4 ưu tiên của pháp luật dành cho phụ nữ

Nhân ngày kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, Pháp Luật TP.HCM điểm lại một vài quy định mà pháp luật dành cho phụ nữ những quyền lợi riêng. 

Thứ nhất, trong lĩnh vực lao động Bộ luật Lao động 2019 đã có hẳn một chương quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới. Theo đó,  phụ nữ sẽ được những quyền lợi riêng biệt như:

- Nghỉ mỗi ngày 30 phút trong thời gian hành kinh; trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. 

- Không phải làm thêm giờ, đi công tác xa và làm việc ban đêm nếu mang thai từ tháng thứ 07 trở đi hoặc từ tháng thứ 06 trở đi nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;

- Không bị xử lý kỷ luật, không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian mang thai, đang nuôi con nhỏ...

Quy định pháp luật trong một số lĩnh vực có những ưu tiên dành riêng cho phụ nữ. Ảnh: NGỌC THÚY

Thứ hai, trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được yêu cầu ly hôn.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 81 Luật này cũng có quy định, nếu ly hôn khi con dưới 36 tháng tuổi, thì quyền nuôi con đương nhiên thuộc về người vợ, trừ khi người vợ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Thứ ba, trong lĩnh vực hình sự, pháp luật hình sự cũng có những quy định được cho là ưu ái cho phụ nữ phạm tội. Cụ thể:

Không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng (Điều 40 Bộ Luật hình sự  2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Phụ nữ đang có thai là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS).

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi (khoản 4 Điều 36 BLHS).

Thứ tư, trong công tác thi đua khen thưởng mỗi nghành, lĩnh vực sẽ có những quy định riêng về thi đua, khen thưởng.

Trong đó, ở một số nghành đã có những quy định ưu ái cho phụ nữ. Ví dụ, tại Khoản 11, Điều 5 Thông tư 01/2018 của Toà án nhân dân tối cao quy định khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của một hình thức khen thưởng thì ưu tiên khen thưởng cá nhân nữ, tập thể có tỉ lệ nữ cao hơn.

Những quy định trên nhằm góp phần đem lại bình đẳng giới giữa nam và nữ. Điều 4 Luật Bình đẳng giới cũng đã nêu rõ: "Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm