Nguyên nhân âm vốn của Ngân hàng (NH) Đại Tín là do hậu quả của những sai phạm nhóm Phú Mỹ mà bà Phấn đại diện thực hiện. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc NH Đại Tín (tên gọi trước của NH Xây dựng) được NHNN mua lại với giá 0 đồng.
Nhiều người thắc mắc về nhân vật bí ẩn này. Không ít câu hỏi đặt ra số tiền ngàn tỉ nhóm Phú Mỹ và bà Phấn đã rút ruột bằng cách nào? Số tiền này hiện nay ở đâu...
Trong các phi vụ rút ruột NH và các sai phạm, điển hình nhất là vụ kê khống khoản nợ của Công ty Phương Trang (Phương Trang) thực chất làm thêm hồ sơ giả mạo để rút ruột NH.
Cụ thể, năm 2010 Phương Trang làm thủ tục vay vốn tại NH Đại Tín là 47 hồ sơ và một khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp là Công ty Trường Vĩ. Tài sản đảm bảo cho số tiền vay tín dụng của Phương Trang bao gồm bất động sản, ô tô do chính NH Đại Tín định giá 14.500 tỉ đồng. Tổng số tiền được ghi nợ là 9.437 tỉ đồng nhưng đối chiếu công nợ Phương Trang chỉ vay khoảng 3.400 tỉ đồng.
Biên bản làm việc bên Phương Trang đã đưa ra các bằng chứng cho thấy phía bà Phấn làm hồ sơ giả, ghi nợ khống cho Phương Trang thêm 6.000 tỉ đồng có chứng kiến của NHNN. Như vậy trong phi vụ đầu tiên bà Phấn và lãnh đạo cũ NH Đại Tín đã rút ruột NH 6.000 tỉ đồng.
Bà Sáu Phấn tại phiên xử đại án 9.000 tỉ đồng.
Thứ hai, với việc nắm quyền chi phối tại NH, bà Phấn dùng thủ đoạn chuyển nhượng căn nhà ở số 5 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3 qua lại để kê giá lên nhằm mục đích bán lại cho NH Đại Tín, thu lợi bất chính khoảng 1.000 tỉ đồng.
Vì định giá căn nhà này vào tháng 7-2011 là gần 291 tỉ đồng nhưng khi sang nhượng vào tháng 2-2012 ở thời điểm thị trường địa ốc đóng băng bà Phấn bán cho NH với giá lên tới 1.260 tỉ đồng.
Thứ ba, 2009-2010, bà Phấn đã dùng nhiều phương thức khác nhau để bỏ ra khoảng 2.000 tỉ đồng nhờ người đứng tên thâu tóm NH Đại Tín. Sau đó tiếp tục nhờ 29 đối tượng là con, cháu, bảo vệ, lái xe, kế toán… vay tổng số tiền lên tới 3.581 tỉ đồng.
Điều đáng nói là tài sản thế chấp cho khoản vay phần lớn là đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè, quận 2. Tại thời điểm gần bảy năm trước, đất nông nghiệp, đất trồng lúa khu vực này chỉ có giá 80.000-200.000 đồng/m2. Thế nhưng đất của bà Phấn vẫn được định 8-32 triệu đồng/m2 để bảo đảm vay. Như vậy trong phi vụ này, bà Phấn đã dùng quyền nắm cổ phần lớn tại NH Đại Tín để rút ruột NH lần ba.
Thứ tư, kết quả điều tra cũng cho thấy bà Phấn đã chỉ đạo NH Đại Tín trực tiếp đầu tư trái phép 1.038 tỉ đồng dự án bất động sản. Bao gồm 137 tỉ đồng vào dự án Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B (Dĩ An, Bình Dương). Dự án này được Công ty TNHH Phú Mỹ do bà Phấn làm chủ tịch HĐTV là chủ đầu tư. Tiếp đó NH Đại Tín bỏ thêm 571 tỉ đồng vào dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Garden II (Bến Lức, Long An) do Công ty Cổ phần Phú Mỹ làm chủ đầu tư và 330 tỉ đồng vào hai dự án The Star City và Go - Go City tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) do Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang (công ty con do bà Phấn lập ra) làm chủ đầu tư.
Được biết đến nay dự án Phú Mỹ Garden II đã bị thu hồi, hai dự án The Star City và Go - Go City tại huyện Nhà Bè vẫn chỉ là bãi đất trống.
Kết luận điều tra cho thấy tổng số tiền bà Phấn mua nhà đất cho NH Đại Tín trong giai đoạn này lên đến hơn 3.600 tỉ đồng. Trong khi quy định của pháp luật đầu tư mua sắm tài sản cố định của NH không vượt quá 50% vốn điều lệ, tức không vượt quá 1.500 tỉ đồng.
Thứ năm, bà Phấn đã tạm ứng tiền công đoàn của NH Đại Tín là 135 tỉ đồng góp vốn với Công ty Lam Giang (công ty sân sau của bà Phấn) và 200 tỉ đồng NH Đại Tín tạm ứng cho Công ty Chứng khoán Đại Việt (có vốn góp của nhóm bà Phấn).
Như vậy ngoài việc rút ruột hàng ngàn tỉ đồng (chưa tính được), bà Phấn đã cùng lãnh đạo cũ NH Đại Tín câu kết làm cho NH Đại Tín âm thêm 2.854 tỉ đồng.
Với hàng loạt sai phạm như vậy, bà Phấn và lãnh đạo cũ NH Đại Tín đã bị khởi tố. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào thời gian tới.