Dối với nhân dân và Đảng bộ, chính quyền TP.HCM, ngày 24-11-2017 là một dấu mốc quan trọng khi Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: “Nghị quyết này của Quốc hội đã xóa bỏ mọi rào cản cho đầu tàu kinh tế của cả nước, là một cơ hội đột phá để TP phát triển nhanh, bền vững và mạnh mẽ hơn. Cơ chế, chính sách đặc thù này không chỉ cho TP mà cho cả nước theo tinh thần “TP vì cả nước, cả nước vì TP”.
Nhiều ý nghĩa cả về kinh tế lẫn cải cách thể chế
. Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, ý nghĩa quan trọng nhất của nghị quyết này đối với TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là gì?
+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Có thể khẳng định rằng nghị quyết này của Quốc hội đã bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, là sự thể hiện niềm tin to lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đối với TP.HCM, nơi được nhìn nhận là một đô thị đặc biệt, là đầu tàu, động lực kinh tế quan trọng của cả nước. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đã dành cho TP một sự kỳ vọng cao.
Hiển nhiên nghị quyết này không chỉ có ý nghĩa đối với TP.HCM mà còn có ý nghĩa với cả nước trên cả phương diện kinh tế lẫn cải cách thể chế.
. TP.HCM thường được nhắc đến với tinh thần “đi trước về sau” mà trong quá khứ tinh thần ấy trở thành điểm son và là khởi đầu cho những cải cách vì thịnh vượng của đất nước? Nhân dân TP.HCM kỳ vọng Nghị quyết 54 sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho TP, thưa Phó Thủ tướng?
+ Ngay cả trong việc chuẩn bị cho nghị quyết này thì TP cũng luôn phát huy tinh thần ấy. Chúng ta biết rằng tháng 10-2017, gần ngày khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Ban Thường vụ Thành ủy đã báo cáo Bộ Chính trị Đề án sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết 16. Sau phiên họp, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, trong đó chỉ đạo “Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV ban hành nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để TP phát triển nhanh, bền vững hơn”.
Như mọi người đã biết, ngày 24-11-2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết với tỷ lệ rất cao. Đây là sự tin cậy của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước đối với TP.HCM và cũng là cơ sở để TP phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực, nơi có sức hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách chung của cả nước.
Như thế, tôi cho rằng có cơ sở để TP sẽ “đi trước về trước” nếu thực hiện thật tốt nghị quyết này.
Người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều
. Như vậy có nghĩa là TP sẽ có nhiều cơ hội đột phá để vươn tới những chuẩn mực của một đô thị hiện đại, phát triển. Thưa ông, những cơ hội đó nằm ở đâu?
+ Có thể nói nghị quyết đã trao thẩm quyền rất lớn, rất chủ động cho TP để phát triển đúng với tiềm năng của mình.
Chẳng hạn, HĐND TP.HCM được quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công. Điều này sẽ cho phép TP đẩy nhanh hơn các dự án quan trọng, cấp bách về giao thông, nhà ở, cấp thoát nước, viễn thông, y tế, văn hóa, giáo dục cũng như các dự án lớn về nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…
Khi chủ trương đầu tư những dự án quan trọng, cấp bách nói trên được đẩy nhanh hơn thì lợi ích cho TP, cho doanh nghiệp cũng đến nhanh hơn. Những vấn đề của TP như kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở… sẽ được giải quyết nhanh hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của một đô thị hiện đại, thông minh.
Nếu như vậy thì cả TP, doanh nghiệp và nhân dân đều được hưởng lợi khi tiết kiệm được chi phí, thời gian.
. Vâng, đó là những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài. Nhưng thưa ông, có lo ngại rằng nếu TP tăng một số loại phí và lệ phí (theo sự cho phép của Nghị quyết 54) thì điều này tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và sẽ tác động đến môi trường đầu tư của TP. Ông nghĩ sao?
+ Tôi nghĩ là dù có điều chỉnh tăng một số loại phí và lệ phí thì ngân sách TP cũng không tăng lên nhiều, không ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa của thị trường cả nước. Bởi vậy, mục đích của vấn đề này là TP.HCM nhắm đến việc điều chỉnh hành vi của người dân ở một đô thị hiện đại hơn là tăng ngân sách. Mặt khác, nếu việc tăng một số loại phí, lệ phí có thể điều chỉnh hành vi của người dân tốt lên thì dư địa phát triển của TP lại tăng nhiều hơn nữa và những lợi ích, phúc lợi mang lại cho người dân TP sẽ lớn hơn.
Chúng ta hiểu rằng mục tiêu mà nghị quyết của Quốc hội đặt ra cho TP.HCM là đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và đồng thời nâng cao lợi ích tổng hòa giữa cá nhân và xã hội, giữa nhà nước và người dân, giữa chính quyền và doanh nghiệp.
. Và những vấn đề này sẽ được đảm bảo bằng một nguồn lực tốt hơn cho TP.HCM?
+ Có thể nói nghị quyết đã mở ra một dư địa lớn về nguồn lực, có thể đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội cho TP.HCM. Sau khi điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP giảm từ 23% xuống còn 18% theo đúng tinh thần “TP vì cả nước” thì tinh thần “cả nước vì TP” được hiện thực hóa trong nghị quyết này.
Theo đó, ngoài những khoản TP.HCM được giữ lại khi tăng thêm một số loại thuế, phí thì nghị quyết còn cho phép TP được hưởng nhiều chính sách khác. Chẳng hạn như sự điều tiết phần ngân sách tăng lên từ trung ương, 50% phần thu được từ việc hoán đổi trụ sở của các đơn vị trung ương tại địa bàn, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do TP làm đại diện chủ sở hữu.
Tất cả là những nguồn lực cần thiết để TP đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là cho những dự án cấp thiết như chống ngập, giao thông… Và như tôi nói ban đầu, tất cả những “nút thắt” này khi được giải quyết thì TP sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Nhưng quan trọng hơn, những thể chế về đầu tư, huy động nguồn lực cũng sẽ được tổng kết và xem xét áp dụng rộng rãi trong tương lai.
Áp lực sẽ trở thành động lực để bứt phá
. Chúng ta đã nói đến nhiều cơ hội đột phá cho TP.HCM. Nhưng rõ ràng đây cũng là địa phương đầu tiên được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Theo Phó Thủ tướng, liệu TP sẽ gặp phải những thách thức gì?
+ Trước hết đó là sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân vào TP.HCM thông qua nghị quyết này. Đúng là khi “cả nước vì TP” thì chắc chắn trách nhiệm của TP sẽ hết sức nặng nề. Bởi việc thành công hay thất bại của cơ chế, chính sách đặc thù này có liên hệ mật thiết với những định hướng phát triển đất nước trong tương lai.
Mặt khác, thời hạn thí điểm chỉ là ba năm. Thách thức về thời gian thực hiện nghị quyết cũng rất lớn trong khi
những vấn đề của TP còn hết sức bộn bề.
. Theo khái quát của ông, trước những vấn đề thách thức đó, TP.HCM sẽ vượt qua như thế nào?
+ TP đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ về những thách thức này. Qua 30 năm đổi mới, TP luôn thể hiện sự năng động qua cơ cấu kinh tế hiện đại, năng suất và trình độ lao động cao, số lượng doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân, truyền thống sáng tạo, năng động, đổi mới… Những yếu tố này làm cho TP.HCM trở thành một trung tâm kinh tế lớn của
cả nước.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, phát triển TP đã bộc lộ sự giảm tốc, thậm chí tụt hậu so với cả nước ở một số lĩnh vực; các yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường có xu hướng gia tăng, sự không bền vững về phát triển nguồn nhân lực. Tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy cao nhất và số vụ án được xét xử ở TP nhiều nhất cả nước.
TP.HCM vẫn đang trên đà phát triển và hướng tới trở thành một siêu đô thị hiện đại. Nhưng TP cũng là một đô thị chịu nhiều ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đối mặt và giải quyết những thách thức này trong vòng năm năm là một bài toán khó. Nhưng tôi cho rằng nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP sẽ là một lời giải hữu hiệu. Mặt khác, việc nghị quyết quy định sau ba năm Chính phủ sẽ sơ kết việc thực hiện nghị quyết này vừa là áp lực nhưng vừa là một cơ hội nữa để TP kiến nghị điều chỉnh những bất cập phát sinh nếu có.
Tôi tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM sẽ thực hiện hiệu quả nghị quyết này, đáp ứng được niềm tin, sự kỳ vọng của cả nước.
. Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng.
Tăng thu nhập cho CBCC, viên chức TP là tương thích với cống hiến . Phóng viên: Ông có nghĩ rằng nghị quyết cho phép TP tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 lần và chủ động quy định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt là một động lực lớn không? + Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Điều đó là chắc chắn và tương xứng với những cống hiến, năng suất lao động mà người dân TP đã “vì cả nước”. Chúng ta cũng chú ý rằng: Nghị quyết cũng cho phép TP được ủy quyền cho quận, huyện để tạo cơ chế chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành. Đặc biệt, UBND TP.HCM còn được quyền điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP để phù hợp với đặc điểm của TP. Điều này cũng có nghĩa là TP.HCM sẽ có một cơ hội lớn hơn nữa để thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh gọn, tinh giản biên chế, cũng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII mới đây về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Khi đó, mức thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức TP sẽ được nâng lên không chỉ vì những lợi thế và hiệu quả về kinh tế, mà còn vì một bộ máy tinh gọn được điều chỉnh theo đúng tinh thần của Đảng. “TP.HCM chăm chút từng li từng tí môi trường đầu tư” Liên quan đến vấn đề tính toán tăng phí, lệ phí khi triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay TP sẽ thực hiện vấn đề này một cách rất thận trọng. Bởi vì việc tăng này sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP và tác động đến người dân.
“Suốt thời gian vừa qua, lãnh đạo TP luôn luôn chăm chút từng li từng tí nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó UBND TP phải tính toán rất kỹ lưỡng đối với vấn đề này. Các tổ nghiên cứu các đề án thực hiện nghị quyết được giao chuẩn bị hết sức chu đáo và lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến của người dân và UBND TP cũng xem xét, đánh giá tác động của xã hội” - ông Phong nói và khẳng định: “Áp lực thời gian không cho phép chần chừ nhưng UBND TP sẽ không bỏ qua các quy trình cần thiết theo quy định của pháp luật”. TÁ LÂM |