‘Xuân vận’ Trung Quốc: Khi 1/6 thế giới di dân

Cơ quan đường sắt Trung Quốc (TQ) năm nay đã đưa ra một chiến dịch gọi là “cuộc cách mạng nhà vệ sinh”. Theo Tân Hoa xã, trên mỗi chuyến tàu cao tốc đưa khách về quê, nhà vệ sinh trên tàu sẽ đảm bảo được dọn dẹp ít nhất mỗi giờ một lần và đảm bảo đạt đủ những tiêu chuẩn cần thiết.

1/6 thế giới về quê

“Xuân vận” là từ dùng để chỉ hành trình hàng tỉ người dân tại các thành phố lớn của TQ về quê ăn Tết nguyên đán bên gia đình. Họ chủ yếu là người lao động, sinh viên, đến từ các vùng quê nhỏ lên các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu để làm việc, học tập. Đây được xem như một trong những cuộc “di dân” lớn nhất thế giới với 1/6 dân số thế giới rời các thành phố lớn trở về quê hương. Đợt “xuân vận” năm nay của TQ chính thức bắt đầu từ ngày 1-2 và dự kiến kéo dài trong khoảng 40 ngày khi một làn sóng người lại đổ về thành phố sau kỳ nghỉ Tết.

Tờ China News dẫn lời ông Liên Duy Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia TQ (NDRC), cho hay lượng người đi lại trong kỳ “xuân vận” năm nay ước tính đạt 2,98 tỉ lượt, tăng 2,2% so với năm ngoái, số người đi lại bằng tàu lửa và máy bay lần lượt tăng 8,8% và 10% trong khi số người đi lại bằng đường bộ giảm 1,6%. Hơn 200.000 tình nguyện viên cũng đã được huy động để phục vụ cho “xuân vận” tại các nhà ga, sân bay, bến xe… Theo NDRC, những ngày cao điểm nhất sẽ có hơn 100 triệu lượt hành khách di chuyển về quê hoặc lên thành phố.

Trước kỳ “xuân vận”, toàn TQ đã có thêm hơn 3.000 km đường sắt mới. Mạng lưới đường sắt tại TQ tính đến cuối năm 2017 đã lên đến 127.000 km, bao gồm 25.000 km đường sắt cao tốc. Cục Đường sắt lữ hành TQ cho biết khoảng 4.395 chuyến tàu sẽ khởi hành mỗi ngày dịp trước Tết nguyên đán. Con số này sẽ tăng lên thành 4.484 chuyến sau khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán kết thúc.

Trung Quốc ước tính có 3 tỉ lượt di chuyển trong đợt “xuân vận” năm nay của nước này. Ảnh: REUTERS

Năm nay Trung Quốc có thêm 3.000 km tàu cao tốc phục vụ người dân về quê dịp Tết nguyên đán. Ảnh: NEWS.CN

Mang cả “gia tài” về quê

Tại nhà ga Bắc Kinh, công nhân Xu Zhengming khệ nệ ôm chiếc tivi màn hình phẳng 36 inch đang chen lấn trong dòng người đợi tàu về quê. “Một năm tôi mới về nhà một lần. Đó là một quãng đường khá dài” - anh Xu vừa nói vừa nâng chiếc tivi lên, buộc thêm vô số món quần áo xung quanh để thêm chắc chắn. Người công nhân đến từ một ngôi làng thuộc vùng ngoại ô TP Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam TQ, một đoạn đường mất khoảng 20 giờ di chuyển từ Bắc Kinh. “Cha tôi vẫn ở quê và cuộc sống gia đình rất khó khăn. Cha tôi luôn muốn có một chiếc tivi màn hình phẳng. Vì thế tôi mang chiếc của tôi về” - anh Xu chia sẻ.

Bên cạnh anh Xu, Kemin Zhang, nhân viên nhà hàng, đang kéo thùng nhựa chứa gần 10 kg thịt bò và thịt cừu. Zhang cho biết anh mang chỗ thịt này về quê ở tỉnh Hà Bắc để làm nhân sủi cảo, món ăn truyền thống không thể thiếu vào dịp Tết tại khu vực phía Bắc TQ vì “ở nhà có thịt heo rồi”. Xu và Zhang là hai trong biển người xa quê khác cũng đang trên đường về nhà và mang theo quần áo và quà tặng cho người thân. Tất cả đều cho biết họ không thể trở về tay không vào dịp lễ lớn nhất năm này, bởi vì đây là “chuyến đi mỗi năm mới có một lần”, theo tờ The New York Times.

Trong khi đó, nhiều người lại chọn về quê bằng xe máy, bất chấp chuyến hành trình dài hàng ngàn cây số. Wu Guotao, 39 tuổi, đã bỏ hẳn những chuyến tàu sau khi mua một chiếc xe tám năm trước. Để về được quê ở Ứng Thành, một TP nhỏ ở tỉnh Hồ Bắc, anh sẽ phải lái xe liên tục trong 14 giờ suốt quãng đường dài 1.100 km. Với Zhang Youjin, 38 tuổi, đến từ TP Hạ Châu cũng vậy. Sáng 1-2, Zhang và vợ con đã đóng gói các nhu yếu phẩm cần thiết rồi lên đường về quê dưới thời tiết lạnh cóng. Quãng đường dài khoảng 400 km và nếu không gặp trở ngại gì thì cả nhà sẽ đến đích trong vòng một ngày.

Cá biệt hơn, tham gia vào chuyến hành trình “xuân vận” lớn nhất thế giới này có người còn chọn cách… đi bộ. Hôm 25-1, một công nhân TQ 60 tuổi đã quyết định đi bộ 40 km dưới trời mưa tuyết để về quê. Hành trình của ông Zhao Fangzi bắt đầu từ ga tàu TP Lạc Dương, tỉnh Hà Nam đến quê ông ở huyện Mạnh Tân. Trước đó, ông đã bắt tàu từ Thượng Hải tới Lạc Dương nhưng do thời tiết xấu nên chuyến tàu bị hoãn. Thay vì mất phí ở lại qua đêm, Zhao quyết định đi bộ để dành tiền sắm thêm bộ quần áo mới cho vợ. Ông cho biết đây cũng có thể là đợt “xuân vận” cuối cùng của mình, bởi vì năm nay ông sẽ về quê nghỉ hưu dù vẫn còn bị nợ lương ở TP.

Về quê thời… công nghệ

Trong cuộc đại di dân mùa xuân tại TQ năm nay, hơn 65% hành khách đi tàu đã lựa chọn tàu cao tốc, với tốc độ lên tới 300 km/giờ, cho chuyến hành trình của mình. Zoey Zheng, 29 tuổi, cho hay kể từ khi tuyến tàu nối Bắc Kinh và tỉnh Giang Tây đi vào hoạt động cách đây hai năm, thời gian về quê của cô chỉ còn một nửa, từ 11 giờ trên tàu hỏa thường xuống còn sáu giờ với tàu cao tốc. “Tôi tải sẵn vài bộ phim, xem xong thì cũng là lúc về tới nhà” - Zheng nói. Nữ nhân viên văn phòng cho biết cô còn “đặt đồ ăn trực tuyến và được giao tới ga”. Đây là dịch vụ cung cấp thực phẩm theo yêu cầu mới hiện có tại 27 nhà ga lớn trên khắp TQ. Trước đây hành khách trên tàu thường chỉ ăn mì ly cho tiện lợi.

Cùng với sự phát triển của tàu cao tốc ở TQ, vé tàu Tết năm nay cũng bắt đầu chuyển sang hình thức đặt trực tuyến qua trang web, điện thoại và ứng dụng di động. “Năm nay chúng tôi đối mặt với áp lực lớn hơn khi “xuân vận” bắt đầu sớm hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ tốt hơn thông qua việc khai thác dữ liệu và công nghệ Internet di động” - ông Zhao Chenxin, phát ngôn viên của NDRC, nói. Hầu hết vé tàu cao tốc được bán thông qua trang web chính thức của công ty đường sắt quốc gia TQ. Đây cũng là trang web có lượng truy cập lớn nhất trong vòng một tháng qua tại nước này với hàng chục tỉ lượt mỗi ngày. Theo Tân Hoa xã, chỉ trong ngày đầu tiên bắt đầu mở bán đã có hơn 23 triệu vé được bán ra. Ông Zhu Jian Sheng, Phó Giám đốc Viện Công nghệ máy tính, thuộc Học viện Khoa học đường sắt TQ, cho biết trang web đặt vé hiện vẫn đang chạy ổn định trên cả máy tính và điện thoại di động, kể cả ở những giai đoạn cao điểm.

Ngoài việc đặt vé tàu qua mạng, những cải tiến tích cực cũng đã được áp dụng cho cuộc “di dân” lớn nhất hành tinh năm nay. Hành khách có thể thanh toán tiền vé bằng các ứng dụng thanh toán di động, qua trạm soát vé bằng cách quét thẻ căn cước, kỹ thuật nhận diện khuôn mặt…

Du lịch để né “xuân vận”

Kết quả thăm dò của cơ quan du lịch trực tuyến Tongcheng và China Communications News cho biết trong dịp Tết nguyên đán năm nay ở TQ, không phải ai cũng về quê. Có 13% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ chọn cách đi du lịch và sẽ trở về nhà vào những dịp khác trong năm. Họ cũng sẽ gọi điện thoại cho người thân của mình thông qua các ứng dụng điện thoại trong lúc đón Tết ở nơi xa.

Các chuyên gia cho biết xu hướng các gia đình lựa chọn một chuyến du lịch trong dịp Tết nguyên đán đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là với những người quê gốc ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Một xu hướng mới cũng xuất hiện ở TQ trong vài năm gần đây là cha mẹ sẽ đến các thành phố lớn để đón Tết cùng con cái, bởi vì việc mua vé tàu theo chiều ngược lại lúc nào cũng dễ dàng hơn trong dịp lễ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm