Đến trưa 11/11, 12 học sinh lớp 4 và lớp 5 trường tiểu Lê Văn Tám (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) vẫn đang lưu trú tại Trung tâm Y tế TP Thủ Dầu Một để theo dõi.
Bà Trần Thị Thanh Thảo, Trưởng trạm Y tế TP Thủ Dầu Một cho biết, sáng nay khi đang tiêm văcxin hai trong một sởi - rubella thì các em này có biểu hiện bất thường. Ngay sau đó trung tâm đã đưa các học sinh đi cấp cứu và tạm ngưng việc tiêm vacxin. Đây là ngày tiêm chủng thứ hai do trung tâm thực hiện, đã có 390/406 học sinh của trường đăng ký được tiêm.
Cũng theo bà Thảo, trước khi thực hiện tiêm chủng các bác sĩ đã tiến hành khám sức khoẻ cho từng trường hợp. Có nhiều em mắc bệnh mãn tính như hen, suyễn… được trung tâm khuyến cáo đến các phụ huynh. Những em không đủ sức khoẻ đều bị loại khỏi danh sách tiêm chủng.
“Văcxin được bảo quản tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mỗi lần tiêm chủng chúng tôi mới đến lấy. Nếu không dùng hết đều được giao trả trung tâm để bảo quản đúng quy trình”, bà Thảo khẳng định.
Cho đến trưa cùng ngày, qua theo dõi các trường hợp nghi bị sốc phản vệ sau khi tiêm chủng đều chưa xuất hiện các triệu chứng sốc thuốc rõ ràng. Theo nhận định của các bác sĩ, nhiều khả năng các cháu bị phản ứng dây chuyền do lo sợ lúc tiêm vắc xin. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã thu thập thông tin, làm rõ nguyên nhân.
Trước đó, sáng 5/11, 68 học sinh tiểu học Bình Thanh Tây (xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn) vừa được tiêm vắc xin sởi – rubella khoảng nửa giờ thì có 12 em lớp 4D có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, khó thở… phải đưa đến phòng y tế kiểm tra sức khỏe.
Hồi cuối tháng 10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã thông báo và đánh giá về hiện tượng đau đầu, chóng mặt, mệt xỉu đồng loạt xảy ra với học sinh khi tham gia tiêm chủng tại điểm tiêm ở trường là hiện tượng phản ứng dây chuyền sau khi tiêm chủng. Tính năng điển hình là xuất hiện cấp tính, lây lan nhanh chóng. Nguyên nhân chính do tâm lý sợ tiêm, chứ không phải do vắc-xin.
Theo Nguyệt Triều/VNE