Mới đây tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam", Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN), đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Thanh toán điện tử là xu hướng tất yếu
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 51,14% về số lượng; qua kênh Internet tăng 66,46% về lượng; qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về lượng và 8,79% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 124,15% về lượng và 16,12% về giá trị.
Việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3-2021, tính đến tháng 06-2023, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 10,8 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng phương thức eKYC.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Thời gian tới, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng (TCTD) và các đơn vị liên quan cần xây dựng hệ sinh thái đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen”.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng giám đốc NAPAS, trong giai đoạn 2021 – 2022, TTKDTM tăng trưởng 86% về số lượng và 31% về giá trị.
Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa
Liên quan đến thị trường thẻ tín dụng nội địa, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) thông tin: Trong 7 tháng đầu năm nay có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa (như thẻ Lộc Việt của Agribank, thẻ 2Card của Vietinbank, thẻ Easy Card của Sacombank, thẻ Vietcredit của Tín Việt…)
Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến cuối tháng 7 vừa qua đạt trên 811.400 thẻ (tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong giai đoạn năm năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.
Thực tế, tiềm năng phát triển thẻ tín dụng nội địa vẫn còn rất lớn. Bởi hiện nay chỉ có người dân ở khu vực thành thị mới thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng. Trong khi đó, người dân ở vùng nông thôn, có nhu cầu chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử trong nước, đóng bảo hiểm và có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ… nhưng lại chưa được sử dụng dịch vụ hữu ích này.
Bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường, thẻ tín dụng nội địa có chi phí phát hành phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Sử dụng thẻ tín dụng nội địa, khách hàng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như phí phát hành, phí thường niên thấp hoặc hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt, các đơn vị đăng ký dịch vụ chấp nhận thẻ tín dụng nội địa còn được hưởng chi phí chấp nhận thanh toán rẻ hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.
Các chuyên gia nhận định, thẻ tín dụng nội địa còn là giải pháp để thúc đẩy TTKDTM, hướng tới tài chính toàn diện và ngăn ngừa tín dụng đen.
Tuy nhiên, số lượng thẻ tín dụng nội địa từ khi ra mắt vào đầu năm 2021 đến nay chiếm tỉ trọng thấp, chỉ 8,7% so với tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành.
Để thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa phát triển, ông Phạm Anh Tuấn –Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng: Các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa và các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng nội địa.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc NAPAS chia sẻ: NAPAS đang phối hợp với các tổ chức thẻ quốc tế triển khai thẻ đồng thương hiệu, phục vụ tệp khách hàng có nhu cầu chi tiêu trong nước và quốc tế. Sử dụng thẻ đồng thương hiệu, người dân có thể thực hiện giao dịch trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, cùng với các giải pháp trên, các tổ chức phát hành thẻ cần chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ TTKDTM.