45.665 tỉ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19

(PLO)- Bộ LĐTB&XH đề xuất kết thúc chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vào 31-12-2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đã có 36,4 triệu người, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh trên cả nước được hỗ trợ dưới các hình thức khác nhau trong đợt dịch COVID-19, tính đến 30-6, với tổng giá trị quy đổi là trên 45.665 tỉ đồng.

Đây là những con số mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra trong dự thảo báo cáo kết quả thực hiện hai Nghị quyết số 68 và 126 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó do dịch COVID-19.

Dự thảo báo cáo này đang được các bộ, ngành, chính quyền địa phương góp ý hoàn thiện.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất kết thúc việc chi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm nay. Ảnh: N.LONG

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất kết thúc việc chi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm nay. Ảnh: N.LONG

Theo dự thảo này, về phần BHXH Việt Nam đã điều chỉnh giảm nghĩa vụ tài chính thuộc quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động, với số tiền 4.164 tỉ đồng.

Các cấp chi 6.631 tỉ đồng hỗ trợ cho hơn 2 triệu lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc do COVID-19; hỗ trợ 1.129 tỉ đồng cho trên 1,1 triệu người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị ngừng việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng dịch COVID-19.

Dự thảo báo cáo bóc tách con số hơn 20.212 đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ và hướng dẫn viên du lịch được nhận hỗ trợ, với tổng số tiền gần 75 tỉ đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các chính sách hỗ trợ người dân trong đại dịch thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, một số chính sách, trong giai đoạn đầu triển khai, còn gắn với một số điều kiện, tiêu chí chưa sát với điều kiện thực tiễn nên phải sửa đổi.

Việc triển khai gói hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương có lúc, có nơi còn thiếu nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Một số cán bộ thực thi có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, nên triển khai công việc còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt.

Việc cấp phát kinh phí hỗ trợ giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp ở một số địa phương có lúc chưa kịp thời, dẫn tới việc giải quyết, chi trả chế độ cho đối tượng thụ hưởng chậm, làm giảm đi ý nghĩa của chính sách.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay các chính sách hỗ trợ người dân về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Vì vậy, cơ quan này đề xuất Chính phủ không kéo dài hiệu lực Nghị quyết số 68 và 126 sang năm 2023.

“Đối với một số tỉnh, thành chưa hoàn tất việc hỗ trợ, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo chi trả để sớm hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 31-12-2022…” - dự thảo báo cáo cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm