2 siêu dự án cao tốc qua Bình Dương được thống nhất triển khai

(PLO)- Đây là hai đường cao tốc kết nối vùng, với hy vọng thúc đẩy kinh tế vùng Đông Nam Bộ bứt phá mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

HĐND tỉnh Bình Dương vừa thông qua Nghị Quyết đồng thuận đề xuất thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, đoạn qua Thủ Biên - Sông Sài Gòn (giai đoạn 1).

Tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua Bình Dương. Ảnh: LA

Tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua Bình Dương. Ảnh: LA

Hai tuyến đường này khi hoàn thành trước mắt sẽ giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường hiện hữu. Về tương lai các tuyến đường này mang ý nghĩa kết nối vùng, thúc đẩy kinh tế Đông Nam Bộ bứt phá mạnh mẽ.

Đường cao tốc TP HCM - Chơn Thành đi qua ba tỉnh, TP là TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước. Tuyến đường có chiều dài hơn 60 km, đoạn từ đường Vành đai 3 đến tỉnh Bình Phước với quy mô 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp.

Trong đó, phần lớn tuyến đường này đi qua tỉnh Bình Dương với khoảng hơn 53 km. Tổng mức đầu tư dự kiến đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng hơn 16.000 tỉ đồng. Dự án này dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Đường Vành đai 4.

Đây là tuyến đường cao tốc nối Bình Dương, TP.HCM và các tỉnh trong Đông Nam Bộ.

Toàn tuyến có chiều dài khoảng 200 km. Dự án đi qua địa bàn 5 địa phương gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đoạn qua tỉnh Bình Dương bắt đầu từ đầu cầu Thủ Biên thuộc xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên) đến xã An Tây (thị xã Bến Cát), với tổng chiều dài gần 48 km.

Trong giai đoạn đầu, sẽ đầu tư 4 làn cao tốc hoàn chỉnh, với thiết kế 100 km/h. Nhưng đầu tư giải phóng mặt bằng sẽ có quy mô 8 làn cao tốc.

Dự án này có tổng kinh phí dự kiến hơn 18.200 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026.

Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối vùng, kết nối giao thông giữa Cảng quốc tế hàng không Long Thành với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm