2 gương mặt mới trong ban lãnh đạo Sacombank

(PLO)-  Ngày 22-4, ngân hàng Sacombank tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, trong đó nhiều nội dung quan trọng đã được thông qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo tại đại hội, Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 của Sacombank vẫn ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỉ đồng, tăng 31,8% so với năm 2020, đạt 110% kế hoạch. Nếu loại trừ các khoản phân bổ và trích lập tồn đọng tài chính thuộc đề án thì lợi nhuận lõi của Sacombank đạt 12.660 tỉ đồng, tăng 41,1% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.411 tỉ đồng, tăng 27,2%.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.630 đồng, tăng 30,6%. Vị thế của Sacombank trên thị trường được phục hồi và thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược khi giá cổ phiếu Sacombank (mã chứng khoán: STB) tăng gấp 3,3 lần so với năm 2016, từ mức giá 9.450 đồng lên trên 31.500 đồng/cổ phiếu.

Dư nợ cho vay bất động sản tại Sacombank chiếm tỉ trọng rất nhỏ

Dư nợ cho vay bất động sản tại Sacombank chiếm tỉ trọng rất nhỏ

Tại đại hội, cổ đông chất vấn về dư nợ cho vay bất động sản tại Sacombank hiện nay ra sao, dư nợ cho vay với hệ sinh thái FLC và Bamboo Airways như thế nào?

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết: Dư nợ cho vay bất động sản tại Sacombank chỉ 22% tổng dư nợ cho vay, trong số này có tới 60% nguồn vốn dành cho khách hàng cá nhân vay với mục đích vay mua, sửa nhà để ở. Dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản chỉ có 30.000 tỉ đồng, đây là tỷ trọng rất nhỏ so với tổng dư nợ gần 400.000 tỉ đồng.

Sacombank hiện cho vay hệ sinh thái của FLC trong đó có cả Bamboo Airways là hơn 5.000 tỉ đồng. Các khoản vay vừa đảm bảo bằng cổ phiếu, nhiều dự án bất động sản, và chất lượng tài sản đảm bảo này cũng tốt do đó việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cũng không gặp trở ngại nào. Tính đến thời điểm hiện tại, Sacombank đã xử lý và thu hồi được 2.600 tỉ đồng, sắp tới đây sẽ tiếp tục thu tiếp. Do đó, cổ đông yên tâm rằng các khoản cho vay Sacombank đều đúng quy định và có chất lượng tài sản đảm bảo tốt.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank nói thêm: "Thực ra các khoản nợ của FLC đều tốt nhưng do sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm”.

Một nội dung quan trọng trong đại hội năm nay của Sacombank là bầu cử Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026. Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ có bảy thành viên, trong đó có hai thành viên độc lập.

Đứng đầu danh sách đề cử là ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc. Cả ông Minh và bà Diễm đều được HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử làm thành viên nhiệm kỳ mới.

Trong danh sách đề cử vào HĐQT còn có ông Phạm Văn Phong (đang là Phó chủ tịch thường trực Sacombank), ông Nguyễn Xuân Vũ (thành viên HĐQT Sacombank 2017-2021), ông Phan Đình Tuệ (đang là Phó Tổng giám đốc).

Hai nhân sự mới là bà Phạm Thị Thu Hằng (1962, làm việc trong lĩnh vực chính sách thương mại và công nghiệp Việt Nam) và ông Vương Công Đức (1971 - hoạt động trong lĩnh vực Luật - Tài chính ngân hàng).

Danh sách đề cử Ban kiểm soát gồm ông Trần Minh Triết, trưởng Ban kiểm soát đương nhiệm; ông Lê Văn Thành (1963), bà Hà Quỳnh Anh (1971) và ông Lâm Văn Kiệt (1972).

Kết quả bầu cử, các ứng cử viên đều trúng cử vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, năm 2022-2026.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm