Ngày 27-10, Sở Y tế TP.HCM đã mời chủ đầu tư, giám đốc chuyên môn 17 phòng khám Trung Quốc đến làm việc. Tuy nhiên, chỉ có 12 phòng khám có người tham dự và trong đó chỉ có năm bác sĩ phụ trách chuyên môn.
Tại buổi làm việc, thanh tra Sở Y tế đã chỉ ra bảy sai phạm của phòng khám Trung Quốc. Đó là: Kê đơn thuốc bằng tiếng Trung Quốc mà không dịch ra tiếng Việt; Hồ sơ bệnh án viết bằng tiếng Việt mà ký tên bác sĩ điều trị là người Trung Quốc; Không lập hồ sơ bệnh án; Thực hiện kỹ thuật không theo phát đồ, không đúng quy trình; Thực hiện kỹ thuật chưa được phê duyệt; Không đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn; Niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh không đúng quy định.
Ngoài ra, kết quả điểm kiểm tra đánh giá chất lượng của Sở Y tế năm 2016 cho thấy hầu hết phòng khám Trung Quốc chỉ đạt điểm trung bình 2,5/5 trở xuống.
TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, đánh giá: “Trên địa bàn TP.HCM có 250 phòng khám đa khoa, chỉ có 17 phòng khám Trung Quốc mà phản ánh chỉ tập trung vào 17 phòng khám này. Mặc dù năm ngoái Sở Y tế đã mời họp chấn chỉnh nhưng người bệnh phản ánh ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, trong ba tháng qua, thanh tra chuyển sang hình thức đánh giá chất lượng mà không đi kiểm tra nên phản ánh tăng lên”.
Theo TS-BS Bùi Minh Trạng, trình bày và đơn thư phản ánh của nhiều bệnh nhân đều có chung một kịch bản. Đó là khi bệnh nhân vào phòng khám, ban đầu được tiếp tân giải thích làm xét nghiệm, siêu âm vài trăm ngàn. Tuy nhiên, tiếp tân không phải bác sĩ trao đổi với bệnh nhân nữ rằng bị khí hư, viêm loét cổ tử cung, bệnh nhân nam thì hẹp bao quy đầu, viêm đường tiểu…Mục đích cho bệnh nhân đồng ý làm thủ thuật.
Tiếp theo, bệnh nhân được BS Trung Quốc thực hiện thủ thuật. Bệnh nhân sẽ bị thọt ống thông tiểu gây đau, BS sẽ hù là bệnh nặng. Tuy nhiên, BS trấn an có ba gói điều trị gồm thuốc châu Âu, gói vừa và gói thuốc Việt Nam lần lượt 20, 10 và 7 triệu đồng.
Sau khi chọn gói cao nhất nhưng vẫn không hết, bác sĩ tiếp tục vẽ ra bệnh nhân bị da thừa, bao quy đầu hẹp, có thể dẫn đến ung thư, phải cắt đi. Cứ thế, khi nằm trên bàn phẫu thuật, có bệnh nhân tốn đến 70-80 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi bị phản ánh, các phòng khám này lại giải trình khác để đối phó với các cơ quan chức năng. Khi thanh tra y tế mời bác sĩ thực hiện quá phạm vi chuyên môn lên làm việc thì bác sĩ đã nghỉ việc. Hồ sơ bệnh án tại các đều không ghi địa chỉ bệnh nhân...
BS Trạng cho biết, Bộ Y tế, UBND TP.HCM đều đã có công văn chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám Trung Quốc, tuyệt đối không có việc cơ quan thanh tra Sở Y tế bao che cho các phòng khám như dư luận nghi ngờ.