18 địa phương góp ý về dự thảo hỗ trợ giáo viên trường ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi COVID-19

(PLO)- Nội dung xin ý kiến của dự thảo là làm rõ hơn về đối tượng được hỗ trợ, hồ sơ đề nghị, trình tự thủ tục và thời gian thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến, lấy ý kiến của 18 địa phương để cùng hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục tiểu học (GDTH) ngoài công lập gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PHI HÙNG

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PHI HÙNG

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 103/2022 ngày 11-8 của Chính phủ, trong đó giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc hỗ trợ cho CBGVNV trong các cơ sở GDMN, GDTH ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, bộ đã rất khẩn trương để có được dự thảo. Nội dung xin ý kiến của dự thảo là làm rõ hơn nội hàm về đối tượng được hỗ trợ, hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trình tự thủ tục, thời gian thực hiện.

Cũng tại Hội nghị, tất cả 18 địa phương đã tham gia đóng góp, bổ sung nhiều vấn đề trong dự thảo.

Chủ cơ sở không thể tự ký hợp đồng cho chính mình

Ông Phạm Xuân Tiến, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội thực hiện hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học theo Nghị quyết số 68/2021 của Chính Phủ.

Theo đó, tính đến hết tháng 12-2021, với đối tượng có đóng bảo hiểm xã hội, Hà Nội đã hỗ trợ 5.535 người, mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người (tổng mức hỗ trợ trên 25 tỉ đồng). TP Hà Nội cũng có chính sách hỗ trợ riêng, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 15 ngày 13-8-2021.

Tính đến thời điểm hết tháng 12-2021 với đối tượng không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người, tổng số người đã được hỗ trợ 15.653 người, tổng số kinh phí hỗ trợ là hơn 25 tỉ đồng.

Tổng số người được hỗ trợ trong toàn bộ thời gian nghỉ phòng chống dịch tính đến hết tháng 12-2021 là trên 25.000 người, với số tiền hơn 51 tỉ đồng.

Góp ý về dự thảo, ông Tiến cho biết về cơ bản, sở đồng ý dự thảo quyết định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, trên địa bàn TP có những trường vốn đầu tư 100% nước ngoài, trong thời gian nghỉ dịch những trường này cũng phải tạm dừng hoạt động.

Vì vậy, nếu được có thể bổ sung làm rõ hơn về cơ sở giáo dục thuộc loại hình tư thục, dân lập bao gồm cả trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo Sở GD&DT TP Hà Nội cho rằng cần bổ sung làm rõ hơn về cơ sở giáo dục thuộc loại hình tư thục, dân lập bao gồm cả trường có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa PHI HÙNG

Lãnh đạo Sở GD&DT TP Hà Nội cho rằng cần bổ sung làm rõ hơn về cơ sở giáo dục thuộc loại hình tư thục, dân lập bao gồm cả trường có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa PHI HÙNG

Ngoài ra, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hà Nội cũng đề nghị làm rõ thêm về trường hợp đã chuyển công tác và nhóm lớp đã giải thể có được hỗ trợ nữa không.

Còn theo ông Lê Hoài Nam, PGĐ Sở GD&ĐT TP.HCM, TP cũng đã hỗ trợ cho CBGVNV của hệ thống các trường NCL Tiểu học và Mầm non.

Cụ thể, Ở bậc tiểu học, TP đã hỗ trợ 664/2.375 CBGVNV. Đối với bậc Mầm non, TP đã hỗ trợ 10.642/21.814 người. Tổng số tiền thực hiện hỗ trợ là trên 35 tỉ. Số chưa được hỗ trợ do vướng mắc điều kiện, yêu cầu theo quy định như bảo hiểm, thâm niên...

Ông Nam cũng cho biết, trường Hermann Gmeiner do Sở LĐTBXH quản lý. Vì vậy, khi tổng hợp chỉ cần báo về cấp quận.

Đối với các đối tượng thuộc trường mầm non, tiểu học quốc tế, họ không cần hỗ trợ vì bản thân họ tự chăm lo, chi trả cho đội ngũ của mình. Do đó, họ không có nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Trường hợp cần được hỗ trợ là chủ trường, chủ nhóm lớp, lại vừa trực tiếp đứng giảng dạy... Nhóm này cần được hỗ trợ như cán bộ quản lý, giáo viên của các trường ngoài công lập.

Nếu thực hiện chi trả trong 15 ngày sẽ rất khó khăn

Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, số trường ngoài công lập của tỉnh này chiếm trên 73% so với tổng số trường trên địa bàn, ngoài ra còn có 579 các cơ sở GDMN độc lập. Do đó, số lượng CBGVNV được hưởng theo dự thảo này khá lớn.

Đồng thời, trong thời gian nghỉ dịch, mặc dù chủ cơ sở không tham gia trực tiếp vào các hoạt động của nhà trường, nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí như thuê mặt bằng, vay ngân hàng, chi trả lương… để giữ chân cho CBGVNV của mình.

Vì vậy, đại diện sở này kiến nghị bổ sung chủ cơ sở là một trong những đối tượng được hưởng chính sách.

“Chủ cơ sở có thể tham gia vào các hoạt động, nhưng không thể nào ký hợp đồng với chính mình. Bình Dương đề xuất, đối với chủ trường, cũng như chủ các GDMN độc lập vẫn được hưởng hỗ trợ.

Ngoài ra, tại Khoản 1 điều 9 trong dự thảo nêu, UBND cấp huyện phải hoàn thành cấp huyện hoàn thành việc chi trả không quá 15 ngày nhận hồ sơ đề nghị của CBGVNV.

Với tỉnh Bình Dương, số lượng đối tượng được hưởng theo chính sách rất nhiều, nếu thực hiện chi trả trong 15 ngày chúng tôi sẽ rất khó khăn… chưa kể một số cơ sở hiện đã giải thể, việc xác minh không hề dễ dàng” – vị đại diện này nói

Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã đánh giá cao các ý kiến của địa phương, hết sức sâu sắc.

Ông Thưởng khẳng định, Nghị quyết 103 là ổn định đội ngũ để tránh đứt gẫy đội ngũ giáo viên và hoạt động của cơ sở GDMN NCL.

Có đối tượng chưa được quy định trong dự thảo quyết định, các địa phương, sở GD&ĐT cũng cần tham mưu đề xuất, bổ sung đối tượng và mức thụ hưởng. Đó là thẩm quyền của UBND các tỉnh, TP.

Ban soạn thảo cũng cần xin ý kiến các bộ ngành, cố gắng trước 20-9 trình Thủ tướng và cố gắng cuối tháng 9 này sẽ thực thi, tổng hợp hồ sơ hỗ trợ trong ba tháng, đảm bảo để các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ của chính sách càng nhận được hỗ trợ sớm càng tốt.

Theo Bộ GD&ĐT, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế, trong đó ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học.

Tính từ tháng 5-2021 đến tháng hết tháng 3-2022, có 94% cơ sở GDMN và 16 trường mẫu giáo, mầm non SOS trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam phải ngừng hoạt động; các cơ sở GDTH NCL đã phải tổ chức dạy học trực tuyến; 94% CBGVNV trong cơ sở GDMN và 30% CBGVNV trong cơ sở GDTH NCL phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Đến nay, các địa phương đều đã đưa trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lại trường học, nhưng nhiều trẻ em mầm non không có chỗ học do cơ sở GDMN NCL đã giải thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm