Chiều 2-2, tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành phố, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai đã có báo cáo chi tiết về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo ông Hải, chỉ trong 4 ngày Gia Lai đã ghi nhận 13 ca mắc COVID-19, mới nhất là trường hợp đi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khiến toàn bộ bệnh viện phong tỏa làm tình hình tại đây khá phức tạp.
Kể từ 2 ca mắc đầu tiên có liên quan đến ổ dịch Hải Dương, tỉnh Gia Lai đã tiến hành lấy mẫu, truy vết 1.007 trường hợp, trong đó 373 trường hợp F1. Lấy 6.500 mẫu, trong đó có 13 trường hợp dương tính.
Ông Hải cho biết, với công suất 200 mẫu một ngày và phải nhờ Bệnh viện Vùng Tây Nguyên hỗ trợ thì tỉnh Gia Lai đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xét nghiệm.
Do lượng mẫu xét nghiệm rất lớn nên Gia Lai đề xuất Bộ Y tế cho đưa mẫu xét nghiệm đi Bình Định và TP.HCM để chia lửa.
“Mặc dù chúng tôi đang dùng mọi lực lượng để tập trung, khẩn cấp truy vết nhưng do các địa bàn có ca mắc đều ở vùng sâu, vùng xa, người dân sống tản mác dẫn đến việc truy vết F1, F2 gặp khó” – ông Hải nói.
Giám đốc Sở Y tế Gia Lai báo cáo tình hình dịch COVID-19 chiều 2-2. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Về công tác điều trị, Gia Lai đang có 2 điểm điều trị gồm Trung tâm y tế Ayun Pa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cả 2 nơi này đang có bệnh nhân mắc COVID-19 đi đến, từ đó Gia Lai đề nghị sẽ thành lập bệnh viện dã chiến tại 2 địa điểm này. Đng cửa toàn bộ bệnh viện đa khoa tỉnh trong 15 ngày để rà soát F1 các bệnh nhân trong bệnh viện. Dự kiến lấy 1.500 mẫu xét nghiệm.
Trước kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá kiến nghị gửi mẫu về TP.HCM làm xét nghiệm không khả quan vì gửi đi, gửi về sẽ rất trễ.
“Tôi sẽ điều viện Pateur TP.HCM lên Gia Lai cắm chốt để hỗ trợ xét nghiệm tại chỗ” – bộ trưởng nói.
Về đề xuất đóng cửa Bệnh viện Gia Lai, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng nếu chỉ có 1 ca mắc liên quan mà đóng cửa 1 bệnh viện sẽ trở thành thảm họa y tế.
Từ kinh nghiệm ở Bệnh viện ở Đà Nẵng, ông Tuấn đề xuất Gia Lai giải tỏa các khoa phòng không liên quan, cách ly các trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19. Sau khi giải tỏa sẽ tiến hành phun khử khuẩn, bệnh viện hoạt động bình thường trở lại.
Kết luận vấn đề trên, Bộ trưởng đồng ý việc hỗ trợ Gia Lai công tác xét nghiệm, bên cạnh đó huy động đội truy vết từ Đà Nẵng vào giúp Gia Lai nhanh chóng đẩy mạnh truy vết F1, cách ly tập trung toàn bộ và lấy mẫu thật nhanh.
“Năng lực xét nghiệm thấp thì tập trung cho F1, xong F2 rồi đến F3. Tôi nhận thấy Gia Lai đang rất chậm chạp, dịch lần này cần làm càng nhanh, khoanh càng nhanh càng tốt. Tôi đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cử ngay đội xuống cắm chốt” – ông Long nói.