinh. Sự trở lại của ông Vương, theo nhận định của truyền thông quốc tế là không quá bất ngờ. Nếu ông Lưu là “cánh tay phải” của ông Tập trong hoạch định kinh tế thì có thể nói ông Vương là “cánh tay phải” của ông Tập trong... tất cả vấn đề mà ông Tập quan tâm nhất. Theo nhận định của The Diplomat, việc xếp chỗ ông Vương ngay sau vị trí của các thành viên Bộ Chính trị trong kỳ họp Quốc hội vừa qua dường như là một thông điệp ngầm cho thấy chính trị gia đậm chất thực dụng này sẽ còn đóng vai trò rất lớn trong các chiến lược của ông Tập Cận Bình.
Cặp bài trùng Tập Cận Bình - Vương Kỳ Sơn đã làm thay đổi hoàn toàn chính trường TQ với chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi”, kéo theo đó là việc bổ nhiệm những quan chức làm được việc và được ông Tập tin cậy vào các vị trí chủ chốt để các chính sách của ông Tập được vận hành đúng ý ông. Giờ đây, chính trị gia được mệnh danh là “lính cứu hỏa” - chuyên gia giải quyết các khủng hoảng của TQ được giao phó nhiệm vụ giúp tháo gỡ “quả bom” chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tờ SCMP cho biết.
Ông Vương có thừa bề dày kinh nghiệm về giải quyết khủng hoảng kinh tế cho TQ. Theo tờ SCMP, ông Vương đã bắt đầu nổi lên từ thập niên 1980 khi trở thành một trong những người tiên phong thúc đẩy cải cách kinh tế các vùng nông thôn TQ, đưa hàng triệu nông dân thoát nghèo. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, với vị trí lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng TQ, ông Vương tiếp tục đóng vai trò then chốt giúp Tập đoàn China Mobile niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong và New York. Hai năm sau, ông lại giám sát vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử TQ sau khi tập đoàn đầu tư quốc doanh Guangdong International Trust and Investment Corp (Gitic) vỡ nợ 5 tỉ USD. Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra năm 2008, chỉ năm tháng sau khi nhậm chức phó thủ tướng, ông Vương lại tiếp tục được phân công “cứu hỏa”, lãnh đạo một nhóm chuyên trách hỗ trợ Quốc vụ viện TQ ra các sách lược đương đầu với làn sóng khủng hoảng.
Các quan chức và chuyên gia Mỹ nhìn chung hoan nghênh vai trò phó chủ tịch nước mà ông Vương Kỳ Sơn có thể đảm nhận vì ông đã tham gia rất nhiều vụ việc với Washington trong hai thập niên qua, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế và thương mại. Trong vai trò phó thủ tướng, ông từng là người đại diện và nhà thương thuyết hàng đầu của TQ tại khuôn khổ đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung, còn được ví von là “Thượng đỉnh G-2”, từ năm 2009 đến năm 2012 nhưng hiện nay đã kết thúc.
Ông Stephen K. Bannon, cựu trưởng cố vấn chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết bản thân vô cùng sửng sốt trước mức độ am hiểu về nước Mỹ của ông Vương. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cũng từng mô tả ông Vương là “nhà đàm phán giỏi nhất của TQ”, hãng tin DW của Đức cho biết. Theo hãng tin này, ông Vương với phong cách thực dụng của mình sẽ đủ khả năng mặc cả ngoại giao với ông Trump, giúp ông vừa giữ được thể diện với cử tri Mỹ nhưng cũng đồng thời tăng “cô lập” chính phủ Mỹ trên trường quốc tế.
Đã có những dấu hiệu cho thấy vai trò mới của ông Vương khi vài nguồn tin cho hay gần đây ông gặp các quan chức Mỹ và Nhật tại Bắc Kinh.
Sự “trỗi dậy” của những nhà kỹ trị Tờ SCMP nhận định đội hình hoạch định kinh tế của TQ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình mang đậm màu sắc kỹ trị. Các quan chức kinh tế và tài chính hàng đầu trong “đội hình” làm việc cùng ông Lưu Hạc đều là những người có am hiểu sâu rộng về mặt học thuật, được nhìn nhận là “làm được việc” và có khả năng giải quyết khủng hoảng. Trong số đó bao gồm: Ông Dịch Cương, Thống đốc Ngân hàng Trung ương TQ; ông Lưu Sĩ Dư, Chủ tịch Ủy ban Quản lý chứng khoán; ông Quách Thụ Thanh, Chủ tịch “siêu ủy ban” quản lý ngân hàng và bảo hiểm TQ; ông Hà Lập Phong, Chủ tịch Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia; và ông Tiểu Á Thanh, Chủ tịch “siêu ủy ban” giám sát và quản lý tài sản nhà nước. Theo SCMP, trong “đội hình này” có bốn người là tiến sĩ. Tất cả nhân vật này đều có khoảng thời gian dài trong sự nghiệp đảm nhiệm các vị trí quản lý doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng hoặc công ty tài chính. Ít nhất ba người trong số này có khả năng nói tiếng Anh lưu loát. |