Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn cho sử dụng vaccine Sinopharm vào tháng 5-2021. Nhóm SAGE (thuộc WHO) đánh giá sau khi tiêm 1,1 triệu liều Sinopharm cho người 60 tuổi trở lên, có 45 ca biến chứng được xem là có liên quan đến vaccine. Những biến chứng phổ biến là chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, nôn, sốt, dị ứng trên da. Nhìn chung, các thống kê mà tôi tiếp cận được cho thấy con số biến chứng sau khi tiêm vaccine của Trung Quốc rất thấp so với số ca biến chứng liên quan đến các vaccine phương Tây. Chính vì thế mà có dấu hỏi về chất lượng dữ liệu liên quan đến vaccine Trung Quốc nói chung.
Công bằng mà nói, khó có thể nói vaccine Trung Quốc có hiệu quả thấp hơn hay cao hơn các vaccine của các nước khác, như AstraZeneca, Moderna hay Pfizer. Lý do là do thử nghiệm ở các quần thể khác nhau và cách đánh giá cũng khác nhau nên những con số chỉ mang tính định tính hơn là định lượng.
Các chỉ số miễn dịch hay ngăn ngừa lây nhiễm, kèm với thực tế áp dụng tại một số quốc gia đều cho thấy Sinopharm của Trung Quốc có hiệu quả giảm lây nhiễm (và hy vọng giảm số ca nhập viện) nhưng mức độ thì khó biết chính xác là bao nhiêu do cách phân tích không rõ ràng và các báo cáo quá ngắn.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh TP.HCM đang bùng phát dịch, nguồn vaccine đang khan hiếm và hệ thống y tế đứng trước nguy cơ quá tải thì tôi nghĩ vaccine Sinopharm cũng là một lựa chọn nếu chúng ta có tính toán chiến thuật, có kế hoạch lâu dài.
Thứ nhất, khi hiệu quả của vaccine Sinopharm vẫn còn chưa được đánh giá cao thì tuyệt đối không để người dân chủ quan rằng đã tiêm vaccine tức là đã an toàn. Không nên vội vàng lấy việc tiêm vaccine Sinopharm, nhất là khi mới tiêm một mũi, là tiêu chí chủ chốt để ban hành các chính sách như nới lỏng giãn cách. Vaccine ở đây chỉ đóng vai trò hỗ trợ người dân gia tăng sức chống trả với virus SARS-CoV-2 nếu không may họ nhiễm. Người được tiêm cần tiếp tục áp dụng tốt các giải pháp 5K, sát khuẩn và hạn chế đi lại vùng nguy cơ lây nhiễm.
Thứ hai, TP.HCM nên xem Sinopharm là một liều vaccine nền để tiến hành chiến dịch “tiêm trộn”. Nói cách khác, mũi 1 tiêm vaccine Sinopharm và ở mũi 2 thì nên cố gắng mua các loại vaccine khác như AstraZeneca, Moderna, Pfizer để tiêm cho người dân. Trên thế giới đã có một số nước làm điều này. Cách tiêm “bọc lót” này sẽ giúp cho người dân được bảo vệ tốt hơn. Đây cũng là cách mà Thái Lan đã và đang làm.
Tuy nhiên, cần phải chọn người để tối ưu hóa hiệu quả của vaccine. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng thì vaccine có hiệu quả khiêm tốn (51%) ở những người cao tuổi (trên 60) nhưng có vẻ có hiệu quả tương đối khá ở người khỏe mạnh.
Như vậy, điều đó cần Việt Nam nghĩ đến vấn đề thứ ba: Tìm mọi cách để mua được các loại vaccine khác đã được chứng minh là tốt hơn Sinopharm để về “tiêm trộn” kịp thời, an toàn, hiệu quả. Ngoài các loại vaccine đã nêu, tôi cũng đề nghị Việt Nam nên thương lượng với Novavax (Mỹ) để làm dồi dào nguồn vaccine. Theo số liệu công bố trên tập san y khoa New England Journal of Medicine, vaccine loại protein của Novavax có hiệu quả 90% chống COVID-19. Đây là nguồn vaccine mới rất có ích cho Việt Nam để đạt miễn dịch cộng đồng mà ngay cả Úc cũng đã thương lượng để mua.
Cuối cùng, tôi cho rằng dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng (như thử nghiệm ai, ở đâu, bao lâu, chỉ tiêu lâm sàng là gì, phân tích ra sao, ai là người giám sát phân tích dữ liệu…) là rất quan trọng với bất kỳ loại vaccine nào. Ngoài việc đề nghị phía Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu về Sinopharm, Việt Nam cũng cần thu thập và đánh giá từ chính đợt tiêm này tại TP.HCM. Đó sẽ là các thông số quan trọng góp phần thúc đẩy tiến bộ trong y khoa, nâng cao hiệu quả vaccine và tăng cường đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân trước đại dịch.
(*) GS Nguyễn Văn Tuấn hiện là giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc.