120.000 tỉ bơm ra nền kinh tế trong tuần cuối tháng 9

(PLO)- Tuần cuối cùng tháng 9 có hơn 120.000 tỉ đồng được các ngân hàng bơm ra nền kinh tế, song tín dụng vẫn còn 850.000 tỉ đồng đang "ngủ đông". 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 29-9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỉ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tương ứng hơn 120.000 tỉ đồng được ngành ngân hàng bơm ra nền kinh tế chỉ trong tuần cuối tháng 9 . Tuy nhiên, tín dụng vẫn còn 850.000 tỉ đồng đang "ngủ đông".

BIDV-14.jpeg
Sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn còn yếu

Mức tăng này thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm và còn khá xa với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% của NHNN. Sự bứt tốc này cũng gây chú ý bởi kể từ tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể so với các tháng trước đó (tăng trưởng tín dụng cuối tháng 6 là 4,73%, cuối tháng 7 là 4,54%).

Chỉ ra nguyên nhân khiến tín dụng vẫn còn tăng chậm hơn năm ngoái, dù NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm.

Nhiều quốc gia vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì xu hướng tăng lãi suất; giá dầu tăng cao… Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư toàn cầu. Việt Nam là đất nước có độ mở lớn, nên cũng chịu những tác động lớn từ bên ngoài.

Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn đang chật vật trong bối cảnh năng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết thêm, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng trong 3 tháng còn lại của năm 2023.

Tuy nhiên, khác với mọi năm và khác với những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế do khủng hoảng hay thiên tai dịch bệnh, những khó khăn thách thức hiện nay phức tạp và khó đoán định. Những khó khăn này mang tính khách quan và tác động từ bên ngoài do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn.

"Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 3 tháng còn lại của năm và những tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng cần tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ… Đồng thời tập trung làm tốt chương trình cho vay bình ổn thị trường, đáp ứng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường nhằm giữ ổn định giá cả hàng hóa dịp cuối năm. Qua đó giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", ông Lệnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm